Hotline 24/7
08983-08983

Sau mổ thoát vị đĩa đệm, nữ bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ liệt chân

Nhiều người trung niên và cao tuổi chung sống với bệnh thoát vị đĩa đệm bằng cách uống thuốc giảm đau và vật lý trị liệu, ngay cả khi có chỉ định phẫu thuật, họ vẫn ngần ngại vì sợ mổ xong bị liệt chân. Tuy nhiên, các kỹ thuật phẫu thuật hiện đại đã giúp bệnh nhân xóa bỏ nỗi lo này.

Ở tuổi 52, bà N.T.V. nhà ở Phan Thiết đã sống chung với những cơn lưng dai dẳng (đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm) nhiều năm. Cũng đã rất nhiều chuyến bà ngược xuôi ở các tỉnh miền Nam, tìm đến những trung tâm danh tiếng để chữa trị. Do uống nhiều loại thuốc đông tây y để giảm đau, có loại chứa corticoid nên dần dà bà bị hội chứng cushing khiến mặt và thân mình tròn ra.

Cho đến khi đôi chân bà bị teo cơ, đi đứng phải có người dìu, bác sĩ xem phim chụp MRI nói tình trạng thoát vị đĩa đệm của bà cần phải phẫu thuật thì bà lại ngần ngại, bởi lo sợ là mổ xong dễ bị liệt cả hai chân. Rồi được người quen chỉ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ vì bệnh viện này mới, có nhiều kỹ thuật hiện đại nên bà tìm đến.

Tại đây, các bác sĩ khoa Ngoại giải thích cặn kẽ, thuyết phục bà V., sau đó, bà cũng phải đắn đo thêm một tuần mới chịu mổ. ThS.BS Nguyễn Anh Trung, trưởng khoa Ngoại cho biết: “Bệnh nhân N.T.V. bị thoát vị đĩa đệm tại đốt sống L3-L4 và L4-L5 dẫn tới hẹp ống sống, riêng L4-L5 có mảnh rời. Chúng tôi đã tư vấn với bệnh nhân là cần phẫu thuật để giải áp, làm cứng cột sống.

Thêm một lý do khiến bà V. lo lắng là bà cũng có bệnh tiểu đường, sợ vết thương phẫu thuật khó lành. Tuy nhiên, chúng tôi đã điều trị ổn các bệnh nền cho bà trước khi phẫu thuật”.


ThS.BS Nguyễn Anh Trung, trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân N.T.V. sau phẫu thuật - Ảnh: Hồng Nhung

Ca phẫu thuật của bà V. kéo dài 3 giờ, các bác sĩ đã làm cứng 2 tầng L3-L4 và L4-L5, có bắt vít. Chỉ một ngày sau mổ, bà V. cảm thấy giảm đau, giảm tê rất nhiều và được tập vật lý trị liệu tại giường. Sau 72 giờ, bà ngồi dậy được và bắt đầu tập đi.

Sau 7 ngày, bà V. có thể xuất viện nhưng bà quyết định ở lại thêm để tập vật lý trị liệu. Đến thời điểm 10 ngày hậu phẫu, cơn đau lưng đã hết hoàn toàn, cảm giác tê cũng chỉ còn 50% và vẫn tiếp tục cải thiện, vết thương lành tốt.


Dù có bệnh tiểu đường nhưng do được điều trị ổn nên vết thương sau phẫu thuật của bệnh nhân vẫn lành tốt


10 ngày sau mổ, bà V. đã có thể đi lại với khung

Theo ThS.BS Nguyễn Anh Trung, phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm là uống thuốc, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tuy nhiên những trường hợp bắt buộc phải mổ (khi bệnh nhân tê chân, yếu chân, đi cầu đi tiểu mất tự chủ do rối loạn cơ vòng) thì nên thực hiện sớm để đạt hiệu quả tốt, tránh biến chứng teo cơ hoặc tổn hại thần kinh.

Mổ thoát vị đĩa đệm sẽ an toàn nếu có đầy đủ phương tiện máy móc hiện đại và bác sĩ giàu kinh nghiệm, kỹ thuật mổ tốt, kết hợp với việc tư vấn kỹ lưỡng sẽ giúp bệnh nhân hiểu và yên tâm hơn về ca phẫu thuật. Kể cả ở giai đoạn muộn như bệnh nhân V., phẫu thuật vẫn có hiệu quả, tránh nguy cơ tàn phế.

Tin, ảnh: Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X