Hotline 24/7
08983-08983

Siêu âm túi mật có nốt tăng âm là gì vậy AloBacsi?

Bị xơ gan có ăn yến sào được không, siêu âm túi mật có nốt tăng âm, gãy đầu dưới xương quay, đang điều trị trầm cảm có nên hiến máu... là nội dung tư vấn của BS Lan Hương.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

Văn L. - ksjsj…@gmail.com

Chào BS,

Tôi năm nay 19 tuổi, gần đây hay bị táo bón gây dắt hậu môn, có khi còn dính máu ở phân. Lấy gương soi hậu môn thì thấy quanh hậu môn khi rặn có phần thịt nhô ra.

Tôi rất lo, liệu có phải bị trĩ ngoại không? Tình trạng chảy máu chỉ bị khi bị táo bón. Mong BS tư vấn giúp ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu em có tình trạng táo bón với đặc điểm đi cầu thường xuyên phải rặn, phân cứng, khối to, nay xuất hiện tình trạng phân dính máu khi bị táo bón, “khi rặn có phần thịt quanh hậu môn nhô ra” thì nhiều khả năng em bị trĩ.

Đặc điểm của chảy máu do búi trĩ xuất huyết là máu đỏ tươi, không trộn lẫn với phân, bám bên ngoài phân hoặc nhỏ giọt sau khi rặn ra khối phân cứng. Nếu sau đi tiêu đau rát nhiều ở hậu môn thì thường có kèm nứt hậu môn.

Mức độ bệnh trĩ của em chỉ khoảng độ 1-2, do đó điều trị thông thường sẽ là thuốc uống trong một thời gian để giảm nhỏ kích thước búi trĩ và giảm chảy máu, chưa cần đến phẫu thuật. Tuy nhiên, em vẫn cần khám chuyên khoa Tiêu hóa để được xác định chẩn đoán qua thăm khám trực tiếp và kê thuốc thích hợp.

Đặc biệt nếu em bị táo bón kéo dài và gia đình có tiền căn polyp hay ung thư đại tràng, thiếu máu, đi cầu phân dẹt, sụt cân thì càng cần khám BS chuyên khoa Tiêu hóa để loại trừ bệnh lý gây tắc lòng ruột già.

Song song đó, em cần thay đổi lối sống của mình, tăng cường ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, hoa quả (chuối, đu đủ...), hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, phải uống đủ nước, tối thiểu là 2 lít nước/ngày, trời nóng hay hoạt động đổ nhiều mồ hôi phải uống tối thiểu 3 lít nước/ngày, hạn chế rượu bia, cà phê, trà đặc, không hút thuốc lá, tăng cường vận động thể lực điều độ, bỏ thói quen nhịn đi tiêu tiểu.


Phi Phụng - Cần Thơ

BS ơi,

Em bị gãy hai ống xương cẳng tay cách cổ tay khoảng 5cm, phải mổ xuyên đinh. Em đeo băng 3 tháng, cổ tay không được cử động. Giờ khi mở ra thì cổ tay nhúc nhích cảm thấy rất đau, không lật ngửa tay lên được, BS bảo em khi nào lật ngửa tay với cổ tay bình thường lại thì mới lấy đinh ra.

BS cho em hỏi có cách nào giúp cổ tay em bình thường được không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Phụng,

Sau một thời gian dài được cố định để lành xương thì khi vận động lại bàn tay, cổ tay sẽ khá khó khăn và gây đau, đó là do hiện tượng cứng khớp và xương chưa lành tốt.

Để cải thiện tình trạng này tốt nhất là em tập vật lý trị liệu. Em có thể đến các trung tâm phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để được BS hướng dẫn cách tập đúng, tay em sẽ mau phục hồi, em nhé.


Thuy Trang - dangthithuy…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị viêm xoang, điều trị nhiều, bây giờ tôi thường xuyên chảy mũi nước trong, ngứa họng, nhảy mũi nhiều, dịch đàm cứ xuống họng hoài rất khó chịu. Triệu chứng này bị quanh năm, tôi chưa có đủ chi phí đi khám.

Xin hỏi BS tôi có nguy cơ bị ung thư không? Tôi phải làm gì bây giờ? BS tư vấn giúp tôi với, xin cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Theo thông tin bạn cung cấp thì tôi thấy nhiều khả năng bạn bị viêm xoang mạn rồi, ít nghĩ là bạn bị ung thư, nhưng để loại trừ ung thư thì chắc chắn là chỉ có cách đi khám BS chuyên khoa Tai mũi họng để soi mũi, chụp CTscan...

Viêm xoang mạn là nỗi đau đầu đối với các BS Tai mũi họng và cả bệnh nhân. Những trường hợp viêm xoang nặng thường được chỉ định phẫu thuật mở rộng lỗ đổ của xoang, nhưng hiệu quả thì tùy người, hiệu quả thường rất tốt trong thời gian đầu nhưng sau đó nhiều trường hợp bị tái phát.

Thời gian tái phát thì tùy mỗi ngườigiữ gìn vệ sinh mũi họng như thế nào, trong điều kiện môi trường ô nhiễm như hiện nay thì điều này quả thật rất khó.

Cách điều trị tốt nhất là rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên, trước và sau khi đi ra đường, trước và sau khi ngủ dậy, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng đầu mặt cổ, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa/ quạt định kỳ, uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, tối nên nằm đầu cao, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, ra đường nên đeo khẩu trang, nên tiếp xúc với ánh nắng sớm 30-45 phút mỗi ngày.


Thanh Phong - thanhphong…@gmail.com

Thưa BS,

Em bị gãy đầu dưới xương quay, sau 30 ngày thì em cắt bột nhưng về cử động hơi đau. Phải làm sao BS ơi?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thanh Phong thân mến,

Gãy xương làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, lại thêm bó bột hạn chế vận động nên khớp hơi bị cứng, do đó sau tháo bột em cử động lại thấy đau là điều thường gặp. Nhưng nếu em đã chụp phim Xquang lại và BS đánh giá là xương lành tốt trước khi tháo bột thì không sao cả, mức độ đau thường nhẹ và sẽ giảm dần, em có thể yên tâm. Em kiên trì tập luyện 1 thời gian thì tay sẽ phục hồi.

Việc tập luyện thì em nên tập cầm nắm, xoay trở tay nhẹ nhàng, tăng dần cường độ và thời gian tập, khi nào thấy tay hoạt động xoay cổ tay mà không đau nữa thì có thể sinh hoạt như bình thường nhưng tránh làm việc quá gắng sức ở cổ tay trong 6 tháng đầu.


Hoài Thương - hoaithuong…@gmail.com

BS ơi,

Cháu bị mụn cơm ở đầu ngón chân. Sau khi đi đốt laser thì đến giờ đã là 11 ngày nhưng chưa có dấu hiệu liền da hay khít bề mặt, thịt có đầy dần lên. Cháu bị nặng, đốt khoét sâu mất nửa non đầu ngón chân và nhiều lỗ nhỏ xung quanh do có hơn 10 đầu mụn.

Cháu nên làm gì để nhanh lành hơn ạ? Cháu bị lan sang ngón cái 4 nốt, lòng bàn chân 2 nốt mà chưa cắt bỏ thì khả năng tái phát lại là bao nhiêu ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Mụn cóc hay hột cơm là một khối u sần sùi, trắng, nhỏ, thường mọc trên da bàn tay hay bàn chân, trông giống một chùm súp lơ nhỏ. Mụn cóc rất phổ biến, do siêu vi trùng, thông thường nhất là loại Virus papilloma ở người (HPV), gây ra.

Gọi là “mụn cóc” vì chúng có thể “nhảy”, tức là dễ lây, có thể tái phát, cũng có khi tự biến sau vài tuần hay vài năm.

Như vậy, hiện em còn 4 nốt chưa đốt thì những nốt này có khả năng lây lan, và bản thân những nốt đã đốt cũng có trường hợp tái phát, không có con số cụ thể cho khả năng tái phát.

Còn chỗ vết thương em đốt khoét sâu thì thịt đầy dần lên là dấu hiệu tốt, khi thịt đầy dần tới miệng thì miệng vết thương mới có thể khép lại. Em cứ duy trì chăm sóc vết thương hàng ngày theo hướng dẫn của BS điều trị.

Trong trường hợp thịt đầy tới miệng rồi mà miệng vết thương khó khép lại do phần mô ở quanh miệng bị chết, bị chai thì em cần tái khám lại chỗ BS em đã làm để gạt bỏ bớt phần mô này, miệng vết thương sẽ tự động khép lại. Thân mến.


Nguyễn Văn Quý - nguyenvan…@gmail.com

Thưa BS,

Cháu phải mổ và nẹp xương lại ở ngón tay út. Nay đã 20 ngày nhưng vẫn phải bó bột. Liệu tháo bột ra có ảnh hưởng gì đến xương không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thời gian trung bình lành xương là 1 tháng, tùy mức độ gãy xương, có nhiễm trùng hay không, có béo phì, bệnh tiểu đường, lớn tuổi, hút thuốc lá hay không... mà xương sẽ lành nhanh hơn hay chậm hơn. người trẻ khỏe mạnh thì xương lành nhanh hơn người lớn tuổi.

Nếu như em tự ý tháo bột sớm khi xương chưa liền có thể gây di lệch xương, gây đau, khớp giả, khớp xấu…

Do đó, cách tốt nhất là em đến khám lại chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình nơi đã bó bột cho em, chụp lại phim Xquang xem xương lành thế nào, rồi quyết định tháo bột hay chưa, em nhé.


Thanh Vân - thanhvan…@gmail.com

Chào BS,

Bạn em năm nay 26 tuổi, giới tính nam, bị mất ngủ cũng đã lâu, hiện tại thì em thấy có 1 số biểu hiện bất thường, suy nghĩ lung tung, nghĩ mọi người trong công ty theo dõi mình, mọi lời nói của mọi người dường như chỉ đùa vui không liên quan đến bạn ấy nhưng lúc nào cũng nghĩ liên quan đến mình. Có lúc còn nghĩ có cảnh sát theo dõi điều tra…

Những suy nghĩ đó khiến bạn ấy không thoải mái, mất ngủ nhiều ngày, không đi làm được, dù nói thế nào vẫn luôn cho mình đúng, khuyên đi khám bệnh không chịu đi và nói bản thân mình không có bệnh gì cả, mọi chuyện bạn ấy nói là sự thật, không tin thì thôi.

BS cho em biết giờ làm gì để bạn ấy chịu đi khám, và nó là dấu hiệu của bệnh gì? Liệu có trị hết không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em có thiện chí quan tâm đến bạn bè là điều rất tốt. Nhưng ở mức bạn bè thì có những điểm khó khăn sau.

Thứ nhất là em có chắc là em biết hết mọi thứ về bạn đó không, nếu thật sự bạn kia có “công việc gì không hợp pháp” nên mới nảy sinh lo lắng sợ cảnh sát theo dõi và điều tra dẫn đến mất ngủ là điều bình thường!

Còn trường hợp bạn em làm việc đúng theo khuôn khổ pháp luật và quy định của công ty thì những suy nghĩ trên là hoang tưởng, là dấu hiệu của bệnh lý tâm thần.

Bệnh tâm thần thường gây mất ngủ, phải khám BS Tâm thần để được xác định chẩn đoán thể bệnh, mức độ và điều trị thích hợp. Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được.

Vấn đề này em cần trao đổi với người thân của bạn ấy để tìm ra giải pháp, như khuyên nhủ hay mời BS Tâm thần khám tại nhà…


Nguyễn Phúc - nguyenphuc…@gmail.com

Dạ chào BS,

2 năm trước em có đi xét nghiệm viêm gan B, trị số Anti HBS cao, BS cho biết không bị viêm gan B.

Sáng nay em vô tình chạm vào dao cạo râu bạn cùng phòng của em và bị chảy máu, bạn em bị nhiễm viêm gan B. Sau đó khoảng 2 tiếng em có đến BV Hoàn Mỹ Sài Gòn xét nghiệm máu thì kết quả xét nghiệm như sau: HBeAg: âm tính; Anti HAV IgM: âm tính; Anti HCV: âm tính; Anti HBS: 366.17

BS kết luận em không bị lây viêm gan B.

Cho em hỏi trong khoảng thời gian em bị dính máu sau đó đi xét nghiệm là 2 tiếng thì virus có xâm nhập kịp không ạ? Em xin cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Anti HBs là kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm siêu vi gây viêm gan B (HBV). Nồng độ kháng thể của em cao, nghĩa là em không có bị nhiễm viêm gan B và em sẽ không có bị lây viêm gan B khi tiếp xúc với máu hay dịch tiết của người bị nhiễm viêm gan B đâu.

Nói tóm lại là em không có bị lây viêm gan B được, virus sẽ không xâm nhập cơ thể em dù là mấy tiếng đi nữa vì trong máu của em đã có kháng thể bảo vệ rồi. Thân mến.


Thao Vy - thaovy…@gmail.com

Chào BS,

Cho em hỏi mẹ em bị xơ gan F1 có thể sử dụng yến sào được không ạ? Em cám ơn ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Siêu âm độ đàn hồi gan là một kỹ thuật mới giúp đánh giá độ xơ hóa gan. Kết quả đánh giá độ xơ hóa gan của mẹ em là F1, tức là gan có xơ hóa mức độ nhẹ, chứ chưa phải là xơ gan (tương đương F4). Như vậy, mẹ em có thể ăn yến sào với chế độ ăn như người bình thường (nếu không kèm các bệnh lý khác như tăng huyết áp, bệnh thận, tiểu đường…).

Trong yến sào rất giàu đạm (50- 60% đạm).Yến có nhiều thành phần dinh dưỡng quý hiếm, điển hình là một số loại protein và axit amin như amide, humin, arginine, cystine, histidine, and lysin.

Ngoài ra, tổ yến còn được cho là chứa các khoáng chất như canxi, sắt, kali, phốt pho và magie.

Người lớn có thể ăn 1- 2 chén yến/tuần. Mỗi lần dùng 3-5g chưng cách thủy với đường phèn hoặc có thể thêm một ít hạt sen, táo đỏ, táo đen. Dùng yến lúc đói bụng, có thể vào sáng sớm, giữa buổi hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ.


Thùy Nguyễn - nguyenminh…@gmail.com

Chào BS,

Em đang uống thuốc Amitryline liều 25mg vào buổi tối. Vậy em có thể đăng kí hiến máu được không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thùy thân mến,

Amitryptiline thuộc nhóm chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants), thuốc có chu kỳ bán hủy khá dài (9 - 36 giờ).

Do đó, nếu em muốn đăng ký hiến máu, em cần ngưng thuốc khoảng từ 5-7 ngày thì thuốc mới thải trừ hết và chất lượng máu mới an toàn để truyền cho người cần máu, em nhé.


Ngô Thị Thành - bachtien…@gmail.com

Thưa BS,

Túi mật có nốt tăng âm kèm bóng cản kích thước 16mm, lúc phát hiện năm 2014 là 10mm. Như vậy có nguy hiểm không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Đối với siêu âm, một cấu trúc tăng âm trong lòng túi mật kèm theo bóng cản âm và di chuyển theo tư thế bệnh nhân được chẩn đoán là sỏi túi mật. Sỏi túi mật là bệnh rất phổ biến hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi.

Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật. Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi.

Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm… Hàng năm, chỉ có 1- 2% bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng tiến triển thành có triệu chứng.

Các biến chứng của sỏi túi mật bao gồm:

- Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt ở cổ hoặc ống túi mật cần phải điều trị phẫu thuật cấp cứu.

- Viêm đường mật do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật dẫn đến viêm đường mật. Đây là biến chứng nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi cấp cứu.

- Viêm tụy cấp do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Đây là biến chứng rất nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi kịp thời.

- Ung thư túi mật liên quan với sỏi túi mật to (trên 25 mm), sỏi kèm với polyp túi mật, túi mật sứ.

Như vậy, hiện tại sỏi túi mật của em không lớn lắm, chỉ có 1 sỏi, không triệu chứng thì có thể chưa cần phải mổ, mà nên theo dõi định kỳ hàng năm.

Chú ý lại cách ăn uống, cần ăn uống hạn chế dầu mỡ và các chất nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật, da mỡ động vật, các món chiên xào... tăng cường chất xơ, rau xanh, không uống bia rượu và không hút thuốc lá, nên tập thể dục 30-45 phút mỗi ngày tùy theo khả năng và tẩy giun định kỳ.

Thân mến.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X