Hotline 24/7
08983-08983

Sai lệch khớp cắn: Vấn đề không chỉ là thẩm mỹ

Sai lệch khớp cắn không chỉ làm mất thẩm mỹ của khuôn mặt gây mất tự tin khi giao tiếp mà còn ảnh hưởng lớn tới chức năng ăn nhai của răng.

Các nguyên nhân sai lệch khớp cắn

Khớp cắn là sự tương quan giữa hai hàm và răng trên - dưới, bao gồm cả tỉ lệ cân xứng và diện tiếp xúc với nhau ở trạng thái nghỉ và khi ăn nhai của răng cũng như của xương hàm. Thông thường, hàm răng phải đạt tiêu chuẩn cân đối và đều đẹp giữa hai hàm mới được coi là khớp cắn chuẩn. Khi răng mọc không đúng thế, đúng chiều và phương bình thường, đặc biệt là ở nhóm răng trước đều dẫn đến hàm răng sai khớp cắn.

Sai khớp cắn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: di truyền (chiếm đến 70%), mất răng sữa sớm, các thói quen như tật mút tay, đẩy lưỡi, ngậm ti giả lâu… kéo dài sẽ có xu hướng đẩy răng mọc không đúng vị trí ban đầu dẫn đến hiện tượng sai khớp cắn.


Những loại sai khớp cắn thường gặp

Răng chen chúc:răng mọc thừa hoặc mọc chen chúc với nhau trên cung hàm xảy ra khi có quá nhiều răng trong khi không gian của xương hàm cũng như khoang miệng không đủ cho răng mọc.

Răng mọc lệch: điển hình là phần trung tâm của hai răng cửa hàm trên và hai răng cửa hàm dưới lệch vị trí nhau, không tạo thành một đường thẳng. Ngoài ra, các trường hợp khác như: răng mọc chếch ra, bị xoay lệch…

Răng thưa: có khoảng trống giữa các răng trên cung hàm, có thể do tỉ lệ của răng hoặc do mầm răng mọc cách xa nhau.

Răng hô vẩu: trường hợp răng hàm trên mọc chìa ra ngoài quá nhiều so với hàm dưới, có thể do răng hoặc do cả cấu trúc xương hàm.

Răng móm: trường hợp răng hàm dưới mọc bao ra phía người răng hàm trên, có thể do răng hoặc do cấu trúc xương hàm.

Răng khớp cắn hở: khi cắn thì phần hàm trong khít nhau nhưng các răng cửa hai hàm trên dưới không đóng lại được, hở ra một khoảng.

Sai lệch khớp cắn có thể gây ra các bệnh về răng miệng

Hậu quả của lệch lạc khớp cắn là có thể ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ của con người. Con người có thể thích nghi với sai lệch răng ở mức độ nào đó, tuy nhiên những người bị lệch lạc khớp cắn sẽ khó khăn khi ăn nhai, phát âm.

Tương tự, trong một số trường hợp, lệch lạc nặng sẽ gây ảnh hưởng rõ rệt đến phát âm như khớp cắn hở, phanh lưỡi bám thấp. Đặc biệt, lệch lạc răng còn làm cho hoạt động của các cơ hàm quá mức, gây co thắt cơ, dẫn đến tình trạng loạn năng khớp thái dương hàm với biểu hiện những cơn đau ở khớp hay xung quanh khớp thái dương hàm.

Răng lệch lạc rất dễ nhạy cảm với chấn thương, bệnh nha chu, sâu răng. Trong các trường hợp vẩu răng nếu không điều trị sẽ dễ bị chấn thương răng cửa trên do va đập làm gãy răng, chết tủy. Ngoài ra, răng mọc lệch lạc làm cho việc vệ sinh răng miệng khó khăn hơn, từ đó răng hay bị sâu và mắc các bệnh nha chu.

Giải pháp nào để có răng khỏe đẹp?

Những trường hợp sai khớp cắn nghiêm trọng rất nên điều trị chỉnh nha. Tùy thuộc vào từng dạng sai lệch mà bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị khác nhau, có thể bao gồm: niềng răng chỉnh nha, phẫu thuật chỉnh hàm hô móm: trong trường hợp sai khớp cắn do cấu trúc xương hàm thì việc điều chỉnh cần can thiệp từ phẫu thuật hoặc có thể niềng răng kết hợp phẫu thuật chỉnh hàm.

Thời điểm chỉnh nha tốt nhất do nha sĩ sẽ quyết định thời điểm tốt nhất để điều trị chỉnh hình răng hàm mặt. Theo các khuyến cáo nên sử dụng các biện pháp can thiệp từ sớm, thường cho trẻ được khám chỉnh nha tổng thể với bác sĩ chỉnh nha trước 7 tuổi vì từ khi trẻ bắt đầu thay răng, tùy thuộc vào tình trạng răng sữa sắp thay, hình dáng cung hàm, các thói quen xấu mà trẻ mắc phải..., bác sĩ sẽ đánh giá tình hình bệnh và quyết định thời điểm điều trị. Một số trường hợp cần được giải quyết sớm, không chờ đến khi rụng hết răng sữa vì lúc đó, sự lệch lạc răng sẽ trầm trọng hơn.

Theo ThS.BS. Vũ Lê Hà - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X