Hotline 24/7
08983-08983

Sơ cứu đúng cách khi có người bị đột quỵ

Khi có người bị đột quỵ thì cách xử lý nào là hợp lý và an toàn nhất cho người bệnh, để đảm bảo được tính mạng và khả năng để lại biến chứng là thấp nhất, thưa BS?

TS Cường ơi, em hay đọc bài tư vấn của bác trên AloBacsi lắm. Bố em bị cao huyết áp, em nghe nói căn bệnh này rất dễ bị đột quỵ nên rất lo lắng. Nhân dịp BS có buổi tư vấn, em xin phép được hỏi bác là khi có người bị đột quỵ thì cách xử lý nào là hợp lý và an toàn nhất cho người bệnh, để đảm bảo được tính mạng và khả năng để lại biến chứng là thấp nhất ạ?

Em chân thành cảm ơn bác đã giải đáp giúp em. Em kính chúc bác và gia đình một năm mới luôn vui khỏe, chúc AloBacsi năm mới thành công hơn nữa.

(Bạn đọc Quốc Duy - TPHCM)


Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn Quốc Duy,

Xin gửi lời cảm ơn đến bạn và cũng kính chúc gia đình bạn sức khỏe nhân dịp năm mới!

Bệnh cao huyết áp có thể gây rất nhiều biến chứng: thiếu máu cơ tim, dày buồng tim, tổn thương thận, xơ vữa mạch, xuất huyết võng mạc mắt… nhưng nguy hiểm nhất là có thể gây đột quỵ, xuất huyết não.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp tăng huyết áp là có thể điều trị được. Việc điều trị cần phối hợp tốt giữa bác sĩ với bệnh nhân. Cần phải chỉnh liều trong thời gian đầu, khi liều thuốc đã phù hợp thì bệnh nhân phải tuân thủ tốt, tránh ngưng thuốc đột ngột, có những quan niệm sai lần khi huyết áp ổn thì người bệnh thường ngưng thuốc hay tự ý giảm liều làm huyết áp tăng đột ngột trở lại, có thể gây sự cố nguy hiểm.

Ngoài ra, cần tuân thủ chế độ ăn giảm muối, không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, giảm ngọt để phòng tránh bệnh tiểu đường… để có thể giữ được sức khỏe tốt.

Trường hợp khi có người bị đột quỵ, trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C như sau:

A (Airway - Đường thở): Quan sát xem bệnh nhân có tỉnh táo hít thở bình thường hay không, nếu bệnh nhân khó thở do tắc nghẽn đường thở thì phải tìm cách khai thông (dị vật đường thở, răng giả).

B (Blood - Máu): Quan sát xung quanh bệnh nhân xem có bị chảy máu nơi nào hay không, các vùng xương lớn có bị biến dạng hay không (xương đùi, tay chân, vùng cổ, cột sống). Nếu có nơi chảy máu phải tiến hành băng ép tại chỗ cầm máu tạm thời. Nếu có xương gãy hãy cố định ngay, tránh di chuyển đột ngột dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hay nặng thêm do biến chứng sốc.

C (Circulation - Tuần hoàn): Sờ các mạch máu lớn xem có đập hay không: Mạch cảnh ở vùng cổ, mạch bẹn, mạch cổ tay… Nếu mạch đập bình thường thì di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đến nơi thông thoáng, tránh bao quanh bệnh nhân quá nhiều người, nới lỏng quần áo giúp thở dễ hơn và gọi xe cứu thương.

Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không còn mạch đập thường phải hồi sức tim phổi nhân tạo. Việc này phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế được đào tạo, chúng ta không khuyến cáo trong cộng động thực hiện xoa bóp tim vì có thể gây những sự cố nguy hiểm cho người bệnh do thực hiện thao tác không đúng.

Hiện nay ở nước ta chưa có bệnh viện riêng cho đột quỵ, tuy nhiên hầu hết các bệnh viện tỉnh đều có thể chẩn đoán và điều trị được đột quỵ trong giai đoạn đầu. Vấn đề là chúng ta phải có kiến thức nhận biết những dấu hiệu của bệnh đột quỵ tại nhà.

Khu vực phía Bắc có các bệnh viện: Bệnh viện 108, BV Bạch Mai, Bệnh viện 103.

Khu vực miền Trung:  BV Trung ương Huế, BV Đà Nẵng, BV Bình Định.

Khu vực TPHCM: BV 115, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Gia Định, BV Trưng Vương, BV Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện 175.

Khu vực miền Tây: BV Đại học Y Cần Thơ.

Trên đây là các bệnh viện đã triển khai can thiệp trong lòng mạch (DSA) lấy cục máu đông trong đột quỵ cấp do tắc mạch máu não lớn.

Đôi điều chia sẻ cùng bạn.

Thân mến!

TS Trần Chí Cường
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X