Hotline 24/7
08983-08983

Sau khi nhập viện, mất bao lâu để chẩn đoán chính xác bị đột quỵ?

Thưa bác sĩ, một người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ đưa đến bệnh viện. Vậy phải mất bao lâu để có chẩn đoán chính xác rằng người bệnh bị đột quỵ? (Đặng Lâm).

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bạn thân mến,

Ngay sau khi người bị đột quỵ não vào viện, thầy thuốc phải nhanh chóng kịp thời hỏi quá trình bệnh tật, kịp thời tham khám toàn diện cơ thể, chú ý đến tình trạng tim mạch, huyết áp, hô hấp, thân nhiệt, các dấu hiệu thần kinh và biểu hiện tâm trí.

Đồng thời, loại trừ các nguyên nhân chấn thương, nhiễm khuẩn, ngộ độc và các bệnh có biểu hiện giống như đột quỵ não. Tiếp đó để chẩn đoán đột quỵ, sẽ làm các xét nghiệm cần thiết như: chẩn đoán hình ảnh sọ não, đặc biệt là chụp cắt lớp  từ vi tính não và các xét nghiệm huyết học, sinh hóa…

Như vậy, chẩn đoán đột quỵ lâm sàng có thể chỉ cần không quá 10 đến 15 phút nhưng các xét nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian hơn, có thể tới 1 giờ. Nói chung, nếu tính từ khi bắt đầu có triệu chứng khởi phát và được kịp thời nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế chuyên khoa thì có thể chưa đến 3 giờ đồng hồ.

Khi bị cơn đột quỵ, người bệnh chỉ có thời gian lý tưởng là từ 3 - 4 giờ để cấp cứu, điều trị. Vượt ngưỡng thời gian này, cơ hội thành công kém, nguy cơ tử vong cao, có sống cũng để lại nhiều tai biến. Do đó, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, cần đưa ngay bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời, được xử trí đúng cách tại trung tâm đột quỵ hay cơ sở y tế chuyên môn sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong; giảm số ngày điều trị và giảm di chứng, tăng cơ hội sống không cần giúp đỡ. Không nên cạo gió, chích lễ hoặc uống một số loại thuốc không rõ nguồn gốc mà mất đi "thời gian vàng" cứu người đột quỵ.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ đó là:

- Yếu liệt hoặc tê rần ở vùng mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là một bên cơ thể, chỉ một tay hoặc một chân.

- Lú lẫn, rối loạn lời nói hoặc hiểu biết (khó tìm từ hoặc không hiểu từ; nói líu ríu, lắp bắp).

- Không nhìn thấy ở một hay cả hai mắt, hoặc nhìn một hóa hai.

- Khó khăn khi bước đi, mất thăng bằng, chóng mặt hoặc khó phối hợp các động tác

- Nhức đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân;

- Suy giảm ý thức nhanh chóng.

- Mất thăng bằng, chóng mặt, nôn, kèm theo nhức đầu.

Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn còn tỉnh táo, nhưng đa số bị giảm sút tri giác (như lơ mơ, ngủ gà, có thể hôn mê). Bệnh nhân có thể liệt nửa người, liệt mặt và các cơ hầu họng (gây nuốt khó, sặc khi ăn uống, nói khó), tiêu tiểu không tự chủ… cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X