Hotline 24/7
08983-08983

Rau má - cây nhà lá vườn giúp giải cảm, chống lão hóa và tăng tuổi thọ

Rau má - nghe tên chắc hẳn nhiều người đã hình dung ra dáng vẻ của loài thực vật này. Thế nhưng ít ai biết rằng, rau má không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon mà còn là nguồn dược liệu quý để tiêu nhiệt, giải cảm, trị bệnh ngoài da, tốt cho tim mạch, bệnh thần kinh…

Rau má có nhiều tên gọi trong dân gian như tích tuyết thảo, liên tiền thảo, địa tiền thảo, mã đề thảo, lão công căn, băng khẩu uyển, thổ tế tân... vì lá tròn như những đồng tiền kim loại. Tên khoa học của rau má là Centella asiatica (L.) thuộc họ Hoa tán Umbelliferae.

Rau má là loại cỏ sống dai, mọc bò, rễ mọc ở các mấu của thân. Lá có cuống dài 10-12 cm, phiến lá khía tai bèo tròn, gốc lá hình tim, rộng 2-4 cm. Gân lá hình chân vịt. Cụm hoa tán đơn gồm các hoa rất nhỏ. Quả dẹt.

Đây là loài rau dại ăn được thường mọc ở những nơi ẩm ướt như thung lũng, bờ mương thuộc những vùng nhiệt đới như Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Madagascar…

Rau má không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon mà còn là nguồn dược liệu quý để tiêu nhiệt, giải cảm, trị bệnh ngoài da, tốt cho tim mạch, bệnh thần kinh… Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Loài thảo mộc này được lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về tác dụng kỳ diệu của nó. Chẳng hạn như, tại Trung Quốc lưu truyền về 1 vị võ sư sống đến 256 tuổi nhờ thường xuyên dùng rau má trong các bữa ăn.

Ở Ấn Độ, rau má còn được gọi là Brahmi hàm nghĩa một loại dược thảo có thể giúp con người tiến đến sự hoà hợp với tâm thức vũ trụ (knowledge of the Supreme Reality). Chính vì vậy, rau má thường có trong khẩu phần ăn của những vị thiền sư, nhà yogi, nhà thông thái.

Ngày nay, tại nhiều quốc gia vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ “Two leaves  a day keep old age away” (Dùng 2 lá một ngày sẽ giúp bạn xa lánh tuổi già).

Rau má có tác dụng gì?


Tuỳ theo khu vực trồng hoặc mùa thu hoạch thành phần có thay đổi, thường rau má có chứa các chất sau: beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, iron, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, zinc, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K…

Thành phần dinh dưỡng trong 100 gam dịch chiết rau má có: 88.20 g nước, 3.20 g chất đạm protein, 1.80 g chất carbohydrate (mono, disaccharide), 4.5 g cellulose, 3.70 mg vitamin C, 0.15 mg vitamin B1, 2.29 mg Calcium, 2.00 mg Phospho, 3.10 mg Sắt, 1.30 mg β carotene (tiền vitamin A…

Theo các sách thuốc cổ, rau má có vị đắng, tính hàn, vào được ba kinh Can, Tỳ và Thận, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng giải độc. Rau má thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tiết tả về mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, tiện huyết, khái huyết, thổ huyết, đau mắt đỏ, viêm họng, dị ứng mẩn ngứa, nhọt độc, tổn thương do sang chấn, bỏng... Ngoài ra rau má còn là vị thuốc giúp hạ sốt, táo bón, tim mạch, làm đẹp…

Rau má có rất nhiều cách dùng, có thể ăn rau sống hoặc nấu canh, luộc hay giã nguyễn (xay) vắt lấy nước uống. Mỗi cách ăn sẽ có những công dụng khác nhau. Chẳng hạn, khi ăn rau má ở dạng tươi sẽ duy trì sự trẻ trung, thức uống sẽ giúp thanh nhiệt, lợi tiểu. Khi nấu canh hay nấu uống, rau má được coi là một loại thuốc bổ dưỡng giúp tăng thị lực, cải thiện trí nhớ. Khi giã nát đắp bên ngoài da giúp giảm đau, hạ nhiệt. Dùng làm thuốc điều trị các chứng phù, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tĩnh mạch, trị các loại bệnh trĩ, phong, vẩy nến, eczema…

Bên cạnh đó, đã có nghiên cứu đã chứng minh, chiết xuất tinh dầu toàn thân cây tích tuyết thảo có hoạt tính kháng men chuyển hóa ngược của virus HIV. Triterpenes chứa trong thân loài thực vật này có tác dụng kích thích sự sinh thành của mầm thịt, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Thuốc sắc tích huyết thảo toàn thân tỷ lệ từ 1:16 đến 1:4 có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn biến hình, Staphyloccocus aureus.

Món ăn, bài thuốc từ rau má


Dùng nước rau má giúp thanh nhiệt, giải độc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Viêm amidan:
Rau má tươi giã nát và vắt lấy nước cốt, thêm giấm dùng để ngậm và nuốt từ từ.

Tưa lưỡi (đẹn lưỡi, đẹn sữa): 30g rau má tươi, 30g rau má mỡ (mãn thiên tinh), 1 quả chi tử (dành dành), tất cả đem sắc lấy nước, bỏ bã, dùng bông sát trùng tẩm thuốc chấm rửa khoang miệng.

Chữa mụn nhọt: Rau má 50g, lá gấc 50g. Rửa cả hai thứ thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại. Ngày thay thuốc 2 lần. Đắp đến khi khỏi.

Chữa vàng da, vàng mắt: Đem 50g rau má, 50g lá ngải cứu rửa sạch, đun lấy nước uống hàng ngày.

Giải nhiệt chữa rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt...: Rau má tươi 30-100g giã (hoặc xay) lấy nước uống hàng ngày (nếu cẩn thận chần qua nước sôi). Có thể phối hợp rau sam, kinh giới.

Hành kinh đau bụng, đau lưng: Rau má khô tán bột ngày uống 2 thìa con (thìa cà phê 15g).

Trẻ biếng ăn, còi cọc, đi ngoài phân sống: Rễ rau má 1 nắm to rửa sạch để cho thật ráo nước, sao khô, tán bột cho vào cháo hoặc nấu chung với bột gạo thành cháo. Có thể phối hợp bột củ mài.

Tiêu chảy: 30g rau má sắc với nước vo gạo uống hàng ngày.

Tiểu ra máu: rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.

Táo bón: 30g rau má giã nát đắp vào rốn.

Giải ngộ độc thuốc hoặc thực phẩm: rau má tươi giã nát vắt lấy nước uống, có thể pha thêm một chút đường phèn.

Chữa kiết lỵ: Rau má 150g, muối ăn 10g. Rửa rau má thật sạch, để ráo nước, cho vào cối sạch, bỏ muối vào, giã  thật nhỏ, sau chế thêm một bát nước sôi, quấy đều, để lắng, gạn lấy nước trong uống. Người lớn uống cả một lần, trẻ em tuỳ theo tuổi mà giảm liều lượng. Khi uống thuốc nên ăn cháo, kiêng các thứ khó tiêu, kiêng mỡ, các thức ăn tanh, cay, nóng. Ngoài ra, còn có thể dùng bài thuốc sau: rau má, rễ cây ngải cứu, rễ cỏ may, rễ mơ lông, liều lượng bốn vị bằng nhau (khoảng 100g), sao vàng, hạ thổ, sắc uống ngày hai lần cho tới khi khỏi.

Chữa chảy máu cam:
Rau má giã nhỏ, vắt lấy nước, uống mỗi ngày 2 - 3 lần trong 5 ngày liền.

Chữa sốt xuất huyết nhẹ tại nhà: Rau má 30g, cỏ nhọ nồi 30g, lá và bông mã đề 20g (hay lá cối xay, rễ cỏ tranh). Đem các vị rửa sạch, giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, hoặc sắc uống.

Trà giải nhiệt: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g ở dạng khô. Cách dùng: Sao giòn các vị thuốc, tán vụn trộn đều bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g bằng cách hãm với nước sôi khoảng 10 phút. Uống thay trà trong ngày có công dụng thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.

Chữa cảm nắng, say nắng: Rau má tươi 60g, hương nhu 16g, lá tre 16g, lá sắn dây 16g. Cho khoảng 600ml sắc còn một nửa chia uống 2 lần trong ngày.

Sỏi đường tiết niệu: Rau má tươi 240g nấu nước uống như trà hàng ngày.

Ngộ độc nấm độc: Rau má tươi 120g, đường phèn 5g. Tất cả đem sắc nước, gạn bỏ bã dùng để uống.

AIDS, nóng lạnh hầu họng đau, lúc nuốt nước miếng đau, sưng amygdal (một hoặc 2 bên):
Rau má, kê nhãn thảo, địa nhĩ thảo (cỏ ban), mỗi thứ đều 30g. Cúc hoa vàng, bản lam căn, kim ngân hoa, mỗi thứ đều 15 g. Sơn đậu căn 6 g. Cam thảo 10 g. Tất cả đem sắc uống.

AIDS, nóng lạnh, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy như xối nước sau chuyển thành máu mủ và nhầy: Rau má, kê nhãn thảo, mỗi thứ đều 30 g. Bạch đầu ông, trần bì, hoàng bá, mỗi thứ 15 g. Hoàng cầm 10g. Diếp cá 30g (cho vào sắc sau). Tất cả đem sắc lấy nước uống.

Canh rau má. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Lựa chọn, bảo quản và sử dụng rau má đúng cách


Khi bạn chọn rau má có lá màu xanh nõn thì sẽ non và mềm. Nếu lá có màu xanh đậm thì rau ăn bùi hơn nhưng khi luộc phải canh cho nước sôi kỹ hơn để rau chín. Nước phải sôi bùng mới cho rau vào, rau sẽ giữ được màu xanh và các vitamin, không bị thâm đen, trông sẽ ngon mắt hơn.

Cần lưu ý, rau má cũng là thực phẩm thuốc, nên khi sử dụng cần có định mức, liều lượng. Rau má có tính hàn, rất dễ gây lạnh bụng, nên uống quá nhiều có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra, sử dụng nước rau má tươi sống có thể gặp nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như nhiễm khuẩn, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật…

Để đảm bảo sức khỏe, một người bình thường mỗi ngày có thể sử dụng 40g rau má nhưng không nên dùng quá 1 tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp.

Nếu bạn xay hoặc vắt rau má lấy nước thì cần bảo quản trong tủ lạnh, cẩn thận không sử dụng rau má xay để quá 8 đến 10 giờ.

Rau má tương tác với các loại thuốc nào?


Rau má tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trong một số trường hợp, rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, phụ nữ dự định mang thai và đang mang thai nên tránh ăn rau má vì dùng rau má lâu ngày sẽ làm giảm khả năng thụ thai, các chất trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai.

Thảo mộc này có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm... Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.

Tuệ Giang (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X