Hotline 24/7
08983-08983

Suy giảm trí nhớ: không phải chuyện nhỏ!

Khi đã có tuổi, chúng ta thường nói đùa “quên bớt đi là hay, nhớ làm chi cho mệt”. Đó là chuyện nói vui, nói bóng gió thế thôi, chứ quên làm sao mà hay được.

 Từ quên tới... tử!

Trong sinh hoạt hàng ngày mà quên nhiều thì rất phiền toái. Chuẩn bị ra khỏi nhà mà quên cái ví tiền, quên chìa khóa xe, mũ bảo hiểm, áo khoác... Thế là phải chạy lên chạy xuống thang lầu nhiều đợt để lấy cho đủ, nhưng đôi khi vẫn cứ thiếu một cái gì đó. Gặp một người bạn thân lâu ngày, đột nhiên quên tên của người ấy, thế là cứ ậm ự cho qua, trong lòng thật mắc cỡ. Đi ra khỏi nhà đã khóa cửa nhưng trong lòng không chắc mình đã khóa cửa chưa, thế là lo âu, “phôn” tới “phôn” lui cho người nhà hỏi cho chắc ăn...

Nếu hiện tượng giảm trí nhớ ở những người lớn tuổi chỉ dừng lại như vậy thì cũng chưa đáng nói. Nhưng chứng quên của họ có thể ngày càng nặng hơn, quên nhiều chuyện, không kết nối được chuỗi sự kiện, bắt đầu thấy khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn khi thực hiện một công việc thông thường trước đây. Dần dần họ quên thời gian, xác định ngày giờ không còn chính xác; quên luôn nơi chốn, đôi khi không biết mình đang ở đâu, hay đã đến đây bằng phương tiện gì, với mục đích gì.

Nếu họ gặp vấn đề về thị giác thì khả năng bị Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) là rất cao, như gặp khó khăn khi đọc sách, phán đoán khoảng cách gần xa, nhận định màu sắc... Trong một số trường hợp nặng, họ không thể nhận ra mình khi soi gương (cứ nghĩ rằng có một ai khác đang hiện diện trước mặt). Người bệnh Alzheimer gặp khó khăn khi tiếp xúc, trò chuyện với người khác, họ đột ngột ngừng nói và không biết cách nào để tiếp tục hoặc cứ lặp đi lặp lại những ý tưởng đã trình bày. Họ gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ để diễn tả một hành động hay sự vật và thường gọi sai tên các vật dụng thông thường. Đời sống bị rối loạn do họ không còn khả năng đặt các vật dụng đúng vị trí thường ngày rồi không tìm ra chúng được nữa. Cuộc sống cứ như thế mà rối tung lên. Bệnh nhân Alzheimer dần dần không còn chú ý đến trang phục, đôi khi họ ăn mặc lôi thôi và để cơ thể dơ bẩn! Tính tình và nhân cách thay đổi. Họ hay cáu gắt, giận dữ đột ngột hay buồn rầu và thu mình lại, tránh những giao tiếp với xã hội, với người xung quanh, hoặc bỏ đi lang thang vô định.
Hãy điều trị sớm khi bệnh mới chớm xuất hiện, đừng để quá muộn. Những bệnh tật khi chúng ta để quá muộn, gây tổn thương quá nặng nề không thể hồi phục được nữa rồi đổ lỗi cho đó là bệnh nan y thì có hối tiếc lắm chăng?

Nếu không được điều trị và hỗ trợ kịp thời, đầy đủ, người bệnh sẽ mất hoàn toàn trí nhớ và cuộc sống cũng hoàn toàn lệ thuộc vào người xung quanh. Cuối cùng các cơ bị thoái hóa, mất vận động, dẫn đến việc người bệnh phải nằm liệt giường, đồng thời mất khả năng tự ăn uống. Bệnh nhân bị tử vong bởi các tác nhân bên ngoài như nhiễm trùng các vết loét do nằm lâu ngày, viêm phổi...

Cứu bệnh như cứu hỏa!

Hiện nay số lượng người mắc bệnh Alzheimer trên thế giới vào khoảng 47,5 triệu người. Đây là một con số rất lớn và ngày càng gia tăng do tuổi thọ ngày càng cao. Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer chưa được xác định một cách rõ ràng.

Có quá nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh Alzheimer. Giả thuyết cổ điển nhất cho rằng bệnh Alzheimer là do giảm tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) acetylcholin. Tuy nhiên giả thuyết này đã không được ủng hộ bởi vì các thuốc dùng để điều trị thiếu hụt acetylcholin thực sự không có hiệu quả đối với bệnh nhân Alzheimer. Đến năm 1991, xuất hiện giả thuyết mới cho rằng amyloid beta (Aβ) đi kèm với hiện tượng đột biến gen đã làm tích tụ quá nhiều mảng amyloid trong tổ chức não của bệnh nhân là nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Năm 2009, giả thuyết trên đã được nghiên cứu sâu rộng hơn, cho rằng một họ hàng gần của protein amyloid beta (không nhất thiết phải là chính amyloid beta) có thể là thủ phạm chính gây bệnh Alzheimer. Một giả thuyết khác cho rằng nguyên nhân là do sự phá hủy myelin trong não do lão hóa. Sự mất mát myelin dẫn đến giảm khả năng dẫn truyền trong trục thần kinh, vì thế mất dần các nơ ron già cũ. Quá trình phân hủy myelin thải ra sắt cũng góp phần gây phá hủy thêm hệ thần kinh. Nói tóm lại, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer được biết đến một cách chắc chắn nhất là do rối loạn về gen, tuy nhiên, nguyên nhân này chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số bệnh nhân, phần còn lại chưa xác định được.

Khi có phần lớn bệnh nhân chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh thì làm sao chúng ta có thể cho rằng Alzheimer là một bệnh lý mất trí nhớ riêng biệt, còn những biểu hiện suy giảm trí nhớ ở những người lớn tuổi, hoặc ở những người còn trẻ tuổi không phải là giai đoạn khởi đầu của bệnh Alzheimer? Tại sao chúng ta không đặt ngược vấn đề, nếu một người bị suy giảm trí nhớ khi còn trẻ hay đã có tuổi, nếu không tự phục hồi, hay không được điều trị một cách phù hợp sẽ dẫn đến mất trí nhớ hoàn toàn mà ta gọi là Alzheimer?

Trên thực tế lâm sàng, cứu bệnh như cứu hỏa. Khi thấy nhà cháy, ta phải hô hoán để mọi người tìm cách dập tắt lửa chứ không thể đi tới đi lui suy nghĩ xem nguyên nhân nào gây cháy nhà! Vấn đề suy giảm trí nhớ cũng vậy, phải nghĩ chuyện phòng bệnh, đừng để những rối loạn về trí nhớ xảy ra, nếu đã xảy ra rồi thì phải tìm cách điều trị sớm, đừng để bệnh ngày càng nặng thêm, còn nguyên nhân thì tính sau.

Để phòng tránh bệnh mất trí nhớ, khi còn trẻ, chúng ta phải luôn luôn tập luyện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, đi kèm với rèn luyện trí nhớ và tránh những nguyên nhân có thể làm suy giảm trí nhớ. Khi chúng ta bắt đầu chớm có những biểu hiện suy giảm trí nhớ phải điều trị ngay và điều trị tích cực để trí nhớ được phục hồi (không được chủ quan cho rằng suy giảm trí nhớ là do quá trình lão hóa, không tránh khỏi và phải chấp nhận khi đã có tuổi). Biết đâu rất nhiều người điều trị tích cực hiện tượng suy giảm trí nhớ đã tránh được bệnh Alzheimer mà các chuyên gia cứ cho rằng đây là bệnh không chữa trị được?

Theo y học cổ truyền (YHCT), có ba cơ quan tạng phủ rất quan trọng đối với trí nhớ cũng như sự thông minh đó là tạng thận, tạng tâm và tạng tỳ. Khi chức năng của các cơ quan này bị rối loạn, trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng.

Muốn điều trị về trí nhớ, thầy thuốc YHCT sẽ điều hòa điều chỉnh chức năng của ba tạng này cùng với chức năng chung của cơ thể. Những phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, day bấm huyệt, tập luyện cơ thể (yoga, thái cực quyền, khí công, thư giãn, thiền định...) đều có thể phòng bệnh và điều trị bệnh suy giảm trí nhớ với kết quả rất ngoạn mục. Nếu cần, thầy thuốc YHCT sẽ kết hợp thêm thuốc là các loại dược thảo có công năng bổ tỳ , bổ thận, bổ tinh, an thần định chí... Tất cả những phương pháp trên có thể sử dụng riêng rẽ hay phối hợp với nhau để hồi phục lại trí nhớ và sự thông minh cho con người.

Hãy điều trị sớm khi bệnh mới chớm xuất hiện, đừng để quá muộn. Những bệnh tật khi chúng ta để quá muộn, gây tổn thương quá nặng nề không thể hồi phục được nữa rồi đổ lỗi cho đó là bệnh nan y thì có hối tiếc lắm chăng?

(*) Chủ tịch Hội Đông y và Hội Châm cứu TPHCM

Theo BS Lê Hùng - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X