Hotline 24/7
08983-08983

Sai lầm của cha mẹ khiến con có thể gặp nguy hiểm khi bị tiêu chảy

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ là bệnh có thể điều trị tại nhà, nhưng nếu mắc những sai lầm dưới đây, con bạn có thể phải nhập viện cấp cứu.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng là thời điểm trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhiều. Khi trẻ bị tiêu chảy cha mẹ cần tránh được những điều sau nếu không muốn tình trạng của con thêm nặng.

Tự ý cho trẻ dùng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy

Vì nôn nóng, muốn trẻ hết tiêu chảy ngay lập tức, nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy. Phần lớn tiêu chảy do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng. Dùng thuốc cầm, kháng sinh không đúng chỉ định có thể làm rối loạn thêm đường ruột, khiến bệnh khó lành.

Bên cạnh đó, việc cho trẻ uống thuốc chống nôn cũng rất nguy hiểm bởi có thể gây ức chế thần kinh, ngủ nhiều không nôn. Khi đó, cha mẹ nghĩ rằng con đã khỏi nhưng lại làm bệnh tăng nặng, khiến trẻ bị mất nước nhiều nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ bị mất nước nhiều nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Dailymail

Cho trẻ nhịn ăn để bớt tiêu chảy

Bản chất của tiêu chảy là do vi trùng, siêu vi tấn công và khiến ruột bị tổn thương. Trẻ nhịn ăn, không có đủ dinh dưỡng sẽ khiến quá trình phục hồi chậm, tiêu chảy nhiều hơn, gây suy dinh dưỡng… Trẻ cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tạm ngưng những thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ ăn quá ngọt…

Nên lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu như nấu cháo loãng với thịt nạc, ăn chuối và không được cắt khẩu phần các loại thực phẩm như tôm, cá, thịt, trứng, sữa của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ không ép trẻ ăn uống quá nhiều hay quá nhanh, nên chia làm nhiều bữa.

Bù nước sai cách

Bù nước là nguyên tắc quan trọng khi chữa bệnh tiêu chảy do cơ thể bị mất nước trầm trọng, nếu thiếu nước có thể dẫn tới tử vong.

Tuy nhiên, nếu cho con uống nhiều nước lọc sẽ khiến bụng chướng gây biếng ăn. Nước lọc lại không bù được điện giải nên dù uống nhiều nước, trẻ vẫn bị mất nước trầm trọng.

Bù nước đúng cách là dùng dung dịch oresol. Nhiều người lại pha sai tỷ lệ hướng dẫn, ít hơn quy định để trẻ dễ uống hơn. Điều này khiến cơ thể của bé nạp quá nhiều muối từ oresol làm tăng lượng muối trong máu, các tế bào trong cơ thể bị hút hết nước khiến da khô và thậm chí gây tổn thương não….

Dung dịch oresol cần phải chuẩn hoặc hoặc mua dạng ống pha sẵn. Dung dịch nước nên cho uống sau khi trẻ đi tiêu lỏng chứ không nên sử dụng cả ngày vì có thể khiến trẻ bị ngộ độc muối, nặng hơn tình trạng tiêu chảy. Cha mẹ tránh dùng những loại nước giải khát hoặc nước ép trái cây quá ngọt để bù nước bởi có thể khiến bệnh nặng hơn.

Để phòng bệnh tiêu chảy ngày nắng nóng, chuyên gia này khuyến cáo người dân cần thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, rửa sạch tay, vệ sinh môi trường và tăng cường sức đề kháng.

Phần lớn trẻ bị tiêu chảy chăm sóc ở nhà cũng có thể ổn định. Trường hợp trẻ sốt cao khó hạ, li bì, co giật, uống nước nhiều, khóc không có nước mắt... cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo Hà Quyên - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X