Hotline 24/7
08983-08983

Rau muống - vị thuốc của dân gian giúp thanh nhiệt, giải độc, ngừa táo tón

Rau muống là món ăn gắn với truyền thống của người Việt khi mỗi cách chế biến từ luộc, xào, nấu canh, trộn gỏi, lẩu… đều rất hấp dẫn. Tuy là loại rau bình dân nhưng lại đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe cho người thiếu máu, loãng xương, phụ nữ mang thai, giảm nguy cơ táo bón.

Đặc điểm của cây rau muống


Tuy là loại rau bình dân nhưng rau muống lại đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe cho người thiếu máu, loãng xương, phụ nữ mang thai, giảm nguy cơ táo bón. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Rau muống có tên khoa học Ipomoea aquatica là một loài thực vật nhiệt đới bán thủy sinh thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), là một loại rau ăn lá.

Lá rau muống hình tam giác hay hình mũi tên, hoa trắng hoặc tím, quả nang chứa 4 hạt có lông màu hung. Rau muống có nguồn gốc nhiệt đới châu Á, khu vực Nam và Đông Nam Á, nhiệt đới châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ và châu Đại Dương. Tại Việt Nam, nó là một loại rau rất phổ thông, và các món ăn từ rau muống rất được ưa chuộng, thậm chí gây "nghiện".

Phân loại:

Rau muống có thể chia làm 2 loại:

- Rau muống nước: được trồng hoặc mọc tại nơi nhiều nước, ẩm ướt, thậm chí sống tốt khi kết thành 1 bè và thả trôi trên kênh mương hay hồ. Loại này thân to, cuống thường có màu đỏ, mọng, luộc ngon hơn xào hay ăn sống.

- Rau muống cạn, trồng trên luống đất, cần không nhiều nước, thân thường trắng xanh, nhỏ. Loại thứ hai thường thích hợp với xào hoặc có thể ăn sống.

Ngoài ra, còn có thể phân loại rau muống theo điều kiện trồng:

- Rau muống ruộng: có 2 giống là rau muống trắng và rau muống đỏ. Trong đó rau muống trắng thường được trồng trên cạn, kém chịu ngập. Còn rau muống đỏ được trồng cả trên cạn và dưới nước với nhiệt độ ao là 20-300C.

- Rau muống phao: rau cấy xuống bùn, cho ngọn nổi lên, ăn quanh năm.

- Rau muống bè: rau thả quanh năm trên mặt nước, dùng tre cố định ở một chỗ nhất định trên ao.

- Rau muống thúng: trồng rau vào thúng đất, để thúng đất lên giá cắm ở ao sâu rồi để thúng nổi lên ¼ cho rau bò quanh mặt ao.

Tác dụng của rau muống


Rau muống là món ăn gắn với truyền thống của người Việt khi mỗi cách chế biến từ luộc, xào, nấu canh, trộn gỏi, lẩu… đều rất hấp dẫn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Theo y học cổ truyền phương Đông, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (nấu chín thì giảm lạnh). Rau muống có nhiều tính năng và tác dụng trong việc phòng và chữa bệnh như: thanh nhiệt giải độc mùa hè; đau đầu trong trường hợp huyết áp cao; đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng; say sắn, ngộ độc sắn (khoai mì); giải các chất độc trong thức ăn (ngộ độc thức ăn); các chứng bệnh chảy máu như chảy máu cam, ho nôn ra máu; tiêu tiểu ra máu, trĩ, lỵ ra máu; sản phụ khó sinh; khí hư bạch đới; phù thũng toàn thân do thận, bí tiểu tiện; đái tháo đường; quai bị; chứng đẹn trong miệng hoặc lở khóe miệng ở trẻ em; lở ngứa, loét ngoài da, zona (giời leo); rắn giun (loài rắn chỉ bằng con giun đất), ong cắn; rôm sẩy, mẩn ngứa; sởi, thủy đậu ở trẻ em…

Còn theo y học hiện đại đã nghiên cứu, trong rau muống chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C. Nguồn sắt dồi dào trong rau muống là nguồn thực phẩm xanh hữu hiệu cho sức khỏe cũng những người mắc bệnh thiếu máu và phụ nữ mang thai.

Trong rau muống có chứa một số chất đạm quý mà nhiều loại rau khác không có như lysin, tryptophan, threonin, valin, leucin... Đây là những axit amin cần thiết cho cơ thể, tốt cho những người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm. Nó cũng giúp mọi người phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

Theo The Star, cứ 100 g rau muống chứa 90% nước, 3 g chất xơ, 3 g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie.

Bài thuốc chữa bệnh từ rau muống


Ảnh: Kenh14


Rau muống luộc (cho thêm chút muối) chính là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc trong ngày hè oi bức và có tác dụng chống táo bón, huyết áp cao, nhịp tim nhanh…

Chữa nóng ruột, ợ chua: rau muống, rau má, cỏ mực mỗi loại 20g, 16g rau sam, 12g vỏ quýt khô. Tất cả rửa sạch, cắt khúc sao qua cho vào ấm, sau đó đổ 750ml nước sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói. Dùng liền trong 1 tuần.

Trị bí tiểu do nhiệt: Rửa sạch một nắm tay rau muống cùng 12g râu ngô, rễ chanh 12g rồi cho vào ấm có 550ml nước sắc còn 200ml chia 2 lần. Dùng liền trong 10 ngày. Ngoài ra, còn có thể dùng rau muống tươi rửa sạch, giã nát lấy nước thêm chút mật ong cho dễ uống, mỗi lần 30 - 50ml.

Ngộ độc thức ăn: Rau muống tươi rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống ngay rồi đưa vào bệnh viện.

Ù tai chóng mặt: rau muống một nắm, hoa cúc một bông, rửa sạch hai thứ cho vào nồi đun sôi khoảng 15-20 phút, lọc lấy nước uống.

Trị say sắn (thể nhẹ): Lấy một nắm rau muống rửa sạch giã nát vắt lấy nước để uống.

Trị rôm sảy, mẩn ngứa do nóng: Rau muống rửa sạch nấu nước tắm, rửa rất hiệu nghiệm. Hoặc 30g rau muống, râu ngô 15g, 10 củ mã thầy cho vào ấm có 500ml nước, sắc còn 250ml lấy nước uống hằng ngày.

Chứng kiết lị: dùng rau muống tươi rửa sạch và vỏ quýt khô cho vào nồi đun sôi lăn tăn từ 2-3 giờ rồi chắt lấy nước uống.

Tốt cho người đái tháo đường (giảm tiêu khát): Rau muống 60g, râu ngô 30g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 300ml chia 3 lần. Dùng liền 10 ngày. Hoặc có thể lấy rau muống đỏ luộc ăn hàng ngày.

Chữa rắn cắn hoặc ong đốt: rau muống tía giã nhuyễn, chắt lấy nước uống, phần bã còn lại đắp vào vết thương.

Ai không nên ăn rau muống?


Rau muống là thực phẩm nên kiêng kỵ với người đau xương khớp, bị viêm đau vì sẽ khiến chỗ đau thêm tê nhức. Ảnh minh họa -  Nguồn Internet


Rau muống có nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe nhưng không phải ai ăn nhiều rau muống cũng tốt. Vậy ai không nên ăn rau muống? Đó là:

- Những người mắc chứng gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, người huyết áp cao.

- Rau muống cùng thịt bò là thực phẩm có thể để lại vết sẹo lồi cho người đang có vết thương mềm, bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi trên da.

- Những người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa cũng không được khuyến khích ăn rau muống.

- Rau muống là thực phẩm nên kiêng kỵ với người đau xương khớp, bị viêm đau vì sẽ khiến chỗ đau thêm tê nhức.

- Rau muống là loại rau nằm trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu… Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính..

Lưu ý gì khi ăn rau muống


Do môi trường trồng trọt nơi ao hồ nên rau muống thường nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Ăn rau muống tươi sống chưa qua chế biến dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như sán lá gan.

Ngoài ra, ký sinh trùng Fasciolopsis buski có thể xâm nhập vào cơ thể, bám vào ruột, chui qua thành ruột vào máu, từ đó gây các chứng đầy bụng, khó tiêu, dị ứng. Do đó quá trình sơ chế rau muống cần rửa sạch, ngâm muối và tốt nhất là nấu chín.

Làm sao phân biệt rau muống “ngậm” hóa chất?


Rau muống là loại thực phẩm thường “được” lên báo chí cho người trồng sử dụng hóa chất độc hại để rau nhanh lớn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khi quan sát bằng mắt thường, bạn có thể dễ dàng nhận thấy rau muống bị nhiễm chì thường có thân to, lá cứng hơn so với rau muống sạch. Đồng thời, lá của muống bị nhiễm chì thường có màu xanh đen, thân cây cũng giòn hơn bình thường.

Khi rửa sau, nếu muống nhiễm chì thì hóa chất sẽ có nhiều bong bóng nổi lên. Đồng thời, qua quá trình luộc rau, nếu rau muống nhiễm chì sẽ có nước mày xanh nhạt nhưng sau khi để nguội, nước rau sẽ đổi thành màu xanh đen và có kết tủa vẩn đen.

Rau muống nhiễm chì khi ăn có vị chát, không ngọt, mùi hơi hắc. Trong khi đó rau muống thường có vị ngọt mát, nước luộc rau cũng trong.

Cách chọn rau muống ngon, an toàn


- Không nên chọn những mớ rau có cọng quá to. Nên lấy loại rau muống thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường vì loại rau này có vừa đủ chất hữu cơ hơn, nhìn chung sẽ an toàn cho người ăn.

- Không nên chọn mớ rau quá xanh mướt, nhìn từ xa lá xanh óng lên, bẻ thấy cọng rất giòn, lá màu xanh sẫm.

- Đặc biệt khi rửa rau mà thấy nổi lên nhiều bong bóng là chắc chắn rau có nhiễm hóa chất nước rửa bát, chất tẩy rửa.

Bí quyết rửa rau sạch, bảo vệ sức khỏe gia đình


Mặc dù hiện nay trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu rau xanh an toàn và hoa quả sạch nhưng việc áp dụng các phương pháp rửa rau củ và hoa quả hợp lý vẫn rất quan trọng. Trong đó, rau muống là loại thực phẩm thường “được” lên báo chí cho người trồng sử dụng hóa chất độc hại để rau nhanh lớn.

TS Phan Minh Liêm - Viện MD Anderson Hoa Kỳ đã hướng dẫn trên AloBacsi cách rửa các loại rau, củ, quả (không chỉ áp dụng cho rau muống) theo Cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ (Food and Drug Administration) và Viện sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Health) như sau:

1. Rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi chuẩn bị rửa và chế biến thực phẩm. Rửa sạch các dụng cụ, thau, chậu, bồn chứa, nồi, thớt, dao,.., sẽ được dùng để rửa và chế biến rau củ quả.

2. Loại bỏ các phần hoa quả, rau xanh bị hư, bỏ bớt các lá bên ngoài đối với các loại rau xanh. Rửa và sử dụng các lá rau xanh bên trong.

3. Rửa rau xanh, trái cây dưới vòi nước lạnh, ít nhất là 30 giây. Có thể ngâm rau củ, rau xanh, trái cây trong nước lạnh 4 đến 5 lần và rửa, chà mạnh. Mỗi lần ngâm, rửa nên kéo dài 3 đến 5 phút.

4. Dùng khăn sạch để lau trái cây hoặc dùng các loại rổ ly tâm để loại bớt nước trong rau xanh. Trong một số trường hợp, nếu rau củ quả có nguy cơ bị phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng thì chúng ta nên ngâm hoặc rửa rau củ quả lâu hơn, nhiều lần hơn.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy các loại dung dịch như: muối NaCl (thường  được gọi là muối ăn, pha khoảng 1 muỗng cà phê đầy muối trong 1 lít nước), hoặc 0.4-1% acid acetic (acid acetic có nhiều trong giấm ăn với nồng độ 4% đến 8%), hoặc 0,1-2% natri bicarbonate (hay còn gọi là bột nở làm bánh, sodium bicarbonate, hoặc NaHCO3) có tác dụng làm giảm lượng thuốc trừ sâu tồn dư trên bề mặt rau củ quả khi ngâm từ 15 đến 20 phút.

Rửa sạch lại bằng nước lạnh (5 phút dưới vòi nước chảy, hoặc ngâm và rửa 4 lần) trước khi sử dụng, hoặc trước khi ngâm rau củ quả trong các dung dịch rửa khác.

Ngoài ra, thuốc tím (hay còn gọi là kali permanganate, potassium permaganate, KMnO4) còn có tác dụng vừa tiêu diệt một số kí sinh trùng vừa phân huỷ một số thuốc trừ sâu trên bề mặt rau củ quả nhờ vào phản ứng ôxi hoá.

Thuốc tím nên được pha loãng với tỉ lệ 0,001%. Một cách khác là chúng ta pha 1 lượng thuốc tím khoảng 1 đầu dao hoặc đầu kéo vào 1 lít nước lạnh (dung dịch sẽ có màu tím nhạt). Ngâm rau, củ, quả trong dung dịch này trong khoảng 20 phút.

Lưu ý: Rửa lại thật sạch bằng nước lạnh dưới vòi nước chảy hoặc ngâm và rửa 5 lần trước khi sử dụng, hoặc trước khi ngâm rau củ quả trong các dung dịch rửa khác.

Như vậy, chúng ta có thể lần lượt rửa rau củ quả bằng nước lạnh với những dung dịch nêu trên. Sau mỗi dung dịch rửa rau củ quả, chúng ta phải rửa lại thật sạch bằng nước lạnh như đã hướng dẫn. Việc rửa rau củ quả bằng các dung dịch này cần được tiến hành tuần tự chứ không nên trộn các dung dịch rửa rau củ quả lại với nhau.

Có một điểm cần nhớ là phương pháp này chỉ giúp giảm lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng trên bề mặt của rau củ quả chứ không loại bỏ được các thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng bên trong rau củ quả. Do đó, nếu có điều kiện, tốt nhất nên chọn các loại trái cây, rau củ quả trồng bằng phương pháp hữu cơ (organic) hoặc theo các tiêu chuẩn như Global GAP, Viet GAP,...

Sau khi rửa sạch rau củ quả, chúng ta nên dùng, chế biến ngay hoặc trữ trong ngăn mát của tủ lạnh với nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn.

Phương Nguyên (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X