Hotline 24/7
08983-08983

Sa sút trí tuệ đang tràn đến Việt Nam

Tháng qua, giải Oscar hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Julianne Moore trong bộ phim Still Alice.

 Phim kể về câu chuyện một giáo sư đại học mắc bệnh Alzheimer’s, hình thức thường gặp nhất của chứng sa sút trí tuệ, khi bà chỉ mới 50 tuổi.

[141809]julianne_mooreJulianne Moore (phải) và Kristen Stewart trong một bi kịch gia đình mà người mẹ là Moore phải chống chọi với một căn bệnh không thể chữa khỏi. Ảnh: TL

Không phải chứng quên lành tính của người già

ThS.BS Phan Hữu Phước, giám đốc phòng khám lão khoa Med – Vie TPHCM, nguyên trưởng khoa Lão bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM, cho biết người Việt Nam chưa nhận thức nhiều về bệnh Alzheimer’s.

Ông cho biết khi làm việc ông đã gặp khá nhiều người đưa bố mẹ già đến khám. Họ chỉ quan tâm chuyện người thân bị mất ngủ, ăn uống kém, đau nhức xương khớp. Nhưng đến khi hỏi ra, họ mới thú thật bố mẹ mình còn bị chứng hay quên rất nặng, và khi được làm xét nghiệm đó là biểu hiện của bệnh Alzheimer’s.

Theo hiệp hội Alzheimer’s quốc tế, cứ mỗi 7 giây trên thế giới lại có thêm một người mắc bệnh này. BS Phước chia sẻ: “Alzheimer’s không phải là tình trạng giảm trí nhớ lành tính do tuổi cao mà dân gian gọi là “lú lẫn người già”, mà là sự suy giảm chức năng trí tuệ và những lĩnh vực khác về nhận thức khiến khả năng hoạt động sống hàng ngày bị giảm sút”.

Trong Still Alice, GS Alice Howland, là một tiến sĩ ngôn ngữ học thông minh, sắc sảo. Nhưng trong một lần lên lớp cho sinh viên, bà đột nhiên quên bài giảng (thật éo le đó lại là bài về trí nhớ!). Rồi trí nhớ của Alice ngày càng suy sụp, bà không nhớ đường về nhà sau khi chạy bộ, quên nhà vệ sinh trong nhà của mình, thậm chí quên cả con gái!

Diễn biến của bệnh nhân Alice là điển hình của bệnh Alzheimer’s. BS Phước cho biết, biểu hiện thường gặp nhất của Alzheimer’s giai đoạn sớm là giảm trí nhớ gần. Bệnh nhân quên câu mình vừa nói và lặp đi lặp lại câu này nhiều lần trong thời gian ngắn vài phút, thường xuyên quên những vật dụng cá nhân để ở đâu, khó tìm được từ ngữ diễn đạt ý muốn nói khiến họ phải nói vòng vo.

Khi Alzheimer’s tiến triển, bệnh nhân mất khả năng thực hiện những công việc thường ngày như tắm rửa, mặc đồ, vệ sinh cá nhân; mất định hướng không gian và thời gian; xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, kích động; cuối cùng bệnh nhân mất hoàn toàn trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, lệ thuộc hoàn toàn vào người thân.

Chuẩn bị đối đầu với Alzheimer’s

Tại hội thảo Chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ diễn ra ở TPHCM do bệnh viện đại học Y dược TPHCM tổ chức cuối năm qua, một khảo sát do TS.BS Trần Công Thắng, bộ môn thần kinh đại học Y dược TPHCM, và cộng sự thực hiện tại TPHCM công bố vào năm 2013 cho thấy càng lớn tuổi tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ càng tăng: từ 70 – 74 tuổi tỷ lệ này là 3,5%, nhưng 75 – 79 tuổi là 6,8%, 80 – 84 tuổi 8,4%, 85 – 89 tuổi 15,7% và trên 90 tuổi là 33,30%.

Trong khi đó, ThS Yumiko Hayashi, chuyên gia hoạt động trị liệu người Nhật làm việc nhiều năm nay tại Việt Nam, cho rằng nước ta sẽ đối mặt với vấn nạn Alzheimer’s trong vài thập kỷ tới khi dân số Việt Nam lão hoá nhanh hơn cả Nhật Bản. Như thế càng nhiều người già, bệnh Alzheimer’s sẽ càng tăng.

Bà Yumiko nói: “Phải mất 20 năm (1960 – 1980) tỷ lệ người Nhật trên 60 tuổi mới tăng từ 8,9% lên 12,8%, nhưng sự gia tăng này ở Việt Nam được dự báo chỉ cần mười năm (2010 – 2020). Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam sẽ có ít thời gian để thích nghi với nhịp độ lão hoá này”.

Theo BS Phước, Alzheimer’s cần được điều trị toàn diện, bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân còn được chăm sóc đúng mức để nâng cao chất lượng sống. Ông nói: “Trong thực tế nhiều gia đình có người bị Alzheimer’s có nhu cầu đưa người thân đến các trung tâm để được chăm sóc, nhưng ở nước ta hầu như chưa có dịch vụ này”.

Có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động trị liệu tại Nhật Bản, ThS Yumiko cho biết bà sẵn sàng tư vấn cho đối tác Việt Nam quan tâm đến việc mở các trung tâm chăm sóc ban ngày cho bệnh nhân Alzheimer’s, xu hướng hiện nay ở các nước tiên tiến.              

Alzheimer’s khởi bệnh từ năm 20 tuổi

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Brain số mới nhất, GS người Mỹ Changiz Geula đã chứng minh việc tìm thấy amyloid, protein gây bệnh Alzheimer’s trong não của người mới 20 tuổi.

Bằng chứng chưa từng có này cho thấy bộ não của người bệnh Alzheimer’s bắt đầu bị tàn phá 50 năm trước khi bệnh phát ra. Điều này gợi ý việc sử dụng thuốc trong giai đoạn sớm nhất, khi bệnh dễ điều trị, để ngăn chặn Alzheimer’s tiến triển xấu.

Theo Bình Yên - Thế gới tiếp thị/ Nông thôn ngày nay

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X