Hotline 24/7
08983-08983

Sinh khó: Các vấn đề về đường dẫn sinh

Các vấn đề về đường dẫn sinh có thể là một trong số các nguyên nhân khiến ca sinh thường của bạn diễn ra không như ý muốn.

Đường dẫn sinh là gì?

Khi sinh thường, để đến với thế giới, em bé sẽ phải đi qua cổ tử cung đã mở rộngvà khungxương chậu - đây gọi là đường dẫn sinh.Với một số bé, “chuyến đi” qua đường dẫn sinh này diễn ra không hề suôn sẻ. Các vấn đề về đường dẫn sinh có thể khiến cho ca sinh thường trở nên khó khăn hơn với người mẹ và thậm chí có thể nguy hiểm cho cả em bé. Nhận ra sớm các vấn đề về đường dẫn sinh có thể giúp quá trìnhsinh nở an toàn hơn.

Em bé đi qua đường dẫn sinh như thế nào?

Trong quá trình sinh nở, đầu em bé sẽ nghiêng về phía xương chậu của mẹ. Đầu em bé sẽ ép vào đường dẫn sinh, kích thích xương chậu giãn ra. Tư thế lý tưởng nhất là mặtem bé sẽ quay về phía lưng của người mẹ vì việc này sẽ giúp em bé đi qua đường dẫn sinh dễ dàng và an toàn hơn.

Tuy nhiên, có một số hướng (ngôi) của em bé là hướng không an toàn cho cuộc sinh nở, bao gồm:

- Ngôi mặt: khi cổ của em bé duỗi quá mức

- Ngôi trán: khi phần trán của bé xuống và ra trước trong quá trình chuyển dạ

- Ngôi mông: khi mông của em bé sẽ ra trước

- Ngôi vai: khi em bé cuộn tròn lại trong vùng chậu của mẹ, hướng vùng vai, lưng ra trước


Bác sỹ có thể sẽ định hướng lại vị trí của em bé, bằng cách xoay ngôi thaiđể đảm bảo rằng ca sinh nở sẽ diễn ra an toàn. Nếu thành công, đầu của em bé sẽ ra trước ở đường dẫn sinh. Khi đầu em bé đã lọt qua, bác sỹ sẽ xoay vai em bé lại để giúp em bé lọt được qua vùng chậu. Sau đó, bụng, hông và chân em bé sẽ ra theo.

Nếu bác sỹ không thể định hướng lại ngôi thai, có thể bạn sẽ phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả 2 mẹ con.

Triệu chứng của các vấn đề về đường dẫn sinh

Ở trong đường dẫn sinh quá lâu có thể sẽ có hại cho em bé. Lực co thắt của tử cung có thể chèn ép lên đầu em bé, gây ra các biến chứng khi sinh. Các vấn đề về đường dẫn sinh có thể để lại hậu quả là tăng thời gian sinh nở hoặc thất bại trong quá trình sinh nở. Thời gian sinh nở kéo dài là khi ca sinh nở kéo dài hơn 20 tiếng (với con so) và hơn 14 tiếng với con rạ.

Các y tá và bácsỹ sẽ kiểm soát quá trình di chuyển của em bé qua đường dẫn sinh trong suốt ca sinh nở, bao gồm kiểm soát nhịp tim của em bé và các cơn co thắt tử cung của mẹ. Bác sỹ cũng sẽ khuyên bạn nên tiến hành can thiệp nếu nhịp tim của em bé cho thấy em bé đang gặp nguy hiểm. Việc can thiệp này có thể là sinh mổ hoặc dùng thuốc để làm nhanh hơn việc chuyển dạ.

Nguyên nhân của các vấn đề về đường dẫn sinh

Các nguyên nhân của các vấn đề về đường dẫn sinh bao gồm:

Kẹt vai: Tình trạng này xảy ra khi vai của em bé không thể lọt qua đường dẫn sinh nhưng đầu em bé lại lọt qua được. Tình trạng này sẽ rất khó để dự đoán trước vì không phải tất cả em béđều gặp phải vấn đề này.

Em bé quá to: Một số em bé quá to so với đường dẫn sinh của mẹ.

Ngôi thai bất thường: Lý tưởng nhất thì đầu của em bé nên ra trước, và mặt của em bé nên hướng về lưng của mẹ. Bất kỳ tư thế nào khác với tư thế này cũng sẽ khiến em bé khó lọt qua đường dẫn sinh hơn.

Bất thường về vùng chậu của mẹ: Một số phụ nữ có cấu tạo vùng chậu đặc biệt, sẽ khiến em bé quay lại khi bắt đầu vào đường dẫn sinh. Hoặc vùng chậu có thể quá hẹp để sinh. Bác sỹ sẽ khám vùng chậu của bạn rất sớm, từ khi mang thai để kiểm tra xem bạn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về đường dẫn sinh hay không.

U xơ tử cung: U xơ là các khối u không phải ung thư phát triển bên trong tử cung, có thể gây tắc nghẽn đường dẫn sinh của người phụ nữ. Hậu quả là, rất có thể bạn sẽ phải sinh mổ.

Hãy trao đổi với bácsỹ về bất kỳ mối lo ngại nàokhi mang thai. Bạn cũng nên cho bác sỹ biết nếucó bất cứ bất thường gì, hoặc nếu bạn đã từng sinh con với các bất thường về đường dẫn sinh.


Bác sỹ chẩn đoán các vấn đề về đường dẫn sinh như thế nào?

Bác sỹ có thể sẽ siêu âm để kiểm tra xem liệu em bé có nguy cơ gặp các bất thường về đường dẫn sinh hay không. Trong quá trình siêu âm, bác sỹ có thể xác định:

- Liệu em bé có quá lớn để lọt qua đường dẫn sinh hay không

- Vị trí của em bé

- Kích thước đầu của em bé.

Tuy nhiên, một số vấn đề về đường dẫn sinh không thể phát hiện ra được cho đến khi người phụ nữ sinh nở và ca sinh nở diễn ra không thuận lợi.

Điều trị các bất thường về đường dẫn sinh như thế nào?

Phương pháp phổ biến nhất để điều trị các vấn đề về đường dẫn sinh là tiến hành sinh mổ. Theo Hiệp hội Sản khoa Hoa Kỳ, 1/3 số ca sinh mổ được tiến hành là do ca sinh thường diễn ra không thuận lợi.

Bác sỹ cũng có thể sẽ khuyên bạn thay đổi tư thế nếu tư thế của em bé là nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường dẫn sinh. Việc thay đổi tư thế bao gồm nằm nghiêng về một bên, đi lại hay ngồi xổm để em bé có thể xoay người lại ở bên trong đường dẫn sinh.

Biến chứng của các vấn đề về đường dẫn sinh

Các vấn đề về đường dẫn sinh có thể sẽ khiến bạn phải sinh mổ. Các biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm:

Liệt đám rối cánh tay: Tình trạng này thường xảy ra khi cổ của em bé bị kéo giãn quá mức trong khi sinh. Liệt đám rối cánh tay cũng có thể xảy ra khi vai của em bé không thể lọt qua được đường dẫn sinh. Hậu quả của tình trạng này là yếu và hạn chế cử động ở một bên cánh tay. Trong những trường hợp hiếm, một số em bé có thể sẽ bị liệt ở bên cánh tay bị ảnh hưởng.

Tổn thương dây thần kinh thanh quản: Em bé có thể sẽ bị tổn thương dây thần kinh thanh quản nếu đầu của em bé bị chèn ép hoặc bị xoay trong khi sinh. Việc này có thể sẽ khiến em bé có những tiếng khóc khàn hơn hoặc bị khó nuốt. Tổn thương này sẽ biến mất trong vòng 1-2 tháng.

Gãy xương: Đôi khi, tổn thương khi đi qua đường dẫn sinh có thể dẫn đến gãy xương của em bé. Gãy xương có thể xảy ra ở xương đòn, hoặc các xương khác, như xương vai hoặc xương chân. Đa số các trường hợp này sẽ hồi phục theo thời gian.

Triển vọng cho phụ nữ gặp các vấn đề về đường dẫn sinh

Đảm bảo rằng bạn thường xuyên đi khám thai và nhận được sự kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình sinh nở. Việc này sẽ giúp bác sỹ có thể đưa ra những lựa chọn an toàn cho em bé của bạn. Các vấn đề về đường dẫn sinh có thể khiến bạn không thể sinh thường được. Việc sinh mổ có thể sẽ giúp bạn sinh em bé mà không gặp phải bất kỳ biến chứng nào.

Theo Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt/Viện Y học ứng dụng Việt Nam/Healthline

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X