Hotline 24/7
08983-08983

Sự nguy hiểm của chứng đau đầu sét đánh

Đau đầu là một chứng bệnh thường gặp nhất của nhân loại, là cái đau hay gặp nhất trong các loại đau của cơ thể con người, cuộc đời mỗi người đều có thể gặp ít nhất một vài lần đau đầu.

Hình ảnh xuất huyết dưới nhện trên CT sọ não.
Hình ảnh xuất huyết dưới nhện trên CT sọ não.

Nguyên nhân đau đầu có rất nhiều, theo phân loại của Hiệp hội đau đầu Thế giới (IHS năm 2003), đau đầu phân thành 14 nhóm với hàng trăm căn nguyên. Có loại đau đầu lành tính, tuy nhiên có loại đau đầu rất nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng của người bệnh một cách nhanh chóng.

Bệnh nhân Phạm Văn Th (37 tuổi), quê Nghệ An, tiền sử khỏe mạnh, đột nhiên bị đau dữ dội khắp đầu và vùng gáy, đau lan xuống tận sống lưng và vùng thắt lưng. Đau như dùi đâm, búa bổ trong đầu, đau dần giật cảm giác không thể chịu nổi, bệnh nhân mô tả chưa từng gặp đau như thế bao giờ, đau liên tục nhiều ngày, chỉ dịu đi từng lúc, sau đó lại đau. Kèm theo buồn nôn và nôn, vài ngày sau có sốt nhẹ, cổ cứng; không yếu chân tay, ý thức vẫn tỉnh, vệ sinh tự chủ. Sau 10 ngày đột nhiên lên cơn co giật toàn thể, mất ý thức rồi đi vào hôn mê sâu, người bệnh tử vong một ngày sau đó. Được khám ở bệnh viện tỉnh, quân y đơn vị với nhiều chẩn đoán: đau đầu cấp chưa rõ nguyên nhân, viêm màng não, u não, áp xe não. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định sau hơn 10 ngày mắc bệnh là xuất huyết dưới nhện (XHDN) tái phát do vỡ phình động mạch não, nhưng tất cả đã quá muộn.

Trường hợp thứ hai là BN Tào Văn T ( 54T), quê Thị trấn Lương Sơn – Hòa Bình, tự nhiên bị đau đầu đột ngột dữ dội, vẫn tỉnh, không liệt. Được điều trị ở tuyến dưới với chẩn đoán đau đầu thông thường, sau 7 ngày đỡ đau đầu hơn, BN đến văn phòng làm việc thì lại bị đau đầu dữ dội hơn, kích thích nhiều, nôn, ý thức u ám. BN được cấp cứu tại khoa Đột quỵ não - Viện quân y 103, chẩn đoán xuất huyết dưới nhện tái phát. Người bệnh được tiến hành can thiệp mạch cấp cứu, phát hiện thấy có 2 túi phình động mạch não, một đã vỡ, tiến hành can thiệp nút coils cả hai túi phình, sau 25 ngày bệnh nhân ra viện, đi lại được, trở lại cuộc sống gần bình thường.

Chúng tôi muốn đề cập tới một loại đau đầu xuất hiện đột ngột, dữ dội, đau như vỡ nứt đầu mà y học vẫn mô tả là chứng đau đầu kiểu sét đánh. Người bệnh thường có đau đầu là chính, tùy từng người mà có ngưỡng và khả năng chịu đựng đau khác nhau. Kèm theo buồn nôn hoặc nôn, cứng gáy. Khám có hội chứng màng não, có thể gặp tổn thương các dây thần kinh sọ não (hay gặp liệt dây III), liệt nửa người, rối loạn cơ vòng, một số có rối loạn ý thức hoặc hôn mê, thậm trí tử vong ngay trong ngày đầu. Bệnh rễ bị nhầm với các chứng đau đầu thông thường, đau nửa đầu migraine, đau đầu căng thẳng, chảy máu não, hội chứng tiền đình, viêm màng não, đau đầu do sốt nhiễm khuẩn, đau thắt lưng, đau gáy cổ...

Đây là một mặt bệnh hết sức nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao từ 40- 50%, số tử vong trước khi tới bệnh viện khoảng 10-15%. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là bệnh hay tái phát, khoảng 40 -50% trong vòng 4 tuần đầu và tỷ lệ tử vong do chảy máu tái phát khoảng 50% hoặc để lại di chứng nặng nề. Mặt khác, người bệnh hay chủ quan vì đôi khi BN chỉ có đau đầu, các bác sỹ không chuyên khoa hay nhầm với mặt bệnh khác, nên người bệnh được chẩn đoán đúng nhiều khi đã là chảy máu tái phát, lúc đó bệnh thường rất nặng và phức tạp. Nguyên nhân XHDN thường là do vỡ phình động mạch não (85%). Bệnh được chẩn đoán xác định bằng chụp CT scanner sọ não, thấy có hình ảnh máu tụ quanh các khe, rãnh cuộn não, bể quanh cầu, quanh cuống não, rãnh liên bán cầu, đôi khi cả ở nhu mô não. Tuy nhiên có khoảng 5% chưa thấy tổn thương trên phim chụp CT sọ não, lúc đó cần chọc ống sống thắt lưng thấy máu đỏ đều không đông cả ba ống nghiệm. Để tìm phình mạch, người ta chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA), hoặc CT scanner sọ não nhiều lớp cắt dựng mạch máu, đặc biệt là kỹ thuật chụp mạch số hóa xáo nền máu não (DSA) cho thấy rõ nhất hình ảnh túi phình.

Tỷ lệ có phình mạch não chưa vỡ trong cộng đồng khoảng 1%, tỷ lệ XHDN trung bình là 9,1/100 000/ năm. Bệnh thường gặp ở tuổi trên 30, hay gặp từ 40 – 60 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam 1,6 lần. Túi phình mạch máu não có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Ở những nước phát triển người ta chụp mạch máu não kiểm tra định kỳ, phát hiện được phình mạch chưa vỡ, việc điều trị làm mất túi phình được tiến hành rất thuận lợi, tránh nguy cơ bị vỡ. Ở Việt Nam, việc phát hiện ra phình mạch đa phần đã bị vỡ, nhiều trường hợp đã chảy máu tái phát nhiều lần, việc điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.

Bệnh này có thể điều trị được không?

Người bệnh hoàn toàn yên tâm rằng, bệnh có thể được dự phòng và điều trị khỏi hoàn toàn. Điều trị túi phình mạch trước đây chủ yếu là mổ kẹp túi phình, phương pháp này gây nhiều khó khăn cho chăm sóc sau mổ, đôi khi tổn thương cả vùng nhu mô não lành. Ngày nay, với sự phát triển mạnh của kỹ thuật cao là can thiệp mạch, việc điều trị túi phình được tiến hành chủ yếu bằng nút coils phình mạch. Kỹ thuật này được tiến hành bằng cách đưa một ống thông từ động mạch đùi lên não, qua đường dẫn này người ta cho các vòng lò xo kim loại (gọi là coils) vào để bịt kín túi phình. Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm, giúp người bệnh phục hồi rất nhanh, ít có biến chứng, không làm tổn thương đến các vùng mô não lành. Tuy nhiên, đây chỉ là kỹ thuật làm mất túi phình mạch máu não để ngăn chặn chảy máu tái phát, người bệnh cần phải tiếp tục điều trị tích cực hậu quả do XHDN gây ra.

Hình ảnh túi phình động mạch mão và coils được nút trong túi phình.

Kỹ thuật nút coils phình mạch não được tiến hành lần đầu tiên trên Thế giới  từ năm 1991 do bác sỹ ngoại khoa thần kinh người Italia là Guido Guiglielmi. Ở Việt Nam đã triển khai từ năm 2000, hiện ở miền Bắc có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện TWQĐ 108 và Bệnh viện quân y 103 làm được; ở miền Nam có Bệnh viện đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy người bệnh và thày thuốc khi thấy có biểu hiện đau đầu bất thường như trên cần đưa tới cơ sở chuyên khoa thần kinh, đột quỵ não để khám xét và điều trị sớm./

Theo GS.TS Nguyễn Văn Chương, PGS.TS Nguyễn Minh Hiện

Ths.BS  Phạm Đình Đài, BS.CKI Nguyễn Văn Tuấn

Khoa Đột quỵ não – Viện quân y 103

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X