Hotline 24/7
08983-08983

Suy thận cấp vì uống 1kg nước ép khế

Một người đàn ông 65 tuổi được bác sĩ chỉ định chạy thận nhân tạo vì nghe theo lời chỉ dẫn trên mạng, ép 1kg khế lấy nước uống.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết đã tiếp nhận trường hợp ông T.V.Q, 65 tuổi, không có tiền sử về bệnh. Bệnh nhân nhập viện vì nghe theo chỉ dẫn trên mạng, đã ép một kg khế lấy nước uống. Sau hơn 1 tiếng, ông bị nôn ói, mệt, tiểu ít, nước tiểu đỏ sậm và phải nhập cấp cứu. Tại đây, ông được chẩn đoán tổn thương thận cấp do nước ép khế, được chỉ định chạy thận nhân tạo.

TS.BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - chia sẻ: “Suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1 đến 4, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị, người bệnh có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5-10 năm, trì hoãn giai đoạn lọc máu định kỳ.

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 5, người bệnh phải ghép thận hoặc lọc máu định kỳ bởi suy thận mạn giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân không mắc các bệnh ung thư hoặc viêm nhiễm mạn tính chưa kiểm soát được (lao, viêm gan…) nếu tìm được một quả thận phù hợp mô học với cơ thể của mình, đều có thể được ghép thận.

Bác sĩ Đức cũng cho biết thận là một cơ quan thuộc hệ tiết niệu, có nhiệm vụ sản xuất ra nước tiểu để đào thải các chất thải độc hại ra khỏi cơ thể và giữ cho môi trường bên trong cơ thể luôn ổn định về nước, điện giải, khoáng chất, kiềm toan và cùng với tủy xương tạo hồng cầu cho cơ thể. Nếu nhiệm vụ này bị suy yếu, các chất thải độc hại tích tụ lại trong cơ thể, môi trường xáo trộn, gây ra nhiều biến chứng nặng nề.

Người đàn ông phải nhập viện cấp cứu vì tổn thương thận sau khi uống hết 1 kg nước ép khế. Ảnh: BVCC

ThS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tại khoa Nội thận - Thận nhân tạo, mỗi năm có khoảng 30.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị bệnh thận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động trên thường là tâm lý chủ quan, lơ là với những biểu hiện ban đầu, dẫn đến bệnh tình trở nặng. Vì vậy, đa số người bệnh đều nhập viện trong tình trạng muộn.

Các chuyên gia khuyến cáo để phòng tránh bệnh suy thận mạn tính hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện mắc bệnh, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý điều trị. Đặc biệt, người dân cần kiểm soát chế độ ăn uống hàng ngày, hạn chế ăn mặn, duy trì thể dục thể thao, kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.

Theo Bích Huệ - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X