Hotline 24/7
08983-08983

Sốt phát ban, kiêng nước và tránh gió có giúp trẻ nhanh lành?

Sốt phát ban không phải là bệnh cần phải kiêng, gió kiêng nước quá mức. Chúng ta cần giữ ấm phù hợp như không cho trẻ ra những nơi có gió lùa, mùa lạnh cần đảm bảo trẻ đủ ấm để tránh bị viêm phổi.

Sốt phan ban là gì?


Nếu con bạn vừa bị sốt và rồi sau đó trên da xuất hiện những điểm hay mảng nhỏ màu hồng, rất có thể trẻ đang bị sốt phát ban.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sốt phát ban là virus herpes 6 hoặc 7. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể bé qua mũi và miệng. Bệnh này có thể gặp ở người lớn và thường gặp ở trẻ em thuộc nhóm tuổi từ 6-36 tháng do trẻ trong giai đoạn này có sức đề kháng kém, lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền sang cho đã giảm xuống đáng kể trong khi hệ miễn dịch của trẻ lại chưa phát triển hoàn thiện.

Bệnh thường vô hại và sẽ khỏi nếu chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây sốt cao và dẫn đến biến chứng. Có nhiều loại sốt phát ban, trong đó có 2 loại phổ biến là ban đỏ và ban đào.

Triệu chứng sốt phát ban

 
Khi bị sốt phan ban, trẻ có thể sẽ cáu kỉnh, quấy khóc vì sốt cao, đau cổ họng, sưng hạch... Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Thông thường, thời gian ủ bệnh, tức từ lúc tiếp xúc với virus gây bệnh cho tới lúc có triệu chứng, là 1 tới 2 tuần. Đôi khi trẻ có thể mang virus nhưng không xuất hiện triệu chứng rõ ràng nào. Trên thực tế, sốt phát ban thường khởi phát bởi một đợt sốt cao đột ngột trên 39,5 độ C. Trẻ có thể bị đau cổ họng nhẹ hoặc hơi sổ mũi, sưng hạch ở cổ nên thường sẽ cáu kỉnh, quấy khóc, mệt mỏi và tiêu chảy nhẹ, ăn không ngon miệng, mắt đỏ, mí mắt sưng phù.

Sau khi hết sốt, trẻ thường bị nổi ban đỏ. Ban đỏ này gồm những điểm hay những mảng nhỏ màu hồng, thường phẳng nhưng có thể hơi nổi cộm, sờ thấy hơi gợn tay. Xung quanh những vết này có thể có một quầng trắng. Ban thường nổi lên ở ngực, sau lưng, bụng và sau đó lan tới cổ và cánh tay, có thể lan tới chân và mặt.

Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.

Mặc dù là bệnh có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên khi trẻ có các dấu hiệu sốt phát ban, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám, trình bày rõ ràng với bác sĩ về các triệu chứng để đưa ra chẩn đoán và hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị phù hợp cho trẻ. Không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi bố mẹ có thể nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác dẫn đến hậu quả không mong muốn.

Khi bị sốt phát ban làm sao hết ngứa?

 
Khi bị sốt phát ban, nếu tắm rửa không cẩn thận, trẻ sẽ dễ bị cúm hoặc chuyển sang các bệnh nghiêm trọng khác. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nốt ban trong sốt phát ban thường không ngứa hay làm khó chịu và có thể kéo dài vài giờ tới vài ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp có thể khó chịu vì nóng, ngứa dữ dội. Lúc này gãi sẽ không giải quyết vấn đề, bởi sự chà sát sẽ làm mất đi cảm giác ngứa nhưng sau đó nếu ngưng gãi lại thì các cơn ngứa có thể dữ dội hơn. Nhiều người gãi đến xước da, da tổn thương mà không biết. Lẽ ra, các nốt ban đó không để lại dấu vết nhưng vì gãi lúc ngứa tác động lên vùng da đó lên khi khỏi bệnh để lại sẹo và vết thâm trên da.

Vậy phải làm sao để chấm dứt tình trạng này?

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm ngứa tạm thời ở nhà. Không nên sử dụng nước lạnh mà dùng nước ấm có pha chút muối để sát trùng, giúp giảm cơn ngứa toàn thân. Bởi khi bị sốt phát ban, cơ thể còn rất yếu. Nếu tắm rửa không cẩn thận, trẻ sẽ dễ bị cúm hoặc chuyển sang các bệnh nghiêm trọng khác.

Có thể nấu nước lá giúp giảm cơn ngứa được áp dụng nhiều trong dân gian đó là nước lá khế với một ít muối để ấm rồi lau người.

Bên cạnh đó, cho người bệnh uống nhiều nước đặc biệt là nước ép trái cây có chứa nhiều vitamin C để giúp da khỏe mạnh và tăng sức đề kháng chống lại bệnh.

Trong trường hợp dùng các biện pháp mà vẫn không hết ngứa thì nên gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc cho phù hợp với thể trạng người bệnh.

Phân biệt sốt phan ban và sởi


Đối với người Việt Nam, những vết nổi trên toàn thân nào cũng được gọi là “ban” khiến nhiều lúc khó phân biệt những bệnh có triệu chứng này. Bệnh sốt phát ban thường được nhầm lẫn nhiều nhất với bệnh sởi, một bệnh nặng hơn nhiều.
 

Sốt phát ban

Sởi

- Sốt: có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao.

 

- Đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp.

 

- Biếng ăn, biếng bú

 

- Nôn ói hoặc tiêu chảy

 

- Sau khi giảm sốt sẽ bị phát ban, đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da.

- Sốt: có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao.

 

- Đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp.

 

- Biếng ăn, biếng bú

 

- Nôn ói hoặc tiêu chảy

 

- Lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da.

 

- Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

 

- Khi bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho hay dấu hiệu mắt đỏ.

 
Nếu con bạn vừa bị sốt và rồi sau đó trên da xuất hiện những điểm hay mảng nhỏ màu hồng, rất có thể trẻ đang bị sốt phát ban. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Biến chứng của sốt phát ban


Bố mẹ cần lưu ý, khoảng 10-15% trẻ em mắc bệnh sốt phát ban bị lên cơn co giật. Trong cơn co giật, trẻ thường không tỉnh táo, các cơ cẳng tay, cẳng chân và cơ mặt co giật liên tục trong vòng 2-3 phút. Trẻ cũng có thể bị mất kiểm soát việc đại tiểu tiện.

Thông thường, sốt phát ban ít khi gây ra biến chứng nào đáng kể. Nếu không có bệnh gì khác, thường là trẻ em và người lớn bị sốt phát ban sẽ bình phục nhanh chóng.

Tuy nhiên, đối với những trẻ có hệ miễn nhiễm bị yếu, ví dụ như những bệnh nhân sau khi được ghép tủy hay cơ quan khác, có thể mắc bệnh sốt phát ban mới hay bị bệnh cũ tái phát. Trường hợp này, trẻ thường sẽ bị nặng hơn và lâu bình phục hơn. Trẻ còn có thể bị biến chứng sưng phổi hay viêm não, rất nguy hiểm.

Hoặc đối với phụ nữ mang thai bị mắc sốt phát ban, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì sẽ có khả năng em bé bị dị tật, thể trạng không tốt như: điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm não, màng não, chậm phát triển tâm thần, gan to, lách to...

Do đó, đối với những người bị bệnh cần phải được cách ly một tuần lễ kể từ lúc phát ban để tránh lây nhiễm cho những người tiếp xúc.

Sốt phát ban có lây không?


Câu trả lời là CÓ. Đây là bệnh lây truyền qua đường nước bọt và dịch tiết đường hô hấp. Khi một đứa trẻ mắc bệnh bị ho hay hắt hơi, nước bọt hoặc các dịch tiết nhỏ li ti lơ lửng trong không khí trẻ truyền sang cho người khác. Bệnh này cũng có thể lây qua đường phân, khi trẻ mắc bệnh không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Bệnh có thể lây lan ngay cả trước khi trẻ xuất hiện các triệu chứng.

Do đó, những người trực tiếp chăm sóc trẻ rửa tay thường xuyên (đây là việc làm cần thiết đặc biệt trong giai đoạn trẻ đang bị sốt, do bạn có thể không biết được rằng trẻ bị sốt thông thường hay sốt phát ban trước khi thấy xuất hiện các vết ban đỏ).

Điều trị sốt phan ban như thế nào?


Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt phát ban. Giống như nhiều căn bệnh do virus khác, sốt phát ban có thể tự hồi phục mà không cần điều trị. Điều quan trọng nhất là bạn cần đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ và bù đủ nước cho cơ thể để tránh mất nước.

Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, nếu trẻ sốt từ 38oC trở lên cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol loại đơn chất với liều 10 - 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi cần, để tránh biến chứng sốt cao co giật ở trẻ.

Khi trẻ ho nên cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như rau tần dầy lá, quả quất, chanh chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong… Làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm giúp trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… Trẻ ăn uống quá khó khăn gia đình nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Trẻ bị sốt phát ban được chăm sóc tại nhà sẽ được hướng dẫn tái khám theo hẹn mỗi ngày hoặc hai ngày một lần tùy theo tình trạng bệnh của trẻ. Trong quá trình chăm sóc, bố mẹ cần lưu ý các dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện kịp thời như: Sốt cao không hạ sau khi đã phát ban, thay đổi tri giác như lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê, co giật, thở mệt, thở nhanh, khó thở.

Lưu ý, không để trẻ bị sốt phát ban ở nơi chật kín, tù túng và ẩm ướt, không đến những nơi công cộng, đông người, không cho trẻ tiếp xúc với các loại nước tẩy rửa, sữa tắm, môi trường ô nhiễm từ khói bụi, hóa chất, lông thú nuôi trong nhà để bệnh không có cơ hội tiến triển nặng.

Bí quyết phòng bệnh

 
Tiêm ngừa giúp phòng tránh nhiều bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị nghi ngờ đang mắc bệnh, cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban.

Tiêm chủng cho trẻ em vắc xin ngừa 3 bệnh Rubella, sởi, quai bị được áp dụng: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm trong độ tuổi từ 4-6 tuổi. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì tiêm một liều duy nhất (phụ nữ chỉ được có thai sau khi tiêm vắc xin được 3 tháng).

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X