Hotline 24/7
08983-08983

Sau khi thụ thai bao lâu thì trứng làm tổ, mẹ bầu đã biết chưa?

BS Lê Tiểu My (BV Mỹ Đức, TPHCM) sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến của mẹ bầu khi mới có thai.

Các dấu hiệu mới có thai là gì?

Hay gặp nhất là trễ kinh. Ngoài ra còn có thể gặp các dấu hiệu như: mệt mỏi, căng ngực, buồn tiểu liên tục, nôn - buồn nôn (không phải luôn gặp khi có thai).

Muốn chắc hơn, bạn mua que thử thai và làm theo hướng dẫn. Chắc chắn nhất cho câu hỏi “có thai hay không?” là xét nghiệm máu (gọi là xét nghiệm beta hcg hCG). Xét nghiệm này có thể thực hiện sớm nhất 8-11 ngày sau ngày thụ thai.

sau khi thu thai bao lau thi trung lam to, me bau da biet chua? - 1Buồn nôn, nôn ói là một trong những dấu hiệu sớm của việc thụ thai. (Ảnh minh họa)


Sau khi thụ thai bao lâu thì trứng làm tổ?

Phôi thai vào tử cung khoảng 4-7 ngày sau thụ tinh - trung bình khoảng 5-6 ngày. Xác định ngày này cũng khá quan trọng, ví dụ trong trường hợp mẹ có dùng thuốc thì trước ngày này khả năng ảnh hưởng thai sẽ ít hơn.

Đau lâm râm bụng dưới khi có thai có bình thường không?

Khi mới có thai, bạn có thể cảm thấy đau lâm râm vùng bụng dưới. Điều này có thể bình thường do tử cung bạn lớn dần lên, hay trong trường hợp bạn có sử dụng progesterone – một loại nội tiết dưỡng thai (đặt âm đạo). Nếu đau bụng càng lúc càng tăng kèm theo ra huyết, bạn cần đi khám ngay vì lúc đó đau bụng có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, sẩy thai hay thai lưu.

Một số dấu hiệu khác cũng thường hay gặp khi có thai là: buồn/mắc tiểu - đi tiểu nhiều hơn, thay đổi thói quen đi tiêu, thở ngắn, tim đập nhanh, phù chân… Tốt nhất nên hỏi bác sĩ theo dõi thai của mình nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường hay lo lắng nào để được tư vấn thích hợp.

sau khi thu thai bao lau thi trung lam to, me bau da biet chua? - 2Khi mới có thai, bạn có thể cảm thấy đau lâm râm vùng bụng dưới (Ảnh minh họa)


Tại sao có thai lại mệt?

Nhiều mẹ bầu than mệt mỏi, buồn ngủ hoài dù không vất vả gì hết. Mệt là đúng, cơ thể làm việc nhiều hơn từ hô hấp, tuần hoàn, chuyển hóa, nghĩa là máu trong cơ thể nhiều hơn, thận lọc nhiều dịch hơn, nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng để nuôi em bé, nội tiết tố trong cơ thể đồng loạt thay đổi, mang vác cái bụng to gồm em bé, dịch ối... Chưa kể nghén làm nôn ói, ăn uống không bình thường…

Khi nào thì mẹ cảm nhận được thai máy (thai đạp, cử động thai)?

Hầu hết các bà mẹ sẽ cảm nhận được cử động của bé quanh thời điểm 18-20 tuần. Mẹ mang thai lần đầu sẽ cảm nhận muộn hơn, nếu đã có “kinh nghiệm” (mang thai lần 2, 3) có thể cảm nhận sớm hơn, khoảng 15-16 tuần.

Để cảm nhận, mẹ có thể nằm yên, lắng nghe cảm giác cử động nhẹ nhẹ ở bụng. Khi bé lớn dần, cử động có lực hơn, mẹ sẽ cảm nhận rõ hơn. Một số trường hợp cản trở mẹ cảm nhận cử động như: thành bụng dày, bánh nhau mặt trước, mang thai lần đầu, hoặc thậm chí là bản thân bé ít cử động hơn mấy em bé khác.

Những thay đổi nào ở ngực được xem là bình thường khi có thai?

Ngực căng hơn, to hơn, hơi đau nhẹ, đầu nhũ hoa sẫm màu hơn, cuối thai kỳ có thể có dịch vàng như sữa. Nếu thấy sưng, đau tức, đỏ một vùng ngực…bạn cần đi khám ngay.

Theo BS Lê Tiểu My - Khám Phá

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X