Hotline 24/7
08983-08983

Sử dụng thuốc: Những nhầm lẫn không đáng có

Thuốc được kê bằng nhiều đơn vị đo lường khác nhau, thường các đơn vị được viết tắt và chỉ cần nhầm lẫn một dấu chấm thôi cũng đủ gây họa.

 
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Sự nhầm lẫn thường xảy ra nhất ở đơn vị microgram (mcg) và milligram (mg), làm cho liều lượng thay đổi cả ngàn lần (1mg = 1.000mcg). Lỗi lầm về liều dùng thường gặp nhất là insulin dùng cho BN tiểu đường vì insulin được kê dưới dạng “đơn vị” hay là unit, thường viết tắt là U, có người nhầm với 0 hoặc 4.

Một lỗi lầm thường gặp khác là nhầm lẫn giữa số 1 và số 4. Thay vì thuốc dùng một ngày một lần, BN đã dùng tới bốn lần một ngày. Vì vậy, toa thuốc bắt buộc phải ghi rõ chữ thay vì con số.

Phòng tránh: Cần yêu cầu bác sĩ (BS) viết chữ rõ ràng trên toa thuốc. Khi mua thuốc, nên yêu cầu dược sĩ (DS) kiểm tra liều dùng mà BS kê xem có đúng trong phạm vi liều lượng cho phép hay không.

Uống rượu chung với thuốc

Rất nhiều loại thuốc được khuyến cáo không dùng chung với rượu bia (thường được dán thêm những nhãn phụ trên hộp thuốc. Nhãn này thường có màu cam). Tuy nhiên, nhãn này có thể bị rơi ra hoặc đôi khi chính người sử dụng thuốc không cưỡng lại được cái vị cay nồng dù chỉ là một hớp. Đây thực sự là “pha phối hợp nguy hiểm” vì rượu bia sẽ làm gia tăng độc tính các thuốc an thần, các thuốc giảm đau và nhiều loại thuốc khác.

Đối với những dược phẩm không cần kê toa thì rượu bia cũng chẳng tốt lành gì hơn, nhất là những loại thuốc trị cảm ho và những dược phẩm có chứa diphenhydramine. Rượu bia có thể cạnh tranh hấp thu với nhiều loại thuốc, dẫn tới sự tương tác dược phẩm vô cùng nguy hiểm. Khi dùng thuốc kháng trầm cảm mà dùng rượu bia sẽ làm huyết áp tăng ở mức báo động. Rượu bia khi dùng chung với các loại thuốc làm dịu khác (sedative) như Ativan hoặc Valium có thể làm giảm nhịp tim, BN có thể ngất xỉu.

Phòng tránh: Khi BN nhận được toa thuốc, cần phải hỏi BS, DS xem loại thuốc này có an toàn khi uống rượu bia hay không. Nếu BN là người nghiện rượu và cần phải “bổ sung” rượu bia thì phải nói để thầy thuốc có thể thay đổi những loại thuốc thích hợp hơn.

Hai thuốc có tên khác nhau nhưng thực chất là một

Mỗi loại thuốc bao giờ cũng có hai tên: tên chung (hay tên hóa học) và biệt dược, tên biệt dược là tên mà hãng dược phẩm đặt ra với quyền bảo hộ mậu dịch. Còn tên chung là tên của chất làm thuốc. Ví dụ, một loại thuốc lợi tiểu có tên chung là furosemise nhưng được hãng này lấy tên là Lasix, còn hãng khác thì lấy tên là Furix... Thực chất hai thuốc này chỉ là một với hoạt chất là furosemide. BN có thể dùng hai thuốc này cùng một lúc mà không biết chúng chỉ là một. Có nghĩa là BN đã dùng gấp đôi liều thuốc.

Phòng tránh: Khi được BS kê một loại thuốc mới, BN cần phải hỏi rõ là loại thuốc này có tên chung (tên hóa học) là gì, ngoài tên gọi này ra còn có những tên gọi nào khác.  


Sử dụng chung thuốc kê toa với thuốc không cần kê toa

Nhiều người sử dụng thuốc nghĩ rằng những loại thuốc mua dễ dàng không cần toa ở siêu thị “chắc ăn như bắp”. Tuy nhiên, một số dược phẩm bán không cần toa có thể gây ra phản ứng vô cùng nghiêm trọng. Thuốc không cần kê toa nổi tiếng trong việc tương tác với các thuốc kê toa là Maalox chuyên trị những khó chịu ở hệ tiêu hóa. Thuốc này có chứa hoạt chất bismuth subsalicylate. Chất này có thể gây phản ứng nghiêm trọng khi dùng với thuốc chống đông máu, thuốc dùng cho những BN có đường huyết thấp...

Một loại thuốc không cần kê toa quen thuộc là aspirin, vốn có tác dụng làm loãng máu, nếu người bệnh không chịu ngưng thuốc aspirin bảy ngày trước những phẫu thuật cho dù tiểu phẫu như nhổ răng cũng sẽ mang đến những nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Một loại dược thảo nổi tiếng nhất là Saint-John’s-wort được bán khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, sản phẩm này xuất hiện khá nhiều dưới dạng “hàng xách tay” (Saint-John’s-wort được một số người Việt gọi là “cỏ phát ban”). Nếu bạn thấy trong loại thuốc mà bạn sử dụng có ghi thành phần Saint-John’s-wort thì nên thận trọng, bởi nó có thể tương tác một cách nguy hại đối với các loại thuốc kháng trầm cảm cần kê toa, tương tác với các thuốc kháng đông máu (chẳng hạn như Warfarin) hoặc những loại thuốc tim mạch như Digoxin.

Phòng tránh: Khi được BS kê cho một loại thuốc mới thì BN cần phải nói cho BS biết trước khi đến phòng mạch, bạn đã dùng những loại thuốc nào, kể cả những thứ gọi là “thực phẩm chức năng”.

Không hiểu được sự tương tác giữa thuốc và thực phẩm

Thủ phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhất là dịch ép nước bưởi. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các chất có trong bưởi đã làm mất tác dụng của một loại enzyme có tên là CYP3A4, hiện diện trong các tế bào màng ruột và có khả năng phân giải nhiều loại thuốc. Khi enzyme này bị nước bưởi “phế võ công” thì thuốc sẽ tự do đi vào hệ tuần hoàn máu và làm tăng sự hấp thu của nhiều loại thuốc. Điều này gây nguy hiểm cho cơ thể.
 
Bởi nếu thuốc được hấp thu nhanh hơn mong đợi, có nghĩa là thuốc ấy sẽ tăng tác động. Ví dụ như thuốc dùng để hạ huyết áp có thể sẽ làm hạ huyết áp quá mức; nếu thuốc tăng hấp thu thì sẽ đồng nghĩa với việc tăng những tác dụng phụ có hại hoặc gây ra ngộ độc thuốc. Chỉ cần một ly nước bưởi chừng 200ml là đã đủ có thể “ăn thua đủ” với thuốc. Vì vậy, lời khuyên của thầy thuốc là khi sử dụng bất kỳ loại dược phẩm nào, nếu muốn chắc ăn  thì tốt nhất tránh... bưởi.
AloBacsi.vn (TheoPhụ nữ TPHCM)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X