Hotline 24/7
08983-08983

Sốt siêu vi, đừng vội “nhồi nhét” kháng sinh vào người

Khi thời tiết thay đổi, vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh thì nguy cơ mắc bệnh sốt siêu vi cao hơn, đặc biệt là ở trẻ em. Vậy sốt siêu vi là gì, uống kháng sinh có giúp virus gây bệnh nhanh chóng biến mất?

Sốt siêu vi là gì?


Sốt siêu vi là trường hợp sốt do nhiễm các siêu vi trùng (virus) khác nhau. Bệnh thường không nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 3-7 ngày.

Sốt siêu vi có thể do nhiều loại tác nhân gây ra, chủ yếu là các loại virus, vi khuẩn như Rhinovirus, Coronavirus gây cảm lạnh; Adenovirus gây viêm họng; RSV - virus hợp bào hô hấp gây viêm phổi; Enterovirus (các virus Echo và Coxsackie) gây bệnh sốt cấp tính...

Triệu chứng sốt siêu vi

 
Sốt theo từng cơn và sốt ở nhiệt độ cao từ 38 - 39 độ C, thậm chí có lúc là 40 - 41 độ C là triệu chứng điển hình của sốt siêu vi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Khi siêu vi tác động vào cơ thể làm sốt cao 39 - 40 độ C và có những biểu hiện khác như:

- Đường hô hấp: Ho, hắt hơi, sổ mũi, họng đỏ.

- Đường tiêu hóa: biếng ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy không máu có thể có nhầy hoặc bón. Bệnh rầm rộ từ 3 đến 5 ngày, sau đó sẽ giảm dần và mất đi, người bệnh trở lại khỏe mạnh bình thường.

- Qua da: phát ban, xuất hiện 2 - 3 ngày sau khi sốt. Phát ban toàn thân gây ngứa, đôi khi có chấm xuất huyết nhỏ thường gặp ở mặt trong cánh tay, mặt trong đùi. Khi xuất hiện ban thì người bệnh bớt sốt.

Ngoài ra, có thể xuất hiện hạch to ở vùng đầu, cổ, có thể đau hoặc sờ thấy, đỏ mắt và có ghèn, có cảm giác nóng ở hai hố mắt, đau nhức gây quấy khóc ở trẻ nhỏ, ở trẻ lớn thường than đau khắp thân, đau hai bên thái dương và sau gáy. Trẻ ngại vận động nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, không vật vã.

Các loại kháng sinh không phải là biện pháp loại trừ nguyên nhân gây bệnh. Do đó, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc, cần chăm sóc và theo dõi chặt chẽ và cần đến khám trung tâm y tế nếu có một trong các biểu hiện sau: Sốt cao không hạ hoặc co giật, ngủ nhiều li bì, khó đánh thức, nôn ói nhiều, không ăn uống được, tiêu ra máu, thở mệt, tím tái, xuất hiện những chấm xuất huyết ở da, toàn thân.

Điều trị và chăm sóc khi sốt siêu vi như thế nào?


Việc điều trị sốt siêu vi chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng thuốc như hạ sốt, giảm ho, giảm đau đầu, đau cơ, thông mũi, chống mất nước, nghỉ ngơi, kết hợp với ăn uống đầy đủ… Có thể uống thuốc hạ sốt chứa thành phần acetaminophen (paracetamol) để cắt cơn sốt nhanh chóng. Riêng với trẻ nhỏ bị sốt siêu vi, cha mẹ cần áp dụng các việc sau:

- Nhanh chóng hạ sốt: Khi hạ sốt cho con bằng thuốc cha mẹ cần xin chỉ định của bác sĩ.

- Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, trắng để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt.

- Lau mát bằng nước ấm (nuớc thường pha âm ấm để tắm em bé) khi trẻ sốt cao trên 39-40 độ C. Lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Nước ấm giúp mạch máu dưới da dãn nỡ tốt giúp thải nhiệt. Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được. Thường dùng 4 khăn nhúng nước ấm, vắt hơi ướt, đắp 2 bên nách, 2 bên bẹn, một khăn khác đắp lau khắp người trẻ. Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 - 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38 độ C.

- Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao đến 38,5°C thì nên cho trẻ uống hạ sốt và chóng co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với những trẻ hay bị co giật.

- Bù nước điện giải: Khi sốt cao và đi ngoài sẽ gây mất nước, cần bù ngay nước điện giả như oresol, cháo muối nấu loãng. Bên cạnh đó bổ sung chất dinh dưỡng để tăng hệ miễn dịch.

- Chống bội nhiễm bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi và mắt hàng ngày, để diệt bớt vi khuẩn trong mắt và đường hô hấp.

- Tốt nhất khi bé bị sốt virus, hãy cho bé nghỉ ngơi, ăn uống tốt hơn để tăng sức đề kháng. Cơ thể càng khoẻ mạnh thì việc loại trừ virus càng nhanh. Khi trẻ bị sốt, hãy cho trẻ ở nhà thay vì đến trường. Nhiều bậc phụ huynh con vừa dứt sốt đã bắt đi học hay cho trẻ đùa nghịch thoải mái khiến trẻ rất dễ bị sốt lại. Điều này cực kỳ nguy hiểm và gây khó khăn, tốn kém trong điều trị.
 
Các loại kháng sinh không phải là biện pháp loại trừ nguyên nhân gây sốt siêu vi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Làm sao phân biệt sốt siêu vi, sốt phát ban và sốt xuất huyết?


Sốt siêu vi có dấu hiệu ban đầu gần giống với sốt xuất huyết, sốt phan ban nên nhiều người thường nhầm lẫn. Tuy có cùng triệu chứng sốt, phát ban nhưng 3 dạng sốt này loại hoàn toàn khác nhau. Do đó, việc phân biệt được sốt xuất huyết, sốt siêu vi, sốt phát ban có vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa biến chứng.
 

Sốt siêu vi

Sốt phát ban

Sốt xuất huyết

- Sốt theo từng cơn và sốt ở nhiệt độ cao từ 38 - 39 độ C, thậm chí có lúc là 40 - 41 độ C.

 

- Chảy nước mũi, hắt hơi, viêm đường hô hấp.

 

- Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, mắt đỏ, chảy nước mắt…

 

- Sốt siêu vi thường không nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 3 - 7 ngày.

 

- Sốt cao từng cơn (thân nhiệt có thể tăng lên 39-40 độ C).

 

- Ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, có thể nôn mửa và phát ban đỏ.

 

- Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

 

- Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt...

 

- Rối loạn tiêu hóa (phân lỏng, nhầy, không có máu và có thể nôn ói sau khi ăn).

 

- Sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi người bệnh thường hết sốt, ăn được, da có thể bị nổi phát ban 3 -5 ngày rồi lặn.

 

- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết, nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban.

- Sốt cao 39 - 40 độ C liên tục kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.

 

- Cảm giác ớn lạnh.

 

- Đau nhức đầu chủ yếu 2 bên thái dương và sau gáy.

 

- Đau nhức 2 bên hốc mắt.

 

- Ho khan, rát họng.

 

- Táo bón hoặc tiêu chảy.

 

- Chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen (xuất huyết trong).

 

- Mắt thường có thể nhận thấy xuất huyết dưới da phía trong cánh tay, đùi. Hoặc dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết, nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là sốt xuất huyết.

 

 

Sốt siêu vi nên ăn gì để nhanh khỏi bệnh?


Sốt siêu vi khiến người bệnh dễ gặp tình trạng viêm đường hô hấp hay rối loạn tiêu hóa, những loại thức ăn quá cứng sẽ khiến đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa… Chính vì vậy, khi chế biến nên chọn những món ăn dạng cháo, súp, bún, phở, đồ ăn loãng dễ nuốt được nấu cùng với thịt gà, thịt heo, thịt bò sẽ góp phần giúp bạn bổ sung được dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, xoa dịu cơn khó chịu.

Những thực phẩm quen thuộc như cà chua, rau mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền… chế biến dưới dạng luộc, nấu canh đều có lợi ích hạ nhiệt nhất định khi bạn đang bị sốt. Đừng nên quá kiêng cữ trong khẩu phần ăn thời gian đang bị bệnh này, bạn sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Ngoài ra, sữa chua cũng là một món ăn có lợi khi bạn bị ốm hoặc sốt, chúng sẽ giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, giúp cơ thể khỏe hơn, tiêu hóa tốt hơn, tránh mắc thêm các bệnh khác.

Bên cạnh đó, khi cơ thể bị mất nước, các vi rút vi khuẩn thường phát triển mạnh mẽ hơn. Khi sốt, bạn nên uống nhiều nước lọc hơn bình thường để bổ sung lượng nước đã mất đi. Việc bù đủ nước khi sốt sẽ giúp bạn không bị kiệt sức, các độc tố trong cơ thể cũng sẽ được loại bỏ nhanh và dễ dàng hơn.

Ngoài nước lọc, các loại trái như cam, chanh, dâu tây, xoài, chuối… là lựa chọn ưu tiên trong thời gian bạn bị sốt. Hãy chịu khó ăn trái cây vì nó vừa cung cấp thêm vitamin cho cơ thể, vừa giúp giảm sốt, bù đắp lại các chất điện giải đã bị mất. Nếu không muốn ăn, bạn có thể xay sinh tố hoặc ép thành nước hoa quả để dễ uống hơn.

Sốt siêu vi có nên truyền nước?

 
Không nên tự ý truyền dịch dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải có chỉ định của bác sĩ và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Hiện nay, sốt siêu vi chưa có loại thuốc nào đặc trị mà khi vi rút xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ phản ứng để tiêu diệt và loại bỏ các vi rút gây bệnh này. Vì thế việc truyền dịch cũng không thể chữa khỏi sốt siêu vi.

Hơn nữa việc đưa các loại thuốc vào cơ thể đều gây ra những tác dụng phụ. Đặc biệt nguy cơ này sẽ càng gia tăng nếu như cơ thể hấp thụ trực tiếp. Bên cạnh đó việc truyền dịch có thể gây nhiễm trùng, thậm chí lây nhiễm viêm gan hay các bệnh HIV/AIDS,...

Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên nếu bị sốt siêu vi mà vẫn ăn uống tốt thì không nên truyền dịch mà hãy hồi phục qua đường ăn uống. Chỉ nên truyền dịch trong trường hợp nghi sốt xuất huyết hoặc bị sốt xuất huyết. Cũng có những trường hợp bị sốt siêu vi được bác sỹ chỉ định truyền dịch, đó là những bệnh nhân bị nôn nhiều, không ăn uống được, sốt kèm theo đi ngoài, mất nước. Tuy nhiên, việc chỉ định truyền dịch phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín.

Vì vậy tốt nhất khi bị sốt siêu vi không nên tự ý truyền dịch mà hãy thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc lành mạnh, khoa học thì thông thường sốt siêu vi sẽ tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Chú ý bồi bổ cơ thể để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh chóng đẩy lùi vi rút, vi khuẩn gây bệnh.

Sốt siêu vi có kiêng tắm tuyệt đối?

 
Trong những ngày sốt siêu vi chưa khỏi hẳn, bạn không nên tắm, ngâm mình quá lâu dưới nước mà chỉ cần lấy khăn mặt rửa với nước ấm, lau người cho sạch sẽ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Sốt siêu vi có được tắm không là câu hỏi thường gặp khi mắc phải căn bệnh này. Mặc dù trong thời gian này nếu không được tắm thì sẽ rất khó chịu, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng bức. Tuy nhiên, trong thời gian bệnh chưa khỏi hoàn toàn thì không nên tắm kể cả nước nóng hay nước lạnh, chỉ nên sử dụng khăn mặt nước ấm lau người cho sạch sẽ.

Nhất là trong thời gian còn sốt cao thì tuyệt đối không được tắm và hạn chế lau người, vì cơ thể có thể bị nhiễm lạnh. Vì vậy, để tránh tình trạng xấu xảy ra, tốt nhất trong thời gian chưa khỏi sốt siêu vi hoàn toàn, các bạn nên không nên tắm thường xuyên và tránh tiếp xúc với nước lạnh, để cơ thể có thể hồi phục nhanh chóng.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X