Hotline 24/7
08983-08983

Rút lại là dân phải được ăn cá sạch

Đã có câu trả lời cho câu hỏi “khi nào ăn cá được?”: “Các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản ở đầm nuôi tôm tại 4 tỉnh miền Trung đều có thể làm thực phẩm”.

Đây là thông tin đáng vui mừng, người dân tự tin ăn các loại cá được liệt kê danh mục như trên, ngư dân phấn khởi ra khơi và thị trường hải sản 4 tỉnh miền Trung sẽ hồi sinh. Những chiếc tàu lâu nay neo bờ có thể hoạt động trở lại vì một phần hải sản được khẳng định “có thể làm thực phẩm”.

Nhưng sau đây là thông tin năm ăn năm thua:

“Các loại hải sản khác như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng bán kính 20 hải lý chưa an toàn để làm thực phẩm”.

Việc lấy mẫu hải sản và xét nghiệm là của các nhà khoa học, kết quả rút ra từ các ống nghiệm, khách quan, chính xác, lạnh lùng.

Nhưng ngư trường bao la không phải là chiếc ống nghiệm, quản lý việc khai thác và kinh doanh hải sản khó gấp vạn lần so với xét nghiệm và đưa ra kết quả một mẫu hải sản.

Hải sản sống ở tầng đáy trong vòng bán kính 20 hải lý sẽ không khác với các loại sống ngoài 20 hải lý, dân sẽ không phân biệt được, các nhà khoa học cũng không phân biệt được. Vậy thì đưa con ghẹ, con tôm từ biển lên bờ, ai dám chắc tôm ghẹ đó “thường trú” ở vùng biển nào.

Công bố khoa học từ Bộ Y tế bắt buộc các ngành và địa phương phải quản lý được ngư dân không đánh bắt hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý. Vậy thì câu hỏi đặt ra, liệu ngành NNPTNT và chính quyền các địa phương có quản được không? Nếu không quản được thì có thể xảy ra tình trạng ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển 20 hải lý nhưng vẫn bán ra thị trường.

Người dân không biết tầng đáy, tầng nổi, tầng chìm, người dân cần một điều chắc chắn là phải được ăn hải sản sạch, để hải sản sạch vào đến bờ là trách nhiệm của các ngành quản lý.

Phải làm cho dân tin bằng cách đưa ra các cam kết và thực hiện nghiêm túc.

Công bố trên của Bộ Y tế chỉ là một việc nhỏ, việc lớn quản lý tốt để có một môi trường biển sạch.

Bờ biển Việt Nam dài, chỗ này nhà máy xả thải thì nhiễm độc, chỗ kia không có nhà máy xả thải thì sạch, nhưng chim trời cá nước, biết nó có “hộ khẩu” ở đâu mà quản để đảm bảo con này sạch, con kia bẩn.

Theo Lê Thanh Phong - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X