Hotline 24/7
08983-08983

Sang thương vú nhóm 3 nghĩa là gì AloBacsi ơi?

Sang thương vú nhóm 3 nghĩa là gì, mọc mụn ở dái tai, mổ sỏi thận, run tay do tim bẩm sinh, phẫu thuật nang tuyến giáp, khó nuốt nước bọt... là nội dung tư vấn của BS Lan Hương.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Bạn đọc H. - xu…@gmail.com

Chào BS,

Em 17 tuổi. Theo tìm hiểu trên các trang web về tâm lý thần kinh thì em cảm thấy các triệu chứng "tâm thần" em đều trải qua hết rồi và bây giờ em còn muốn tự tử hay bỏ đi thật xa nữa.

Bạn trai em vừa mất, lâu lâu em lại nhớ hình ảnh vui đùa của hai đứa rồi lại làm bị thương mình với suy nghĩ trong đầu là chết theo anh ấy vì cuộc sống nhiều áp lực ba mẹ, bạn bè, không ai hiểu cả, chỉ có anh ấy quan tâm hiểu em thôi.

Vậy cho em hỏi BS có phải em mắc bệnh "tâm thần" rồi không? Có thể chữa được bệnh không? Hay em nên theo anh ấy để tốt cho mọi người hơn?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.

Quả thật, trong độ tuổi mười mấy - đôi mươi, suy nghĩ và cảm xúc của các em chưa ổn định, một phần là do nội tiết tố nhưng cũng do áp lực từ bên ngoài, mà từ đó có thể nảy sinh những hành vi, suy nghĩ tiêu cực trước những khó khăn, đau buồn trong cuộc sống.

Ngoài ra, biến cố mất đi người thân đột ngột có thể tạo ra cú sốc tâm lý quá lớn mà nhất thời tự mình không giải quyết, khống chế nổi, cần một thời gian mới “hồi phục”, mới bình ổn lại được. Tuy nhiên, nếu bản thân các em không vượt qua được thì cần có sự hỗ trợ của y học.

Trước hết, người nghi ngờ có bệnh về tâm thần thì cần phải được khám BS chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán bệnh chắc chắn. Bởi vì các bệnh lý tâm thần sẽ có một số triệu chứng chồng lấp với nhau. Do vậy, BS phải dành thời gian khai nhác bệnh sữ kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào.

Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh. Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được.

Do vậy, em nên đến khám BS chuyên khoa tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp, nếu bệnh ở mức độ nhẹ thì chỉ cần điều trị thuốc và tâm lý trị liệu 1 thời gian ngắn sẽ giúp em lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Chết luôn dễ hơn sống mà, phải không em!


- Trang Le - letrang…@gmail.com

Cháu xin được tư vấn về mổ sỏi thận.

Mẹ cháu năm nay 65 tuổi, mới đi khám, BS bảo mẹ cháu bị cao huyết áp và bị gan nhiễm mỡ và đau dạ dày, sỏi thận bị to hơn 1cm phải đi mổ sỏi luôn.

Nhưng cháu muốn biết nếu người già bị cao huyết áp vậy liệu mổ phanh có nguy hiểm không vì BS bảo sỏi to và lớp mỡ dày nên phải mổ phanh ạ. Cho cháu xin được tư vấn BS ạ!

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trang thân mến,

Có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận, tùy tính chất sỏi, chức năng thận, đường tiết niệu có bị hẹp không, có các bệnh về đông máu hay bệnh lý tim mạch kèm theo, khả năng điều trị của cơ sở y tế, tay nghề BS... mà BS sẽ chỉ định phương pháp nào an toàn nhất và tốt nhất cho người bệnh.

Vấn đề tăng huyết áp của bệnh nhân không phải là chống chỉ định của mổ lấy sỏi thận, tức là BS có cách để kiểm soát huyết áp tốt nhất trước, trong và sau cuộc mổ. bên cạnh mổ hở, còn phương pháp mổ nội soi trong điều trị sỏi thận cho bệnh nhân.

Mổ nội soi trong điều trị sỏi thận có thể là tán sỏi nội soi ngược dòng (dùng ống soi niệu quả đưa từ niệu đạo lên bàng quang, lên niệu quản, tiếp cận viên sỏi sau đó phá vụng sỏi bằng laser hoặc khí nén rồi lấy bơm rửa hết sỏi), hoặc nội soi lấy sỏi thận qua da (tạo đường hầm vào thận và đưa ống nội soi đường kính 10mm - 15mm vào tiếp cận sỏi, phá vỡ sỏi bằng laser hoặc khí nén hoặc siêu âm phá vỡ sỏi và lấy sỏi ra ngoài), hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi (dùng ống nội soi đưa qua đường tiết niệu, tán sỏi và hút hoặc gắp sỏi ra ngoài).

Mổ nội soi thì ít xâm lấn hơn so với mổ hở, ít chảy máu, thời gian phục hồi nhanh hơn, chi phí cũng cao hơn.

Thế nhưng để mổ nội soi thì bệnh nhân cũng phải thỏa 1 số điều kiện cho phép, bao gồm tình trạng bệnh nền, kỹ thuật và phương tiện của cơ sở y tế. Nếu gia đình cảm thấy không an tâm khi mổ hở cho bệnh nhân, muốn tìm hiểu phương pháp mổ khác thì có thể tham khảo thêm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại thận tiết niệu khác.


- Phương Bảo - baophuong…@gmail.com

Chào BS,

Em đi khám bệnh, BS nội soi và chẩn đoán em bị viêm xung huyết hang vị, cho em uống thuốc 2 tuần.

Thấy không bớt, em đi tái khám lại, BS cho em uống theo toa cũ 2 tuần nữa nhưng sau đó em bị mệt, tim đập nhanh.

BS cho em hỏi có phải là em bị tác dụng phụ của thuốc hay không? Có khi nào em bị nhiễm vi khuẩn HP không? Em uống thuốc được 3 ngày vậy có đi thử test hơi thở được không? Xin BS cho em biết bị bệnh gì? Cảm ơn BS!

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tác dụng phụ của thuốc có thể xuất hiện sớm ngay sau uống thuốc, cũng có thể xuất hiện muộn, tùy thuộc vào cơ địa, vào loại thuốc, liều thuốc, cách uống...

Tôi không rõ em đang điều trị thuốc gì, liều lượng ra sao, cho nên triệu chứng mệt tim đập nhanh của em có thể là do tác dụng phụ của thuốc, cũng có thể do ảnh hưởng của bệnh lý dạ dày, cũng có thể do nguyên nhân khác (như rối loạn thần kinh tim, chất kích thích như cafe...).

Để làm xét nghiệm kiểm tra Hp qua nội soi hay test hơi thở thì em phải ngưng các thuốc điều trị dạ dày ít nhất 1 tháng thì kết quả mới chính xác.

Để định bệnh cho em thì BS cần phải thăm khám trực tiếp và xem các xét nghiệm, các thuốc em đã dùng.

Hiện tại triệu chứng của em không cải thiện, cảm thấy mệt hơn thì em nên tái khám lại BS chuyên khoa tiêu hóa, kiểm tra thêm vấn đề tim mạch để được kiểm tra và điều chỉnh thuốc phù hợp.

Ngoài ra, em cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.


- Đăng Khoa - Phú Yên

BS ơi, cháu bị mọc mụn ở dái tai và cháu có bóp và nặn thì có bị gì không BS?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Khoa thân mến,

Nếu sau nặn mụn mà chỗ nặn khô mài, giảm sưng đỏ, không rỉ dịch mủ, không đau thì là bình thường, không nguy hiểm, em tắm rửa vệ sinh tai hàng ngày, lau khô tai sau khi tắm thì chỗ mụn đã nặn sẽ lành dần.

Ngược lại, nếu hiện giờ chỗ nặn mụn sưng đỏ đau nhiều hơn, tụ mủ mới, có xu hướng to ra nữa thì cần khám chuyên khoa da liễu để xử trí thuốc thích hợp để tránh viêm nhiễm lan rộng.


- Bạn đọc Tuyền - tuyenxinh…@gmail.com

Con chào BS,

Mẹ năm nay 44 tuổi, hai bữa nay mẹ ăn uống đầy đủ nhưng vẫn bị đau bao tử thì không biết có triệu chứng gì không ạ?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tuyền thân mến,

Thứ nhất, người dân cứ thấy đau ở vị trí của dạ dày thì cứ nghĩ là đau dạ dày, nhưng sự thật thì có thể là đau do nguyên nhân khác không phải dạ dày, mặc dù nguyên nhân do viêm dạ dày vẫn là thường gặp nhất.

Thứ hai, đau do viêm dạ dày không phải do ăn không đầy đủ mà ra, mà có thể do nhiều nguyên nhân như thuốc (thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc điều trị đau khớp...), nhiễm Hp, hội chứng khó tiêu chức năng...

Do vậy, tốt hơn hết là mẹ em nên đến BV để kiểm tra, đăng ký khám chuyên khoa Tiêu hóa để BS chẩn đoán xác định bệnh (qua thăm khám, xét nghiệm) và kê thuốc thích hợp.

Song song đó mẹ em cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ.


- Đỗ Thị Hồng - dohong…@gmail.com

BS ơi cho cháu hỏi,

Kết quả xét nghiệm máu của cháu như thế này thì cháu đang bị thiếu máu nặng hay nhẹ ạ? WBC9.4, RBC3.62, HGB122, HCT0.315, MCV87, MCH33.7, MCHC388, RDW15.2

Cháu cảm ơn BS!

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hồng,

Tất cả trị số xét nghiệm mà em cung cấp đều là từ kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser.

Ngưỡng giá trị bình thường ở các phòng xét nghiệm có thể khác nhau, tuy nhiên, để chẩn đoán thiếu máu thì vẫn phải theo quy ước của Tổ chức y tế thế giới, và theo đó thì em không có thiếu máu, em nhé.


- Mai Thanh Thuy - namlundi…@gmail.com

Chào BS,

Người thân em bị nang tuyến giáp. Đi khám BS có nói là nang lành tính và chỉ định phẫu thuật.

Cho em hỏi là mổ nội soi hay mổ thường thì tốt ạ? Chi phí mổ là bao nhiêu? Em cảm ơn BS nhiều!

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Đối với nang tuyến giáp lành tính thì nếu phẫu thuật nội soi được thì nên chọn phương pháp này, hơn là mổ hở. Bởi vì phẫu thuật nội soi để lại sẹo đẹp, ít chảy máu, thời gian nằm viện ngắn.

Chi phí mổ thì tùy thuộc vào dịch vụ hay BHYT, giá thành ở từng BV sẽ khác nhau... do đó, em nên liên hệ với cơ sở y tế nơi em muốn mổ nội soi để được tư vấn cụ thể về giá cả nhé.


- Nguyễn Xuân - nguyenxuan…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 22 tuổi. Em bị tim bẩm sinh và đã phẫu thuật. Và giờ em bị run tay do tim bẩm sinh.

BS có cách nào khắc phục không ạ? Thanks BS. Mong nhận được mail của BS.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Xuân,

“Run tay do tim bẩm sinh” là em tự chẩn đoán hay là do BS chẩn đoán cho em? Bởi vì tôi không rõ em bị tim bẩm sinh loại gì, phẫu thuật như thế nào, đang dùng thuốc gì, kiểu run tay ra sao... nên chưa thể khẳng định em có phải bị “run tay do tim bẩm sinh” hay không.

Nếu đây là do em tự chẩn đoán thì em nên tái khám lại BS chuyên khoa Tim mạch đã phẫu thuật cho em, hoặc em cũng có thể khám chuyên khoa Nội thần kinh (khi đi cũng phải đem theo đầy đủ giấy tờ về bệnh tim của em), để BS chẩn đoán xác định, từ đó mới có phương pháp điều trị thích hợp.


- Ngọc Oanh - nguyenngoc…@gmail.com

Em năm nay 36 tuổi, lập gia đình 2 năm chưa có con, em siêu âm vú trái có sang thương nhóm III, BS chỉ định làm xét nghiệm FNA.

BS cho em hỏi bệnh em có nặng lắm không, điều trị như thế nào?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Ngọc Oanh thân mến,

Bất thường của vú trên nhũ ảnh chia thành 5 nhóm (phân loại BI-RADS). Nhóm I: bình thường, II: có tổn thương lành tính, III: có tổn thương có thể lành tính, IV: có tổn thương nghi ngờ ác tính, V: có tổn thương ác tính.

Như vậy, sang thương vú trái nhóm III có nghĩa là 50/50, có thể là lành nhưng cũng có thể không lành, do đó chỉ định FNA (chọc hút bằng kim nhỏ) là phù hợp.

Tiếp theo cần dựa vào kết quả của xét nghiệm FNA ra sao mà BS sẽ tư vấn hướng điều trị cho em.


- Thu Hien Nguyen - tthien…@yahoo.com

BS cho con hỏi,

Sáng nay khi ngủ dậy con cảm thấy cuống họng như dài ra vậy, cảm giác nó mềm mềm, khó nuốt nước miếng, buồn nôn khó chịu. Đó là triệu chứng gì vậy ạ?

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng sáng dậy thấy khó nuốt nước bọt, cảm giác buồn nôn khó chịu có thể do viêm họng cấp, trào ngược dạ dày thực quản, thai hành (nếu có quan hệ tình dục)...

Nếu triệu chứng này thoáng qua, nghĩa là sau đó em ăn uống bình thường không khó chịu gì cả, trong ngày cũng không còn nuốt nước bọt đau thì không nguy hiểm, có thể theo dõi tiếp tại nhà, nhưng chú ý uống ít nước trước khi ngủ để tránh mất nước (uống nhiều quá thì sẽ dậy nửa đêm đi tiểu).

Không để quạt thổi vào đầu mặt, tránh để nhiệt độ phòng quá lạnh, giữ ấm hầu họng, có thể ngủ đầu hơi cao 1 chút, trong ngày nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh hoa quả, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.

Nếu triệu chứng tiếp tục kéo dài trong ngày thì em cần đến BV để kiểm tra, có thể khám chuyên khoa Tai mũi họng, chuyên khoa Nội tổng quát hay chuyên khoa Tiêu hóa đều được.


- Vu Thi Thuy - Bình Thạnh

Chào BS,

Mẹ tôi năm nay 56 tuổi. Cách đây 3 tuần mẹ tôi sụt cân đột ngột. Đi khám BS cho thuốc và hẹn 1 tháng quay trở lại. Nhưng mỗi ngày tôi đo lượng đường trong máu của mẹ tôi rất cao, từ 255-355.

Vậy giờ tôi phải giúp mẹ tôi như thế nào? Cám ơn BS!

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Mặc dù bạn không nói chẩn đoán của BS, nhưng dựa vào dữ kiện mà bạn cung cấp, bao gồm người bệnh sụt cân đột ngột + xét nghiệm đường máu cao 255-355 mg/dl, như vậy nhiều khả năng mẹ bạn bị đái tháo đường.

Bệnh nhân mới được chẩn đoán và điều trị thuốc 1 tháng, do đó cần uống thuốc theo toa của BS.

Việc ghi nhận đường huyết mỗi ngày là tốt nhưng khoan vội tự điều chỉnh đường cho bệnh nhân tại nhà bằng việc tự phối hợp thêm thuốc này, cây cỏ nọ... vì điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại hơn có lợi (như tương tác thuốc, tụt đường huyết...).

Đến ngày tái khám bệnh thì bạn đưa cho BS sổ theo dõi đường huyết mỗi ngày để BS điều chỉnh thuốc cho phù hợp, hoặc tái khám sớm hơn dự kiến.

Ngoài ra, về chế độ ăn uống: Người bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tuy nhiên, cần hạn chế những thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn chiên rán, đồ ngọt, không ăn mặn, hạn chế rượu bia...

Các chuyên gia khuyến nghị người bệnh tiểu đường nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và giàu chất xơ như rau xanh, các loại họ đậu… Ăn các loại thịt nạc như thịt bò vì giàu CLA có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hoá lượng đường trong máu. Đồng thời, bổ sung cá biển giàu acid béo có lợi giúp giảm cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.

Khi chăm sóc bệnh nhân tiểu đường, người thân cũng cần chú ý cách chế biến, càng đơn giản càng tốt như luộc, hấp,… Hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào và các đồ chế biến sẵn, đóng hộp.

Chế độ luyện tập phù hợp: Người bệnh nên dành ra 30 - 45 phút mỗi ngày để luyện tập như đi bộ hoặc chơi các môn thể theo phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi. Duy trì cân nặng lý tưởng tránh béo phì, thừa cân. Tránh khói thuốc lá.


- Lê Thị Thảo - Bến Tre

Kính thưa BS,

Cách đây 2 tuần, cháu có đi xét nghiệm máu, BS kết luận cháu bị thiếu máu dạng nhẹ.

Các chỉ số là là: HGB 119; RBC 5.41; HCT 35.8; MCV 66.2; MCH 21.9; MCHC 332; RDW-CV 15.2; RDW-SD 37.9; PLT 306; MPV 8.5; PDW 16.3; PCT 0.260.

Thưa BS, vậy cháu có bị hồng cầu nhỏ không? Nếu chồng cháu cũng bị hồng cầu nhỏ thì sinh con có bị ảnh hưởng gì không ạ? Nhờ BS tư vấn giúp cháu! Cháu cảm ơn BS!

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thảo thân mến,

Tất cả trị số xét nghiệm mà em cung cấp đều là từ kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser.

Và kết quả này cho thấy em bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc mức độ nhẹ. nguyên nhân gây hồng cầu nhỏ nhược sắc bao gồm thiếu sắt (do ăn uống kém, do rối loạn hấp thu, do mất máu rỉ rả do rối loạn kinh nguyệt ở nữ hay xuất huyết tiêu hóa, nhiễm giun sán...), Bệnh máu di truyền (HbH, thalasemia), do viêm nhiễm mạn tính...

Bệnh lý hồng cầu nhỏ nhược sắc do di truyền (HbH, thalasemia) thì mới có thể di truyền cho con cái, nguy cơ này gia tăng khi người chồng cũng có bệnh lý di truyền này. Còn nếu em bị thiếu máu do thiếu sắt thì bù sắt sẽ hết.

Với mức độ thiếu máu nhẹ như hiện nay, trước mắt em nên uống thuốc theo toa của BS, đồng thời cải thiện lại chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, đb là các món nhiều sắt như thịt bò, sò huyết, cá hồi... không uống bia rượu, tẩy giun.

2 tháng sau kiểm tra công thức máu, nếu còn chưa ổn định hay sợ bị bệnh lý di truyền nói trên thì làm thêm xét nghiệm chuyên sâu (như điện di hemoglobin) tại các cơ sở y tế chuyên khoa huyết học, em nhé.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X