Hotline 24/7
08983-08983

Sân bay lại bị chiếu laser: Phi công nghi do cố ý

Theo phản ánh của các phi công hàng loạt sự việc chiếu tia laser vào buồng lái máy bay, không thể do ngẫu nhiên hay vô tình.

Khó xác định hành vi cố ý hay vô tình

Trong khi các cơ quan chức năng chưa kết luận, tình trạng chiếu tia laser vào máy bay khi hạ cánh vẫn tiếp diễn mà có vụ dường như là chủ ý vì tia laser chiếu thẳng vào buồng lái.

Ngày 16/7, máy bay VN-A325 thực hiện chuyến bay VN1715 Hà Nội - Vinh trong lúc hạ cánh tại đường băng 17, sân bay Vinh đã bị ánh sáng laser màu xanh chiếu vào buồng lái bên phải (từ phía Tây) khoảng từ 5-10 giây.

Vụ việc tiếp theo xảy ra ngày 17/7 đối với máy bay VN-A887 thực hiện chuyến bay VN415 từ Hàn Quốc về Hà Nội, máy bay bị chiếu tia laser trong lúc bay vòng vào đường trục để tiếp cận hạ cánh xuống đường băng 11R, sân bay quốc tế Nội Bài.

Nguy hiểm là ánh sáng laser màu xanh chiếu trực tiếp vào buồng lái từ phía bên trái tác động trực tiếp vào cơ trưởng trong khoảng 10 giây. Chưa dừng lại, khoảng 15 giây sau laser lại tiếp tục xuất hiện.

Bên cạnh đó, vừa qua, theo nhận định của các hãng hàng không được tổng kết trên cơ sở báo cáo của phi công gửi về, việc chiếu đèn laze vào buồng lái dường như có chủ ý.

Vì nhiều vụ việc xảy ra mà ánh sáng tia laze đều chiếu thẳng vào buồng lái, nên không thể là ngẫu nhiên. Hơn nữa, nhiều vụ việc xảy ra khi máy bay đã giảm độ cao, đang vào đối chuẩn đường băng, rất nguy hiểm nên không loại trừ khả năng có hành động phá hoại.

San bay lai bi chieu laser: Phi cong nghi do co y Hành vi chiếu tia laser vào máy bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng

Trước thông tin trên, ngày 25/7, trao đổi với Đất Việt, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, Chánh văn phòng Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cho biết: "Những ý kiến của phi công cũng chỉ là phán đoán, chưa có xác minh cụ thể, nên để chính thức thì phải có thông báo từ phía công an.

Thế nhưng, cho đến nay, thông tin chính thức chúng tôi có và báo cáo với Ủy ban an ninh hàng không, Bộ GTVT, thì đây chỉ là những hành động vô thức của cá nhân, tổ chức nào đó làm tổ chức sự kiện, chứ chưa quy kết vào hành động cố ý phá hoại.

Với những thông tin phi công có nghi ngờ, thì chúng tôi cũng sẽ để ý và phân tích thêm để tìm hiểu về các sự việc".

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hiện nay, Cục hàng không và Công an TP Hà Nội đang nghiên cứu một số biện pháp, sử dụng yếu tố chuyên ngành để xử lý hiện tượng trên.

Cụ thể, thứ nhất, chắc chắn đây là hàng lậu, vận chuyển bằng đường nào đó, bán trong đất nước chúng ta với giá rất rẻ thì người dân mới có để sử dụng tràn lan. Cho nên yêu cầu lực lượng hải quan phải siết chặt việc nhập khẩu các mặt hàng trên, hạn chế bớt những hàng trôi nổi.

Thứ hai, khi một phi công hạ cánh mà phát hiện ánh sáng đèn công suất lớn, hay laser chiếu lên tàu bay, phải báo ngay cho cơ quan kiểm soát không lưu, sau đó, cơ quan này báo ngay cho Cảng vụ địa phương, rồi liên hệ với chính quyền, công an địa phương lập tức ra ngay chỗ phản ánh thì mới bắt quả tang được.

Hệ thống của chúng ta hiện nay, theo quy trình phi công xuống tàu bay làm báo cáo sự việc, rồi đến ngày hôm sau công an, chính quyền địa phương mới đi kiểm tra tại địa bàn xảy ra, lúc đó chắc chắn không còn ai, đồng nghĩa không bắt được tận tay.

Thứ ba, ngành hàng không đã có đường dây nóng, thì cần thông báo cho công an biết, khi có liên hệ ngay, kiểm tra ngay hiện trường. Khi đó, mới có chứng cứ để xử phạt, mới biết cố tình phá hoại hay vô thức trêu chọc, còn bây giờ chưa xác định được.

Phi công có nhiều cách xử lý

Ở góc độ khác, theo ông Sơn, Cục vẫn thường xuyên phổ biến cho các hãng hàng không, từ đó họ phổ biến cho đội bay của mình về việc xử lý sự cố khi bị chiếu laser.

Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định: "Những kỹ thuật này, trong các bài huấn luyện các phi công đều biết, dù có bị chiếu thì vẫn hạ cánh an toàn, chưa có sự việc nào ảnh hưởng đến hoạt động một cách nghiêm trọng, bởi vì, các hướng dẫn này của ICAO, hay đào tạo phi công đều có.

Cụ thể, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng đã có khuyến cáo, phi công bị chiếu ánh sáng tia laze vào mắt cần nghiêng đầu tránh ngay luồng ánh sáng đó, tuyệt đối không được dụi mắt.

Nếu xét thấy mức độ ảnh hưởng lớn, phi công đang lái máy bay cần chuyển sang chế độ lái tự động hoặc chuyển quyền điều khiển cho phi công còn lại để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

ICAO cũng đánh giá gặp tình huống bị tia laze chiếu thẳng vào buồng lái, phi công có thể mất quyền kiểm soát máy bay".

Điều quan trọng hơn hết, theo ông Sơn, hiện nay, những hành vi phát hiện nằm trong khu vực lân cận Cảng hàng không sân bay, thì pháp luật về phía hàng không có thể xử lý.

Nhưng nghịch lý ở đây các hành vi này, đều nằm ngoài khu vực Cảng hàng không, mà trong hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể, nên đó là trách nhiệm của chính quyền, công an địa phương.

Về giải pháp để ngăn chặn những hành vi trên, ông Sơn chỉ rõ: "Các địa phương cần phải biết khi họ cấp phép cho các tổ chức chiếu ánh sáng lên trời thì phải rất cẩn thận, nên liên hệ với bên hàng không, xem chiếu ánh sáng đó lên trời có ảnh hưởng gì không thì mới cấp giấy phép.

Bên cạnh đó, những biện pháp tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả, người dân cần biết việc mình làm ảnh hưởng đến họat động của hàng không ra sao, nguy hại thế nào.

Hơn nữa, khi tàu bay đang hạ cánh, phi công tập trung điều khiển tàu bay, chỉ phán đoán ở khoảng nào, lúc huy động người đến nơi xảy ra sự việc, phải mất nhiều thời gian. Nên ngay từ khi cấp phép chính quyền địa phương cần xác định có cấp phép hay không.

Quan trọng nhất, thay vì đi xử lý hậu quả phía sau, thì chúng ta nên khuyến nghị các địa phương chủ động hơn trong việc cấp phép".

Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X