Hotline 24/7
08983-08983

Suýt chết vì thuốc trị tiểu đường... cấp tốc

Tin vào lời quảng cáo thuốc gia truyền, điều trị cấp tốc, nhiều người bị bệnh đái tháo đường (tiểu đường) đã mua uống và hậu quả là nhập viện cấp cứu, có người tử vong.

Bệnh nhân suýt mất mạng vì những viên thuốc trị đái tháo đường này - Ảnh: H.LỘC


Tìm hiểu quá trình điều trị chúng tôi ghi nhận bệnh nhân đang được điều trị và kiểm soát đái tháo đường rất tốt, nhưng lại bỏ điều trị, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ. Đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch, tiền mất tật mang.

BS CKI TRẦN MINH TRIẾT


Được người quen "mách" về một loại thuốc gia truyền kiểm soát đường huyết… cấp tốc, gần hai tháng nay bà Đ.T.M. (65 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) bỏ hẳn việc điều trị bệnh tại bệnh viện.

Bà chuyển sang dùng loại thuốc dạng viên không có nguồn gốc với nhiều màu sắc với hi vọng mau chóng thoát khỏi bệnh.

Thế nhưng kể từ khi dùng thuốc "cấp tốc", bà thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, sức khỏe ngày càng suy giảm và mới đây phải vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bỏ điều trị vì tin vào "thuốc gia truyền"


Tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, bà M. được chẩn đoán bị suy hô hấp, tụt huyết áp, toan máu nặng, chỉ số acid lactic trong máu tăng rất cao.

Các bác sĩ đã hội chẩn, phối hợp liên chuyên khoa khẩn cấp để cấp cứu, hồi sức tích cực, lọc máu nhằm loại bỏ bớt acid lactic ra khỏi cơ thể, giành lại sự sống cho bà M. sau 10 ngày điều trị.

Bác sĩ CKI Trần Minh Triết - khoa nội tổng hợp Bệnh viện ĐH Y dược, người trực tiếp điều trị cho bà M. - cho biết đây là trường hợp được cứu sống khá đặc biệt. Bởi không phải lúc nào cũng có thể thành công, đặc biệt với những trường hợp dùng thuốc quá lâu, đến bệnh viện quá muộn có thể dẫn đến tử vong.

Tương tự, chỉ vì tin vào thuốc "đông y gia truyền", cuối tháng 3-2019 bà L.T.K.A. (58 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) được gia đình đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng mệt, chóng mặt, nôn ói liên tục.

Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ xác định đường máu của bà A. cao (290 mg/dl), nhiễm toan máu nặng với pH máu = 6.8 (giá trị ở người bình thường là 7.35 - 7.45).

Đây là một tình trạng rối loạn thăng bằng toan kiềm nặng có nguy cơ tử vong cao. Nhờ được điều trị tích cực bằng phương pháp truyền insulin tĩnh mạch liên tục kiểm soát đường huyết, dùng thuốc chống toan máu và truyền dịch cân bằng điện giải…bệnh nhân đã may mắn thoát khỏi nguy kịch.

Theo người nhà, nhiều năm qua bà A. bị bệnh đái tháo đường và cao huyết áp. Trước đây bà điều trị bằng thuốc tân dược theo toa của bác sĩ. Gần đây có người quen giới thiệu, bà bèn mua thuốc viên nén "đông y gia truyền" với các màu vàng, xanh bắt mắt về uống. Mỗi ngày bà uống mỗi loại 8 viên, cứ thế uống đến ngày thứ 4 thì cảm thấy mệt phải nhập viện.

Trước đó 3 tháng, bệnh viện này cũng tiếp nhận điều trị một trường hợp tương tự vì tự ý mua loại thuốc "đông y gia truyền" uống trị đái tháo đường. Ngoài các triệu chứng như mệt, rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân này còn bị suy thận cấp và nhiễm toan máu.

những viên thuốc trị đái tháo đường không có nguồn gốc - Ảnh: H.LỘC


Thuốc chứa hoạt chất bị cấm lưu hành

Theo phân tích của các bác sĩ, có thể các trường hợp bệnh nhân nêu trên đã uống loại thuốc có pha trộn hoạt chất phenformin. Đây là một loại thuốc được phát hiện vào năm 1957 để điều trị tiểu đường.

Tuy nhiên, quá trình theo dõi các chuyên gia nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể gây nhiễm toan máu (còn gọi nhiễm acid lactic), suy thận… gây tử vong với tỉ lệ rất cao.

Bác sĩ CKI Trần Minh Triết cho biết nhiễm toan máu do phenformin trên người bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu thường biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ.

Đến khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, nồng độ acid lactic tăng cao, kèm theo đó là rối loạn tri giác và suy hô hấp. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong, cần phải được điều trị hồi sức tích cực.

Từ các nguy cơ này mà vào những năm 1970, hoạt chất phenformin dần bị hạn chế sử dụng và bị cấm lưu hành ở Mỹ và nhiều nước. Tuy vậy, ở nước ta và một vài nước khu vực châu Á phenformin vẫn lén lút được sản xuất, lưu hành dưới dạng thuốc điều trị đái tháo đường.

Và ngày nay việc sử dụng phenformin để sản xuất thuốc điều trị đái tháo đường đang trở nên phức tạp và rất khó kiểm soát hơn. Loại thuốc thường được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như dạng viên thuốc gia truyền, thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường…

Theo TS.BS Trần Quang Nam - trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện ĐH Y dược, bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính ngày một gia tăng, gây ra nhiều biến chứng. Và loại bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, theo dõi định kỳ.

Do đó người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những lời quảng cáo trên Internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị sẽ làm cho các biến chứng ngày càng nặng nề, có thể nhiễm toan máu nguy hiểm chết người.

Thuốc bị cấm lưu hành, tỉ lệ tử vong 50%

Việc sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường cấp tốc đang gây ra những biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Theo thống kê từ khoảng cuối năm 2018 đến nay, khoa nội tổng hợp Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đã tiếp nhận, cấp cứu thành công cho hơn 10 trường hợp nhiễm acid lactic do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc có chứa phenformin. Loại thuốc bị cấm lưu hành do khả năng gây toan máu rất cao và tỉ lệ tử vong lên đến 50%.
Theo Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X