Hotline 24/7
08983-08983

Sụp xương chậu điều trị thế nào vậy AloBacsi?

BS Lan Hương tư vấn các trường hợp: vết tiêm ở mông bị chai, bà bầu khó thở khi đứng, thuốc tăng chiều cao trên mạng có tốt không, sụp xương chậu điều trị thế nào, rối loạn tiền đình kèm tăng huyết áp...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

Tram Huynh - nguyenhuynh...@gmail.com

Dạ BS cho em hỏi,

Lúc điều trị gãy xương đùi, bên mông bị tiêm thuốc có 1 cục cứng, hơn 1 tháng rồi mà vẫn còn. Lúc đầu hơi đau, nhưng giờ không còn đau hay có dấu hiệu sốt gì cả.

Vậy có sao không ạ, bao lâu thì hết, và làm sao để hết ạ? Cảm ơn BS nhiều ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Lựa chọn đường tiêm thuốc ở mông có nhiều lợi ích cũng như 1 số tác dụng phụ đi kèm. Một trong những biến chứng có thể gặp là gây xơ chai, viêm mô tế bào và áp xe nơi tiêm chích.

Hiện giờ em không có biểu hiện viêm nhiễm gì cả, nhưng chỗ chích bị xơ chai rồi. Biến chứng này là lành tính, có thể tự hết nhưng nhiều tháng, có khi xơ chai vậy luôn, nhưng không ảnh hưởng thẩm mỹ hay sức khỏe gì cả.

Em có thể xoa bóp, chườm ấm, mát xa tại chỗ, hoặc tư vấn bên da liễu hoặc phẫu thuật thẩm mỹ để lựa chọn hướng xử trí nhanh hơn (như chiếu tia, chích thuốc, bôi thuốc…) tùy điều kiện kinh tế. Thân mến.


Trinh Le - thuytrin...@gmail.com

Chào BS,

Con bị bệnh động kinh đã 10 năm, lúc trước con dùng Depakine 500g ngày 1 viên.

Trong vòng 2 năm con không bị cơn nào nên con chuyển sang dùng thuốc cấp thì khoảng 1 tuần con lên cơn nên BS cho con uống lại thuốc Depakine 500g ngày 2 viên.

Con đã uống trong 6 năm nhưng bệnh tình con không khỏi mà cứ 1 tháng lên cơn, có lúc được 2 tháng, có lúc được 3 tháng.

Con không biết có nên thay đổi thuốc khác hay là có cách nào khác không tại hiện giờ con thấy trí nhớ mình giảm sút đáng kể mà tình trạng bệnh không đỡ. Con xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Với tình trạng hiện tại thì theo quan điểm của tôi, em cần được điều chỉnh thuốc chống động kinh để kiểm soát chặt chẽ hơn các cơn động kinh, có thể phối hợp thêm thuốc hoặc lựa chọn thuốc thế hệ mới (tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn).

Vấn đề này BS chuyên khoa Nội thần kinh sẽ giúp được cho em, cá nhân tôi không được phép kê thuốc thông qua kênh truyền thông mà không thông qua thăm khám + hỏi bệnh trực tiếp với người bệnh, điều này là do vấn đề an toàn của người bệnh, đây là luật.


Nguyễn Hữu Tâm - Bạc Liêu

Thưa BS,

Mẹ tôi bị tai nạn. BS khám và chụp ảnh, cho biết bị sụp xương chậu. Tôi muốn tìm hiểu về bệnh này. Xin BS tư vấn giúp. Xin cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khung chậu có hình như một cái chậu thắt ở giữa, được cấu tạo bởi 2 xương chậu, xương cùng và xương cụt. Xương chậu gồm 3 xương hợp lại là xương chậu, xương ngồi, xương mu, tiếp giáp 3 xương là ổ cối, phía trước là khớp mu, phía sau khớp với xương cùng của cột sống gọi là khớp cùng chậu.

Nguyên nhân gãy xương chậu thường gặp là do té ngã: ngã ngồi gây gãy ụ ngồi, gãy ngành cánh chậu (gãy kiểu Duverney); do chấn thương: xương chậu bị ép lại trong trường hợp xe đè qua hay bị vật nặng đè ép, rơi từ độ cao lớn, do sập hầm, vùi lấp, tai nạn giao thông; vận cơ quá mức thường gặp ở người chơi thể thao, luyện tập võ thuật, động tác đột ngột trong lao động: gãy gai chậu trước trên do cơ căng cân đùi và cơ may kéo mạnh, gãy gai chậu trước dưới do cơ thẳng trước kéo, gãy cánh chậu do cơ mông nhỡ kéo.

Những tổn thương gãy thường gặp:

- Gãy khung chậu: Sau chấn thương bệnh nhân thấy sưng nề, tụ máu vùng gãy xương;không nâng được chân lên khỏi mặt giường; ép giữa khung chậu thấy đau chói. Triệu chứng tổn thương các cơ quan trong khung chậu và trong ổ bụng: rách, đứt niệu quản, vỡ bàng quang, đứt niệu đạo, tổn thương âm đạo, tử cung, vòi buồng trứng, mạch máu, thần kinh, vỡ thận, gan, lách, thủng ruột non, ruột già. Chụp Xquang thẳng nghiêng thấy hình ảnh gãy xương: gãy cung trước, cung sau, trật khớp mu, trật khớp cùng - chậu.

- Gãy thành chậu, rìa chậu: Bệnh nhân không co gấp đùi vào bụng được, bất lực vận động, đau nhiều ở vùng gãy nếu sưng nề lớn; ấn đau tại chỗ: ụ ngồi, gai chậu trước trên, gai chậu trước dưới, xương cùng, xương cụt; ép khung chậu đau; nếugãy xương cùng, ngành mu chậu thì thăm âm đạo, trực tràng đau.

Chụp Xquang xác định thể gãy thành chậu: gãy gai chậu trước trên và trước dưới; gãy dọc cánh chậu; gãy ngang cánh chậu kiểu Duverney; gãy ngang xương cùng; gãy ngành mu - chậu; gãy ụ ngồi; gãy ngành ngồi - chậu; gãy ngang xương cụt.

- Gãy ổ cối: Bệnh nhân đau nhiều trong khớp háng; không đứng, không cử động được khớp háng; nếu làm cử động khớp háng bệnh nhân sẽ rất đau; vị trí mấu chuyển lớn có thể bị di lệch khi trật khớp háng trung tâm. Chụp Xquang phát hiện gãy rìa trên, rìa dưới ổ cối; gãy rìa ổ cối mảnh lớn gây bán trật khớp háng nhẹ; gãy đáy ổ cối có chỏm xương đùi lọt qua gây trật khớp háng trung tâm.

Cách xử lý

Sơ cứu: Nếu gãy thành chậu có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ và toàn thân; vận chuyển nhẹ nhàng trên võng đến BV. Trường hợp gãy khung chậu chỉ dùng thuốc giảm đau tại chỗ, không dùng thuốc giảm đau toàn thân khi chưa rõ tổn thương kết hợp; vận chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng trên ván cứng về cơ sở điều trị.

Điều trị: Nếu bệnh nhân bị sốc phải chống sốc tích cực. Đồng thời phải điều trị các tổn thương kết hợp.

+ Gãy thành chậu: thường điều trị bảo tồn, bệnh nhân phải nằm bất động trên giường từ 2-4 tuần. Đối với gãy Duverney, do di lệch lớn nên phải nắn chỉnh, băng dính tại chỗ và bất động trên giường 4-6 tuần. Nếu gãy xương cụt: nắn chỉnh qua trực tràng hoặc phẫu thuật. Gãy gai chậu trước trên, gai chậu trước dưới cần phẫu thuật khâu dính lại, kết hợp xương bằng vít. Gãy ổ cối kết hợp xương bằng đinh Kirschner qua lồi cầu xương đùi kéo liên tục với trọng lượng 8 - 10kg trong 10 - 14 tuần.

+ Gãy khung chậu: điều trị bảo tồn nếu gãy một cung trước hoặc sau ít di lệch, cho bệnh nhân nằm bất động 5-6 tuần. Gãy hai cung, gãy kiểu Malgaigne ít di lệch, cho bệnh nhân nằm bất động trên giường, gác chân trên giá Braun 4-8 tuần.

+ Gãy khung chậu di lệch: nắn chỉnh bằng xuyên đinh Kirschner qua lồi cầu xương đùi kéo liên tục, chân đặt trên giá Braun kéo trọng lượng bằng 1/7 trọng lượng cơ thể liên tục trong 10 -14 tuần. Có thể để người bệnh để mông trên võng vải bắt chéo giúp cho diệngãy ép vào nhau. Bệnh nhân cần tập vận động khi liền xương.

Dùng phương pháp phẫu thuật đối với các trường hợp: gãy cung trước di lệch nhiều như ngành mu - chậu, kết hợp xương bằng nẹp vít, đinh chữ U; gãy toác khớp mu: kết hợp xương bằng buộc vòng dây thép, nẹp vít cố định khung chậu bằng khung cố định ngoài; gãy thành sau hoặc gãy toác dọc cánh chậu: kết hợp xương bằng nẹp vít.

Thân mến.


Lê Quốc Thuần - lequoc...@gmail.com

Chào BS,

Tôi năm nay 32 tuổi, hay bị đổ mồ hôi đầu và mặt rất nhiều như tắm lúc ăn hay giảng bài, bất kể thời tiết. Xin BS tư vấn giúp tôi.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tăng tiết mồ hôi kéo dài gây nên một gánh nặng tâm lý và cản trở sinh hoạt, làm việc thường ngày cho người bệnh, tăng nguy cơ nhiễm nấm, mất nước và điện giải...

Nguyên nhân: Chia làm 2 loại:

* Loại tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường bị sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc bệnh của tuyến giáp trạng.

* Loại tăng tiết mồ hôi tiên phát: Xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hay chỉ khu trú ở một vùng. Người ta cho rằng bệnh này là một trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều (đồ chiên xào, cay, tỏi, hành tây…)

Chữa trị:

* Điều trị nội khoa: thuốc bôi, thuốc uống, tâm lý liệu pháp, châm cứu.

* Điều trị ngoại khoa: chỉ khi phương pháp nội khoa không thành công. Điều trị ngoại khoa bao gồm hủy bỏ hạch giao cảm bằng phẫu thuật nội soi, tiêm huyết thanh nóng vào hạch, cắt bỏ hạch...

Do đó, trước mắt bạn cần khám chuyên khoa Da liễu để được kiểm tra, xác định nguyên nhân và tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.


Kim Nhiên - kimnhien...@gmail.com

Chào BS,

Con đang mang thai ở tháng thứ 6, dạo gần đây con hay bị khó thở khi đứng, nằm xuống thì thở dễ hơn, Vậy con có nên đi khám tim không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Khó thở khi đứng mà nằm xuống thì thở dễ hơn không phải là đặc điểm khó thở của bệnh suy tim. Ngược lại, khó thở trong suy tim là khó thở khi nằm, khó thở kịch phát về đêm, khi ngồi dậy thì dễ thở hơn.

Em đang mang thai 3 tháng giữa thai kỳ, với triệu chứng khó thở kiểu này, em cần báo sớm với BS Sản khoa đang theo dõi thai kỳ cho em để sớm xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.


Nguyễn Hồng Hạnh - Đồng Nai

Thưa BS,

Em đi khám tuyến giáp, phát hiện có nhân giáp thùy phải và nhân giáp thùy trái. Sau khi siêu âm và xin thiết BS kết luận bên trái là lành tính, bên phải là nghi ngờ carcinôm dạng nhú và đề nghị mổ.

Vậy BS cho em hỏi có nên mổ cắt gần toàn phần tuyến giáp của em không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư và có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ung thư tuyến giáp có 4 loại khác nhau là ung thư tuyến giáp dạng nhú, dạng nang, dạng tủy và dạng kém biệt hóa. Trong đó ung thư tuyến giáp dạng nhú và dang nang (gọi chung là ung thư tuyến giáp loại biệt hóa tốt) chiếm phần lớn (80-90%) và là loại ung thư có thể điều trị khỏi.

Trước đây, đối với các khối bướu ở tuyến giáp, BS phẫu thuật thường chỉ cắt bỏ khối bướu đó (gọi là phẫu thuật lấy bướu). Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này không còn được dùng nữa do sau phẫu thuật phần tuyến giáp đã mổ lấy bướu sẽ bị thay đổi. Nếu có một bướu tuyến giáp khác phát triển tại vị trí đó thì phẫu thuật lần thứ 2 sẽ rất khó khăn và để lại nhiều di chứng hơn. Do đó phẫu thuật ít nhất trong bướu tuyến giáp là phẫu thuật cắt toàn bộ 1 thùy của tuyến giáp (tuyến giáp có 2 thùy 2 bên được nối bằng eo giáp ở giữa).

Nếu phẫu thuật cắt hết 1 thùy và 1 phần của thùy còn lại gọi là phẫu thuật cắt giáp quá bán (subtotal). Nếu phẫu thuật cắt gần hết tuyến giáp và chỉ chừa lại rất ít tuyến giáp (không đáng kể) gọi là phẫu thuật cắt giáp gần toàn phần (near-total) và nếu toàn bộ tuyến giáp được lấy đi thì gọi là phẫu thuật cắt giáp toàn phần.

Để điều trị một khối bướu ung thư, BS thường cắt trọn khối bướu cùng với một phần mô bình thường xung quanh khối bướu. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn của các tổ chứng về điều trị ung thư tuyến giáp trên thế giới, phẫu thuật ung thư tuyến giáp là cắt hết toàn bộ tuyến giáp (cắt giáp toàn phần) hoặc có thể cắt gần hết tuyến giáp (cắt giáp gần toàn phần).

Đó là do trong khi điều trị trước đây, các BS thấy rằng nếu chỉ cắt hết khối bướu hoặc chừa lại 1 phần mô tuyến giáp bình thường thì trong tương lai khả năng bướu tái phát trên phần mô giáp còn lại cao, và khi đó việc phẫu thuật lại cũng khó khăn hơn nhiều. Nếu BS phát hiện thấy các hạch bạch huyết xung quanh tuyến giáp hoặc gần đó đã có các tế bào ung thư lan đến(di căn hạch) thì trong quá trình phẫu thuật ngoài cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, BS còn lấy đi các hạch này (gọi làphẫu thuật nạo hạch cổ).

Trong một số trường hợp, người bệnh phát hiện khối ung thư tuyến giáp tình cờ bằng siêu âm khi khám bệnh định kì hoặc khi khám các bệnh khác. Lúc đó, bướu thường nhỏ hơn 1cm (không sờ thấy hoặc nhìn thấy bằng mắt thường), BS có thể quyết định phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp. Lý do là trong các trường hợp này, bướu phát triển rất chậm và khả năng bướu tái phát ở thùy còn lại là rất thấp.

Như vậy, chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị ung thư tuyến giáp của em là có, nhưng quyết định cắt như thế nào là tùy thuộc vào quyết định của BS điều trị cho em, dựa trên các thông tin liên quan đến tình trạng bệnh của em, em nhé.


Trịnh Văn Đức - trinhvan...@gmail.com

BS cho hỏi,

Hay chóng mặt, sây xẩm, nhất là đang nằm, cử động đầu là thấy quầng, quay cuồng, huyết áp có lúc cao 170, hiện tai đang điều trị viêm phế quản. Vậy tôi bị gì thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bạn đang có triệu chứng rối loạn tiền đình kèm tăng huyết áp. Thế nhưng đây chưa phải là chẩn đoán xác định cuối cùng, BS cần phải hỏi kỹ từng triệu chứng, xem các thuốc bạn đang dùng, cũng như thăm khám toàn bộ và làm các xét nghiệm kiểm tra thì mới định được nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp tương ứng.

Nếu bạn đang nằm điều trị tại BV thì cần báo với BS điều trị cho bạn các vấn đề trên. Nếu bạn đang điều trị ngoại trú tại nhà thì cần tái khám BS hoặc đến khám thêm BS chuyên khoa Tim mạch hoặc chuyên khoa Nội thần kinh đều được. Trong thời gian này, bạn cần cố gắng ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, hạn chế làm việc.


Trần Văn Tuấn - An Giang

Thưa BS,

Em bị cắt 2 đốt tay. Vậy em có cần kiêng cữ gì không? (Vết thương em vệ sinh mỗi ngày).

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Điều quan trọng nhất giúp vết thương lành tốt là chăm sóc, rửa và thay băng vết thương mỗi ngày đúng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và uống thuốc đúng theo hướng dẫn của BS.

Theo dân gian thì các loại rau có nhiều mủ hay nước tương, và đồ biển không tốt cho người mới mổ xong hay có vết thương trên da vì nghĩ là sẽ tạo mủ, khó lành, sẹo lồi... Tuy nhiên, theo bằng chứng khoa học thì điều đó không đúng.

Người có vết thương thì có thể ăn uống bình thường, không kiêng cữ gì cả, miễn là thức ăn phải nấu chín uống sạch, rau nên luộc chín để dễ tiêu, những món ăn trước đây gây dị ứng nếu có thì không dùng. Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì mới mau lại sức. Không nên uống rượu bia vì có thể làm vết thương chậm lành, dị ứng, giảm tác dụng thuốc uống đi kèm...

Về sau này, việc hình thành sẹo không, thì tùy cơ địa, nhưng với vết thương sâu rộng, không xử trí đúng và nếu bị nhiễm trùng thì khả năng thành sẹo xấu khá cao. Thân mến.


Nguyễn Khánh Y - nhidang…@yahoo.com

BS cho em hỏi,

Mẹ em vừa xét nghiệm và có kết luận là sarcom biệt hoá rõ. Cho em hỏi vậy có nguy hiểm không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sarcoma là dạng ung thư ác tính, phát sinh từ một phân nhóm phụ của mô nguyên sinh gọi là trung bì, và do đó có thể ảnh hưởng đến rất nhiều loại mô và cơ quan trong cơ thể ở nhiều nhóm tuổi khác nhau, từ trẻ nhỏ cho đến người già.

Sarcoma thường phát sinh từ các mô mềm hoặc xương trong cơ thể, hình thành hai dạng chính là Sarcoma mô mềm và Sarcoma xương.

Về mặt điều trị, bệnh nhân bị Sarcoma khu trú trong cơ quan khởi bệnh có thể được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u cùng một phần mô bình thường xung quanh nếu có thể.

Một số bệnh nhân cần xạ trị vùng bị ung thư sau khi phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư tái phát tại vị trí cũ, đặc biệt nếu khối u lớn. Một số bệnh nhân cần hóa trị bổ sung sau khi đã phẫu thuật.

Thân mến.

Nguyen Tuyet - tuyetng...@gmail.com

BS cho con hỏi,

Các loại thuốc tăng chiều cao mà trên mạng xã hội hay giới thiệu có đáng tin cậy không ạ? Tại con hơi thấp, muốn cải thiện chiều cao của mình mà không biết các loại thuốc đó sử dụng có sao không?

BS tư vấn giúp con với ạ. Con cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Giai đoạn tăng chiều cao tối đa là giai đoạn dậy thì, dao động quanh mốc 12-13 tuổi ở nữ và 14-15 tuổi ở nam nhưng có người dậy thì muộn hơn. Bước sang tuổi 18 thì chiều cao tăng chậm lại, và tới khoảng 24-26 tuổi thì chiều cao ngừng tăng. Các yếu tố chính quyết định chiều cao bao gồm yếu tố di truyền, chủng tộc, tập luyện thể lực, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt.

Nếu em tích cực tập luyện thể lực, kết hợp với chế độ ăn giàu dưỡng chất cùng sinh hoạt khoa học thì cơ thể sẽ săn chắc và khỏe mạnh, chiều cao cũng có thể tăng nhưng chỉ tăng thêm được 1 chút (vài cm) với điều kiện kiên trì liên tục.

Ngoài thị trường hiện nay có giới thiệu nhiều loại thực phẩm chức năng có chứa canxi hỗ trợ tăng chiều cao, như Vita Growth Height, Vip Teen, Nubest Tall... nhưng không có loại nào chứng minh nổi trội hơn loại nào.

Khi dùng thực phẩm bổ sung thêm canxi, em cần uống nhiều nước, tối thiểu 2.5 lít nước mỗi ngày. Và nếu có ý định uống liên tục dài hạn thì phải khám BS để xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ, coi chừng sạn thận.

Tuy nhiên, để phát triển chiều cao không chỉ cần có canxi mà phải đầy đủ các dưỡng chất khác chứ không chỉ là canxi, do vậy em vẫn cần ăn uống đầy đủ chất là tốt nhất. Hơn nữa khi tập thể dục thì em cần ăn uống đủ lượng để tránh sụt cân.

Như vậy, nhìn chung, về chế độ ăn, em cần ăn uống đầy đủ chất, tăng cường các thực phẩm giàu canxi và khoáng chất, giàu đạm, rau xanh và hoa quả, hạn chế đường và dầu mỡ, trong đó sữa là ưu tiên hàng đầu. Không bỏ bữa sáng, không thức khuya, không tiếp xúc với khói thuốc lá.

Về chế độ tập luyện thì em cần phải tập đều đặn, tối thiểu phải 45-60 phút mỗi ngày và nên chọn các bài tập phát triển chiều cao như bơi lội, bóng rổ, đạp xe duỗi chân... em có thể tập thể dục tại nhà theo các bài tập trên youtube, hoặc đến các trung tâm thể dục thể thao, thể dục thẩm mỹ, ở đó có các thiết bị đánh giá chi tiết các chỉ số từng vùng trên cơ thể (chu vi, tỷ lệ cơ, mỡ...) và huấn luyện viên có thể hướng dẫn em cách tập cho phù hợp.


Quynh Nguyen - qn22...@gmail.com

Chào BS ạ,

Em bị đau một điểm trên đầu, lâu lâu lại thấy đau giật ở điểm đó, sờ vào lại thấy đau như vết thương ngoài da nhưng không phải. BS làm ơn tư vấn giúp em ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kiểu đau đầu mà em miêu tả thường là đau đầu do căng cơ mỏi cơ. Nguyên nhân có thể do nhiễm siêu vi hay còn gọi là cảm, do suy nghĩ làm việc căng thẳng đầu óc, do thiếu ngủ, do tư thế sinh hoạt - làm việc không đúng...

Nếu mức độ đau không nhiều, lâu lâu nhói 1 cái, không kèm triệu chứng khó chịu gì khác thì em an tâm, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ thì từ từ sẽ hết. Ngược lại nếu mức độ đau nhiều, đau kéo dài, kèm nhiều triệu chứng khó chịu thì em cần khám BS chuyên khoa Nội thần kinh để được xác định bệnh và nguyên nhân nhằm điều trị thích hợp.


Nguyễn Xuân Thịnh - Phú Yên

BS cho em hỏi,

Sáng em uống cafe là bị ra mồ hôi tay, chân, cảm giác tim đập nhanh như bị lên huyết áp. Em bị gì vậy BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Uống cà phê và các đồ uống có chứa caffeine giúp tăng sự tỉnh táo và hoạt động tư duy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi lượng caffeine nhiều có thể gây tác dụng phụ làm tim đập nhanh, run tay chân, đổ mồ hôi tay chân, đau đầu... cafe nguyên chất và đậm đặc thì có nhiều caffeine hơn cafe được pha loãng, mỗi loại cafe khác nhau có lượng caffeine khác nhau, uống khi đói hay lúc người không được khỏe thì tác dụng phụ cũng sẽ gia tăng.

Trước mắt em nên xem lại có thay đổi loại cafe hay dùng bằng loại khác mạnh hơn không, pha có đậm hơn không, có uống lúc đói không, nếu em không nghiện café thì đừng uống café nữa, khi đó nếu vẫn còn triệu chứng trên chứng tỏ cơ thể không được khỏe, nên đi khám BS để được kiểm tra toàn diện và điều trị thích hợp, em đăng ký khám chuyên khoa Nội tổng quát hay chuyên khoa Tim mạch đều được.

Thân mến.

LỊCH TƯ VẤN TUẦN NÀY CỦA ALOBACSI

Chiều thứ 2: BS Cao Thị Lan Hương, 14g-16g

Chiều thứ 3: BS Võ Thị Tố Uyên, 17g-18h30

Tối thứ 3: BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn làm đẹp, 19g-20g30

Chiều thứ 4: BS Cao Thị Lan Hương,17g-19g

Chiều thứ 5: Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, 14g-15g30

Chiều muộn thứ 5: BS Cao Thị Lan Hương, 16g-18g

Ghi chú: Từng buổi tư vấn sẽ được đưa tin thông báo cụ thể tại mục Chat với bác sĩ của website AloBacsi.com và fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời. Mời quý bạn đọc theo dõi. Xin cảm ơn!


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X