Hotline 24/7
08983-08983

Sốt virus ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý gì?

Sốt virus ở trẻ em có thể khỏi sau 5-7 ngày nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Vậy cha mẹ cần lưu ý gì để giúp trẻ “vượt ải” mùa hè này?

Sốt virus là gì?


Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi, thường do nhiều loại virus gây ra, phổ biến nhất là virus đường hô hấp với hơn 200 loại gây bệnh khác nhau, trong đó có những nhóm, tuýp khác nhau, nên biểu hiện cũng khác nhau. Có những trẻ đầu tháng bị nhiễm tuýp virus này, nhưng cuối tháng lại bị nhiễm tuýp virus khác.

Nguyên nhân của bệnh là do thời tiết nắng mưa thất thường tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh, nhất là mùa hè rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh và lây lan nhanh. Trong đó, trẻ em là đối tượng thường được virus “ghé thăm” nhất vì sức đề kháng yếu.

Biểu hiện sốt virus ở trẻ là gì?


Sốt cao là biểu biện thường gặp ở những trẻ nhiễm virus, thường từ 38-39 độ C, thậm chí có lúc lên đến 40-41 độ C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol…

Vậy chỉ có sốt cao mới đáng lo? Các ông bố bà mẹ chớ chủ quan vì vẫn có những trường hợp trẻ sốt virus nhưng biểu hiện chỉ sốt nhẹ. Do đó, khi thấy trẻ có triệu chứng sốt thì cần phải theo dõi sát sao để không xảy ra biến chứng.

Bên cạnh đó, trẻ có thể bị đau mình mẩy, đau đầu, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ, nôn ói, mắt có dử, chảy nước mắt… Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.

Ngoài những biểu hiện trên, trẻ có thể sẽ bị rối loạn tiêu hóa, thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy. Viêm hạch ở vùng đầu, mặt cổ và phát ban cũng là những triệu chứng thường gặp trong sốt virus ở trẻ em.

Thông thường, các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.

Sốt cao là biểu hiện thường gặp khi trẻ bị sốt virus. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Xử trí sốt virus ở trẻ em


Sốt virus ở trẻ em có thể tự hồi phục trong khoảng 7-10 ngày nhưng ở một số trường hợp có thể bị bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm.

Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với trẻ sốt virus như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim. Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và để lại di chứng nặng nề về sau.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị sốt virus. Do đó, khi trẻ bị sốt virus trong trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Lúc này, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ còn bú mẹ thì phải bú đầy đủ. Dung dịch bù nước thường dùng là oresol, tuy nhiên cần thận trọng pha đúng tỷ lệ được hướng dẫn vì nếu pha quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết, nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải. Tùy theo tình trạng mất nước mà bổ sung lượng nước điện giải đầy đủ.

Khi trẻ sốt trên 38,5ºC thì cho sử dụng thuốc hạ sốt, thường dùng là paracetamol, cách mỗi 4 - 6 giờ dùng một lần. Liều lượng dùng theo khuyến cáo theo chỉ định của bác sĩ. Thường xuyên lau nước ấm cho trẻ với nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ của cơ thể khoảng 3-4ºC. Chú ý không được dùng đá lạnh để chườm.

Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát, phòng ốc ấm áp, sạch sẽ, không để gió lùa và không nên để nhiệt độ phòng quá thấp so với nhiệt độ cơ thể trẻ.

Một sai lầm thường gặp phải khi trẻ bị sốt virus là kiêng nước tuyệt đối, điều này có thể sẽ làm trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Cha mẹ có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm, lau khô người sau khi tắm và thay quần áo thật sạch sẽ. Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý.

Khi trẻ bị sốt, mẹ nên cặp nhiệt độ thường xuyên để theo dõi sát sao bệnh của bé, nếu có các triệu chứng bất thường như co giật, sốt không hạ dù đã uống thuốc... thì cần đưa bé đến bệnh viện. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trẻ lên cơn sốt khi nào cần nhập viện?


Khi trẻ bị sốt nếu xuất hiện các triệu chứng như: lơ mơ, li bì, đau đầu nhiều, co giật tăng dần và sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng… thì cần đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Cha mẹ lưu ý, không nên tự ý truyền nước nếu không có chỉ định của bác sĩ, bởi chưa có bằng chứng khoa học về một loại thuốc nào có tác dụng tăng sức đề kháng chỉ trong vài ngày, kể cả truyền dịch. Trong trường hợp bị mất nước, tốt nhất vẫn là bổ sung qua đường uống. Nếu buộc phải truyền dịch, bác sĩ phải tính toán liều lượng rất kỹ, không thể tùy tiện vì rất có thể bệnh sẽ bị trầm trọng hơn.

Cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa sốt virus cho trẻ?


Thông thường, sốt virus là bệnh dễ lây, virus có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa. Vì thế, nếu có triệu chứng sốt do virus, nên cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm. Đặc biệt, không dùng chung chén, thìa, đĩa với một người khỏe mạnh.

Để phòng tránh sốt virus ở trẻ em, cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, trong đó, cần bổ sung các vitamin từ hoa quả, có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý. Chú ý vệ sinh cá nhân, môi trường nơi ở và xung quanh sạch sẽ.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X