Hotline 24/7
08983-08983

Sẵn sàng chuyển giao công nghệ trồng nấm quý

Trường Đại học Khoa học Huế vừa giới thiệu công nghệ nuôi trồng 24 loài nấm dược liệu quý hiếm phục vụ cho sản xuất thuốc.

Đây là kết quả nghiên cứu của PGS. TS Ngô Anh và các đồng nghiệp tại Khoa sinh - Trường Đại học Khoa học Huế. Đặc biệt, công trình này đã nuôi trồng thành công 6 loại nấm lục bảo Linh chi (6 loại nấm quý hiếm thuộc họ nấm Linh chi) đầu tiên trong cả nước.

33 năm nghiên cứu

Bắt tay vào nghiên cứu nấm từ năm 1978 đến nay, PGS. TS Ngô Anh đã không tiếc thời gian, công sức, lặn lội hàng tháng trời tới những vùng núi hoang vu, hiểm trở để tìm kiếm mẫu nấm mới mang về nghiên cứu. Sau khi tìm được mẫu nấm mới, phải mất từ 2- 3 năm để thuần chủng thì mới có thể đưa ra nuôi trồng và nhân giống.

PGS. TS Ngô Anh trồng thử nghiệm lục bảo Linh chi tại nhà riêng
 
PGS.TS Ngô Anh cho biết, trong số 24 loài nấm được nghiên cứu thành công, thì có Lục bảo linh chi (6 loại nấm quý hiếm thuộc họ nấm linh chi) gồm: Cổ linh chi (Ganoderma australe); Hoàng Chi - linh chi vàng (Ganoderma  colossum); Tử chi - linh chi tím (Ganoderma fulvellum); Xích chi – linh chi đỏ (Ganoderma lucidum); Thanh chi – linh chi xanh (Ganoderma philippii); Hắc chi - linh chi đen (Ganoderma subresinosum), số còn lại là các loài linh chi đa niên (lâu năm).
 
Trong Lục bảo linh chi thì có 3 loài đặc biệt quý hiếm có tác dụng chữa bệnh cao, là Thanh chi, Cổ linh chi, Hoàng chi. Thanh chi có tác dụng giúp bổ mắt, an thần, tăng trí nhớ; Hoàng chi điều hòa sự nhiễm độc của tế bào, chống các tế bào ung thư Hela, chống viêm nhiễm; Cổ Linh chi có tác dụng chống khối u, tăng khả năng miễn dịch, ngăn cản sự phát triển của virus…

Sau một thời gian dài nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm tại nhà riêng và một số vùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, các loại nấm dược liệu quý hiếm trên đã cho kết quả rất tốt, khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, phù hợp với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, như nắng nóng, lụt lội… Nấm trồng có hàm lượng dược chất cao. 

Sẽ chuyển giao công nghệ

Theo PGS. TS Ngô Anh, với điều kiện khí hậu ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, người dân hoàn toàn có thể nuôi trồng thành công 24 loài nấm quý hiếm trên. Với việc nguyên liệu dùng để sản xuất chủ yếu là mùn cưa nên rất dễ kiếm với 1kg mùn cưa sẽ cho khoảng 40 - 50g nấm khô.
 
Ngoài ra vấn đề nhà xưởng hay nguyên vật liệu khác tùy thuộc vào người sản xuất muốn đầu tư với quy mô vừa hay nhỏ mà nguồn vốn họ có được.
 
Nấm Tử chi
 
Nấm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế lớn, vì có nhiều hoạt chất có tính dược lý cao dùng để điều trị nhiều bệnh được cho là nan y.
 
Và hiện nay ở Việt Nam và một số nước mới chỉ có nấm thương phẩm Xích chi bán với giá 300- 350 nghìn đồng/kg, còn các loại nấm khác do chưa có nấm thương phẩm trên thị trường nên khi sản xuất ra, sẽ có giá bán rất cao.
 
Tại Thừa Thiên - Huế, đã công bố 465 loài nấm lớn, trong đó nấm dược liệu được xác định là hơn 80 loài và hiện nay đã nuôi trồng thành công 30 loài tại Huế. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là người dân chưa được biết nhiều đến công dụng cũng như kỹ thuật nuôi trồng nấm dược liệu quý.
 
PGS. TS Ngô Anh cho biết, khi các công ty dược có nhu cầu và mục đích rõ ràng,  ông sẵn sàng chuyển giao lại công nghệ nuôi trồng nấm dược liệu.

Công trình nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng thành công 24 loài nấm dược liệu quý hiếm đã giành giải thưởng sáng tạo khoa học-công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2007, giải thưởng Cố Đô về khoa học và công nghệ, Bằng Lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam trao tặng.

Theo Bá Khánh - Báo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X