Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn tuần hoàn não dễ dẫn đến đột quỵ

Rối loạn tuần hoàn não (RLTHN) hay còn gọi là thiểu năng tuần hoàn não là một căn bệnh khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Hiện nay, có khoảng 1/3 số người lớn tuổi mắc bệnh này, chủ yếu là do quá trình lão hóa nên các mạch máu bị xơ vữa, nhất là động mạch cổ, dẫn đến bệnh tăng huyết áp kèm theo RLTHN.



Hiện tượng xơ vữa động mạch càng nghiêm trọng thì nguy cơ RLTHN càng tăng. Ngoài ra, căn bệnh này còn bắt nguồn từ một số bệnh khác như: thoái hóa đốt sống cổ, tăng mỡ máu, tiểu đường, hẹp lòng động mạch bẩm sinh… và các yếu tố nguy cơ góp phần đáng kể như: béo phì, căng thẳng tâm lý kéo dài, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột…

Trong tất cả các cơ quan trên cơ thể, nhu cầu sử dụng oxy của tế bào não là cao nhất. Vì vậy, vòng tuần hoàn máu lên não đòi hỏi phải luôn đầy đủ và ổn định.

Trong trường hợp lượng máu lên não giảm làm cho lượng oxy bị thiếu hụt thì chỉ sau vài phút, tế bào não sẽ rơi vào trạng thái bịức chế dẫn đến hoại tử không thể phục hồi.

Có hơn 90% bệnh nhân RLTHN có biểu hiện đau đầu. Cơn đau co thắt lan tỏa khắp đầu hoặc đau tập trung ở vùng gáy, trán. Cơn đau càng tăng kèm theo cảm giác nặng nề ở đầu, mặt khi người bệnh suy nghĩ nhiều, tức giận, căng thẳng hoặc tập trung nhìn vào tivi, máy tính.

Phần lớn bệnh nhân RLTHN còn có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhất là lúc thay đổi tư thế nằm hoặc khi ngồi dậy, đi lại… Chóng mặt biểu hiện mỗi lúc một nghiêm trọng làm cho bệnh nhân bị rối loạn trong phối hợp động tác, rối loạn thăng bằng hoặc thường xuyên có cảm giác bập bềnh như đang đứng trên thuyền.

Người cao tuổi bị RLTHN dễ bị liệt nửa người thoáng qua, rối loạn ngôn ngữ thoáng qua hoặc kéo dài vài ngày, rối loạn cảm giác biểu hiện chủ yếu là cảm giác đau ở tay, chân, mặt và các rối loạn thần kinh thực vật khác.

Càng về sau, người bệnh sẽ có các triệu chứng tiêu biểu như sau:

(1) Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng điển hình nhất: Người bị RLTHN hay bị rối loạn về giấc ngủ kéo dài như: mất ngủ, ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc về nửa đêm và khó đi vào giấc ngủ trở lại… Rối loạn giấc ngủ làm cho người bệnh mệt mỏi, chóng mặt và buồn nôn nặng hơn, nhiều trường hợp dẫn đến trầm cảm, mê sảng và đột quỵ giữa đêm khuya.

(2) Rối loạn tập trung cũng là một biểu hiện dễ thấy của bệnh RLTHN. Tình trạng kém tập trung, giảm sự chú ý, đãng trí kéo dài có thể dẫn đến sa sút trí tuệ và suy nghĩ chậm chạp, cứng nhắc, không còn nhanh nhạy với công việc lẫn sự thay đổi của hoàn cảnh.

(3) Rối loạn về trí nhớ có thể coi là biểu hiện tiêu biểu của RLTHN: Người lớn tuổi bị bệnh này thường có trí nhớ kém, giảm sút khả năng tư duy, dễ xúc động và hay phản ứng quá mức không phù hợp với tính chất sự việc. Biểu hiện này hay bị chúng ta hiểu nhầm là quá trình lão hóa bình thường của người già nhưng lại là biểu hiện cần lưu ý của bệnh RLTHN.

Rối loạn tuần hoàn não có thể dẫn đến hiện tượng thiếu máu não, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống hằng ngày của người bệnh ở cả mặt trí tuệ lẫn thể chất. Trước hết là sự suy giảm trí nhớ, tính khí thất thường, dễ nổi cáu và khó tập trung khi làm việc gì đó.

Những biểu hiện này làm cho người thân khó gần gũi, chăm sóc người bệnh mà người bệnh lại dễ rơi vào trầm cảm, khủng hoảng tâm thần.

Biến chứng nặng nhất của RLTHN cấp tính là đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, với các biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn, méo miệng, liệt chi, hôn mê sâu, đại tiểu tiện không tự chủ.

Đột quỵ hay xảy ra về đêm hay gần sáng, nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, chúng ta không nên xem thường bệnh RLTHN.

Người từ 50 tuổi trở lên nên khám định kỳ mỗi năm một lần. Khi nghi ngờ bị RLTHN với các biểu hiện nói trên thì cần đưa bệnh nhân đi khám bệnh ngay.

Rối loạn tuần hoàn não hầu như không thể điều trị dứt điểm và phải điều trị kéo dài vì bệnh liên quan đến độ vững bền của hệ thần kinh thực vật.

Trước hết, bác sĩ cần xác định các nguyên nhân gây ra RLTHN như bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, lối sống… để vừa sử dụng các loại thuốc giúp cân bằng tuần hoàn não vừa chữa dần các bệnh nguy cơ.

Để phòng bệnh RLTHN, chúng ta cần cố gắng tạo một cuộc sống thân thiện, hài hòa các mối quan hệ gia đình cũng như công việc. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống hạn chế chất béo, tăng rau xanh và tập thể dục thể thao mỗi ngày là điều rất quan trọng trong việc hạn chế các bệnh nguy cơ nói trên.

Hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia, nhất là với người từ 50 tuổi trở lên. Người lớn tuổi bị bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cần tránh sự thay đổi không khí đột ngột.

Khi mới thức dậy, từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng hoặc lúc nửa đêm và gần sáng, người bệnh không nên ngồi dậy ngay lập tức mà nên nán nằm trên giường để có thời gian chuẩn bị, thở nhịp nhàng vài phút giúp cho cơ thể thích nghi dần với sự tăng đột ngột của hệ tuần hoàn, nhờ đó tim, não không bị thiếu máu, thiếu oxy đột ngột.

AloBacsi.vn
Theo BS. Trần Huy Thế - DNSGCT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X