Hotline 24/7
08983-08983

Sán lá gan, "sứ giả" của lạc hậu vẫn hoành hành

Mới đấy, BV tỉnh Đồng Nai vừa lấy ra hơn 800 con sán lá gan (SLG) trong đường mật của một người bệnh.


Ngày 16/4/2018, anh T.N.T, 36 tuổi, quê ở Hải Dương, tạm trú ở Đồng Nai, nhập BV tỉnh Đồng Nai do đau vùng hạ sườn phải, sốt, vàng da...

Qua siêu âm, chụp CT Scanner và xét nghiệm máu, BS chẩn đoán viêm tắc ống mật, chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp... Thấy ống mật chủ (đổ dịch mật do gan tiết ra hay ở túi mật vào tá tràng) giãn rất lớn và khi mở ra, các BS không khỏi kinh ngạc vì trong lòng ống đầy cứng SLG.

Mở đường mật trong gan đến những đoạn đủ rộng tình trạng cũng như vậy và đây chính là “thủ phạm” gây tắc mật (mật không xuống được tá tràng) và xuất hiện tình trạng đau, sốt, vàng da... Các BS đã hút, gắp khoảng trên 800 con SLG trong đường mật, nhiều con dài 2 - 3 cm, rộng 1 cm, phải sống trong đường mật khoảng 10 năm sán mới có kích cỡ này.

Vì bệnh SLG là bệnh do ký sinh trùng nên khoa Ngoại tổng quát phải yêu cầu khoa Truyền nhiễm dùng thuốc đặc trị SLG cho bệnh nhân. Ngày 25/4, BV Đồng Nai thông báo, sức khỏe anh T đã ổn định, hết sốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Anh T cho biết, anh khoái khẩu món gỏi cá với rau sống từ lâu; thường đau bụng, ngứa từ vùng bụng xuống chân, rất khó chịu khi ăn ớt, riềng hoặc uống rượu, bia; mỗi khi đau, thường tự uống thuốc chữa đau dạ dày nhưng không tác dụng.

Sán lá gan - ký sinh trùng đáng sợ!

Ký sinh trùng là sinh vật chiếm sinh chất của sinh vật sống khác để tồn tại và phát triển, sống bám hoàn toàn hoặc một phần vào loài khác.

Ký sinh trùng SLG có SLG lớn gồm Fasciola hepatica và F. Gigantica gây bệnh (ký chủ cuối cùng trong tự nhiên) cho người, cừu, gia súc và các động vật ăn thịt khác, cư trú (gây tổn thương) ở gan (đôi khi trong cơ, dưới da), nguồn nhiễm là rau thủy sinh; SLG nhỏ gồm 3 loài Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini, Opisthorchis felineus, gây bệnh cho người, chó, mèo và các động vật ăn thịt, cá khác, gây tổn thương ở gan, nguồn nhiễm là cá. SLG lớn dài 2 - 3cm, rộng 1 - 1,5cm; SLG nhỏ dài khoảng 1 - 2cm, rông 2 - 4mm, có hai miệng hút.

Theo WHO có khoảng 3 triệu người ở Thái Lan, Lào, Campuchia, nam Việt Nam nhiễm SLG nhỏ Opisthorchis viverrini; trên 19 triệu người ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, bắc Việt Nam nhiễm Clonorchis sinensis.

Ở Việt Nam, C. sinensis đã xác định có ở 21 tỉnh, TP: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông; tỉ lệ nhiễm cao nhất 15 - 37% (Ninh Bình, Nam Định, Phú Yên, Bình Định).

Loài Fasciola hepatica có ở cả 4 châu: Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina, Bôlivia, Ecuado, Pêru, Ai Cập, Etiopia, Hàn Quốc, Papua-Niu-Ghinê, Iran, Nhật Bản. Loài Fasciola gigantica phân bố chủ yếu ở Châu Á: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn quốc, Philippines và Việt Nam.

Ở Việt Nam, cho đến nay bệnh SLG lớn có ở 47 tỉnh, TP; nhiễm cao nhất là Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai và TP. Đà Nẵng. Năm 2005, WHO ước tính ở 17 nước (được lựa chọn) thấy có hơn 56 triệu người nhiễm SLG: 7,9 triệu người bị di chứng nặng và hơn 7.000 người chết. Ở Việt Nam, năm 2011 có hơn 128.000 người phải điều trị nhiễm SLG nhỏ; năm 2013 khoảng 108.000 người...

Ở người, sán trưởng thành đẻ trứng, theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trong nước, trứng nở ra ấu trùng lông, ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi, rời khỏi ốc và bám vào rau dưới nước, tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước...

Khi vào dạ dày, ấu trùng xuống tá tràng, tự tách vỏ, xuyên qua thành tá tràng vào khoang màng bụng đến gan, xuyên thủng bao gan, vào nhu mô gan gây tổn thương. Nó có thể “đi” lạc chỗ gây tổn thương ở thành ruột, dạ dày, tụy, thận, cơ thẳng bụng, phổi, buồng trứng, khớp, mạch máu, tinh hoàn hoặc bao khớp, vú... (ký sinh lạc chỗ).

Cư trú ở nhu mô gan 2 - 3 tháng, sán vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng. Sán trưởng thành có thể ký sinh trong đường mật đến 13 năm nếu không được điều trị, gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hoá đường mật thứ phát (có thể ung thư hóa); viêm tụy cấp; gây bội nhiễm vi khuẩn.

Biểu hiện lâm sàng

Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút; sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc thoáng qua rồi tự hết hoặc kéo dài. Thiếu máu: Da xanh, niêm mạc nhợt nếu nhiễm kéo dài, đặc biệt ở trẻ em. Đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da; ho, khó thở hoặc có ban dị ứng, mẩn ngứa ngoài da.

Thường gặp nhất là đau bụng vùng hạ sườn phải lan ra sau lưng hoặc lên vùng thượng vị, có thể âm ỉ, đôi khi dữ dội, có khi không đau. Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn. Những ca nặng (nhiều sán) thường tắc mật, viêm đường mật, vàng da, vàng mắt (do chất Bilirubin màu vàng trong dịch mật ứ lại trong gan, đường mật ngấm vào máu), viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá...

Có thể tự sờ thấy gan to, bờ gan dưới bờ sườn phải, gan mềm; đau khi ấn khe liên sườn. Có thể tràn dịch ổ bụng, viêm ổ bụng do dịch mật (cực kỳ nguy hiểm) hoặc tràn dịch màng phổi (phải BS khám)... Trong gan, các ổ sán thường bị nhầm là ung thư... Anh L.S, ở Thanh Hóa, bị cắt gan oan vì BS nhầm! Do đau hạ sườn trái, lan sang thượng vị nên được chẩn đoán đau thần kinh liên sườn.

Tuy nhiên, siêu âm phát hiện “khối u” gan trái, BV huyện không rõ u hay áp - xe gan. Được chuyển đến BV ung bướu, BS chẩn đoán u gan trái nhưng không làm xét nghiệm Elisa đặc hiệu để loại trừ SLG lớn (không có phản ứng chéo với SLG nhỏ, ung thư gan, viêm gan) đã quyết định cắt 1/4 gan trái...

Năm ngày sau phẫu thuật, anh được thông báo ‘khối u’ gan chính là ổ tổn thương do SLG. Hồi cứu bệnh án thấy ghi: Có tổn thương gan 3,1cmx4,8cm, có hạch rốn gan, đầu tụy đường kính 0,5cm. Có lẽ do “con mắt chuyên khoa” trong nghề Y nên anh “được” cắt thùy gan trái mở rộng, cắt túi mật và nạo vét hạch cuống gan để “ngăn chặn” ung thư lan tỏa!... Khi được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, uống thuốc diệt SLG, sức khỏe của anh tốt hẳn lên...

Bé L.T. H, 11 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội cũng bị một BV chẩn đoán ung thư gan và đã cắt bỏ phần thùy gan “ung thư”. Sau mổ, cháu sưng phù khớp gối trái, gia đình đưa tới một BV khác... Ở đây, một con sán xuyên thủng da, chui ra ngoài từ ổ khớp, mới xác định được cháu mắc bệnh SLG lớn nên chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ. Lúc này bệnh tình cháu đã rất nguy kịch do phát hiện bệnh quá muộn, nhưng may mà đúng thầy, đúng thuốc nên cháu khỏe mạnh trở lại!

Bệnh nhân N.Đ.T, ở Nghệ An, sốt, trướng và đau bụng, BV tỉnh điều trị không kết quả; chuyển tuyến TƯ, chụp CT, cộng hưởng từ, xác định ung thư gan “đã” lan tràn kín gan (đa ổ), BV trả về. Gia đình chuẩn bị hậu sự thì một cô giáo đến chơi kể chuyện người nhà “bị” chẩn đoán ung thư gan, nhưng xét nghiệm lại là bệnh ký sinh trùng.

Gia đình thuê xe cấp cứu đưa ra Hà Nội, được GS.TS Nguyễn Văn Đề, ĐH Y Hà Nội khám khi đã hấp hối, gầy đét, bụng trướng to, lơ mơ, mất tri giác... Siêu âm thấy các “khối u” giống hình ảnh ổ sán, xét nghiệm máu dương tính cao với SLG lớn... Sau ba đợt điều trị, các “khối u” biến mất, người tăng hơn 10kg, khỏe mạnh trở lại...

Bà K, 52 tuổi, ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, như đã chết vì bị chẩn đoán u gan 12cm, giai đoạn cuối. Sau hơn một năm uống thuốc nam “cầm cự” và đã tính chuyện hậu sự thì tình cờ một cán bộ xã khuyên nên đi xét nghiệm lại, bởi chính anh này trước đây cũng bị chẩn đoán nhầm SLG thành ung thư...

Bà như sống lại khi Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ cho biết, khối u 12 cm chính là tổ SLG... Chị Trần Thị T, ở Hải Phòng bị chẩn đoán u gan, có chỉ định phẫu thuật; bà H, 62 tuổi, ở Đồng Hới, Quảng Bình bị chẩn đoán ung thư mật đã di căn gan... và xét nghiệm lại đã cứu họ!

Đó là chưa kể vô số ca ap - xe (ổ mủ) gan, và đường mật do SLG . Nhiều nhất là số vàng da, sút cân trầm trọng, đau bụng kinh niên mà loay hoay nhiều năm không tìm ra bệnh. Hiếm hoi là một ông 42 tuổi, ở Hà Nội bị “u” của quý, mãi sau mới phát hiện ra thủ phạm là Clonorsis sinensis...

Đến bao giờ SLG - “sứ giả” của đói nghèo, lạc hậu mới biến mất, dù nó được biết đến từ TK XVIII?

Theo BS Trần Kiên - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X