Hotline 24/7
08983-08983

Sâm Ngọc Linh: Công dụng và liều dùng

Sâm Ngọc Linh được xếp vào top 5 loại sâm có giá trị bậc nhất thế giới, trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Quý và tốt cho sức khỏe, vậy dùng sao mới đúng? Làm sao để thành người tiêu dùng thông thái biết chọn sâm Ngọc Linh thật - giả?

Công dụng của sâm Ngọc Linh


Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamnensis, thuộc chi Panax L., họ Nhân Sâm (Araliaceae), là loài thảo mộc sống cộng sinh giữa đại ngàn. Cây sâm dựa vào tán lá rừng để tránh cái nắng gay gắt, tận dụng môi trường trong lành của rừng để tích tụ dược chất quý hiếm và dựa vào thảm thực bì để bám rễ sinh tồn, phát triển. Loại sâm này còn có tên gọi khác là sâm K5, sâm Trúc.

Sâm Ngọc Linh được đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985 hai nhà khoa học TS Hà Thị Dụng và TS Grushvitsky xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam và thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Núi Ngọc Linh - nơi tìm thấy sâm Ngọc Linh


Cả nước ta chỉ có duy nhất 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam (nhưng chỉ có 5 huyện với 16 xã thuộc 2 tỉnh này) là có sâm Ngọc Linh.

Để đánh giá về giá trị và chất lượng của nhân sâm, các nhà khoa học thường dựa vào hàm lượng và thành phần Saponin chứa trong nó. Có nghĩa là, giá trị và chất lượng của một loại sâm sẽ tỷ lệ thuận với hàm lượng và thành phần Saponin mà nó có. Đối với sâm Ngọc Linh, hàm lượng Saponin được coi là cao nhất, cao hơn cả sâm Hàn Quốc và sâm Mỹ về cả hai chỉ tiêu trên. Hơn 50 luận án Tiến sĩ đã chứng minh điều đó.

Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, trong số 20 loài sâm đã được phát hiện trên thế giới, sâm Ngọc Linh hiện đang đứng đầu bởi có tới 52 hợp chất saponin có lợi cho sức khỏe được tìm thấy ở loại sâm này, thu suất toàn phần lên tới 10,8%. Trong khi đó, loại nhân sâm Triều Tiên nổi tiếng cũng chỉ có 26 hợp chất, thu suất saponin toàn phần là 3,5%; nhân sâm Trung Quốc 4,5% và nhân sâm Tây Dương của Mỹ là 4%.

Saponin là hợp chất có tác dụng làm giảm Cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch và kéo dài tuổi thọ cho con người. Nhiều đoàn nghiên cứu của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã đến đỉnh Ngọc Linh để nghiên cứu về loại sâm quý này.

Ngoài thành phần chính là Saponin, sâm Ngọc Linh còn có các hợp chất polyacetylen, axit béo như palnitic, stearic, oleic, linoleic, linolenic. Sâm cũng hội đủ 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, 20 nguyên tố vi lượng như sắt, kali, mangan… Các thành phần khác là gluxit, tinh dầu, thân rễ tươi chứa daucosterol.

Bên cạnh đó, tác dụng của Sâm Ngọc Linh được tập trung nghiên cứu sâu từ những năm 1978 trên cả thực nghiệm và lâm sàng. Kết quả cho thấy, ngoài những tác dụng tiêu biểu của họ Nhân sâm, sâm Ngọc Linh còn có thêm những tác dụng dược lý đặc hiệu riêng như giải lo âu, chống trầm cảm, chống ô xy hóa, kháng khuẩn và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, nâng cao huyết áp trong trường hợp huyết áp thấp, nâng cao thể trạng và tăng sức đề kháng do lao động quá tải và giúp phục hồi nhanh sau phẫu thuật dạ dày…

Hơn nữa, sâm Ngọc Linh còn có tác dụng làm dịu và giảm đau trong viêm họng, giúp bệnh nhân dễ thở và làm long đờm trong các bệnh lý phế quản và phổi, ngăn chặn sự tái phát của các cơn hen. Có tác dụng hiệp lực đối với các thuốc hạ đường huyết trong điều trị bệnh tiểu đường.

Làm sao phân biệt sâm ngọc linh thật - giả?


Cây sâm Ngọc Linh dựa vào tán lá rừng để tránh cái nắng gay gắt, tận dụng môi trường trong lành của rừng để tích tụ dược chất quý hiếm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một hội nghị trực tiếp toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam được tổ chức năm 2017.

Chính vì giá trị sức khỏe mà nó mang lại khiến nhu cầu về loại nhân sâm này không ngừng tăng, làm phát sinh nguy cơ sâm giả kém chất lượng. Vậy làm sao để phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả?

Sâm Ngọc Linh tự nhiên thật nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ.

Một cách phân biệt bằng trực quan đó là dựa vào màu của đất bám trên rễ sâm, độ dầy (độ bì) của vỏ rễ củ. Vỏ ngoài của củ sâm Ngọc Linh bao giờ cũng mỏng và nhẵn, không xù xì, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám, trong khi các loại sâm giả thường rất dày, sờ vào thấy bì bì, nhìn xa giống như màu da tê giác.

Hình ảnh sâm Ngọc Linh Việt Nam. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Vì mọc tự nhiên trên đỉnh núi Ngọc Linh nên sâm Ngọc Linh luôn có mùi nồng nồng của đất mùn trên núi đá. Còn các loại sâm giả mọc chủ yếu ở đất Feralit đỏ vàng hoặc nâu nên nếu người mua để ý, hoàn toàn có thể cạy được những loại đất này bám trên ngóc ngách của củ sâm.

Sâm Ngọc Linh thật “tiền khổ, hậu khổ, hậu khổ khổ” tức là khi nếm có vị đắng, về sau cũng đắng nhưng vị đắng của nó dịu và thanh. Có mùi thơm nồng đặc trưng của sâm, chỉ cần đưa lát sâm lên mũi ngửi là có thể nhận biết được mùi này.

Ngoài ra, người tiêu dùng thường nhầm sâm Ngọc Linh với củ Tam thất. Thông thường, các đốt Tam Thất nhìn rất nhặt, đều nhau, ít so le (cùng nằm trên một hàng của thân củ). Củ cái của Tam Thất thường nhỏ, đôi khi không có. Thân củ Tam Thất dẹp, thân củ Sâm Ngọc Linh tròn hơn. Màu của củ Tam Thất vàng pha trắng hoặc xanh có phớt vàng. Khi chưa rửa sạch, để gần mũi, Sâm Ngọc Linh có mùi thơm đặc trưng của sâm, còn Tam Thất thì không.

Nếu như Sâm Ngọc Linh có vị đắng, sau đó trả lại vị ngọt thanh và có mùi thơm đặt trưng của sâm, thì khi nhai củ Tam Thất có vị đắng, cứng, giòn, không có mùi thơm. Tam Thất khi cắt lát nhìn trắng phếu, đôi khi có pha chút màu tím trong lõi.

Bài thuốc từ sâm Ngọc Linh


Củ sâm Ngọc Linh quý hiếm 100 năm tuổi. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân Việt


Sâm Ngọc Linh thích hợp dùng cho người bị suy nhược cơ thể, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người bị thiếu máu, mới ốm dậy, nam giới cần tăng cường chức năng sinh dục, nữ giới muốn trẻ hóa… Có thể dùng trực tiếp sâm tươi hoặc phơi khô ngâm với mật ong, rượu...

- Dùng sâm tươi: bảo quản sâm ở ngăn mát tủ lạnh, mỗi ngày ăn mội lát sâm mỏng, có thể ngậm tan hoặc nhai cả lát sâm rồi sau đó uống với nước.

- Dùng sâm khô: cứ 1 kg sâm khô thì tương đương 5 kg sâm tươi nên liều dùng sẽ ít hơn 5 lần so với dùng sâm tươi. Sâm khô nghiền thành bột và pha nước sôi uống cả bã.

- Dùng sâm để ngâm rượu: rửa sạch sâm và rửa qua bằng rượu, để khô củ sâm và cho vào bình thủy tinh đổ rượu vào với nồng độ từ 40 - 50 độ rồi đậy nắp kín, ngâm trong thời gian khoảng 3 tháng bắt đầu dùng được. Với trọng lượng từ 100 gam sâm cho vào 2 - 3 lít rượu, mỗi ngày dùng từ 50 ml - 100 ml.

- Dùng sâm ngâm mật ong: rửa sạch sâm, để ráo, cắt thành lát mỏng cho vào bình thủy tinh đậy kín ngâm với mật ong nguyên chất. Sau 2-3 tháng là dùng được. Mỗi ngày dùng 1-2 lát sâm. Nhớ kiểm tra hũ sâm ngâm mật ong tránh để mốc.

Lưu ý: Loại sâm này không nên dùng cho phụ nữ mang thai vì nó làm tăng nội tiết tố sinh dục dễ gây co bóp thành tử cung, ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Sâm có tính mát nên những người đang bị đau bụng thể hàn như tiêu chảy, lạnh bụng… tránh sử dụng. Trẻ quá nhỏ cũng không nên dùng vì cơ thể còn yếu ớt khó có thể hấp thụ được lượng dưỡng chất dồi dào từ sâm. Trẻ thấp còi, suy nhược muốn sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tránh dùng sâm ngay trước khi ngủ vì sẽ khiến cơ thể tỉnh táo, bồn chồn, phấn khích khó đi vào giấc ngủ.

Đặc tính ưu việt của sâm Ngọc Linh so với các sâm khác là có thể sử dụng dài ngày bởi không có độc tính. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh cũng là một vị thuốc, do đó, khi sử dụng bạn nên được sự hỗ trợ, tư vấn cụ thể từ bác sĩ chuyên môn, để tránh hệ quả nghiêm trọng xảy ra do dùng không đúng cách.

A.P (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X