Hotline 24/7
08983-08983

Ranh giới giữa trầm cảm và tự sát

Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về việc tự sát ở những bệnh nhân trầm cảm.

Tuy nhiên, ông La Đức Cương - GĐ BV Tâm thần Trung ương 1 - cho biết, tại BV Tâm thần Trung ương 1, các bác sĩ ước tính, cứ 10 bệnh nhân trầm cảm nặng thì có 4 người có ý tưởng, suy nghĩ tự sát và 1 người đã thử tự sát nhưng thất bại.

Trầm cảm đến rất tự nhiên

Các bác sĩ BV Tâm thần Trung ương 1 kể về trường hợp của bệnh nhân Trần Thị H (47 tuổi, ở Đà Nẵng) như một nhân chứng sống cho ca bệnh trầm cảm không rõ nguyên nhân và có hướng điều trị.

Cô H có hai con trai đã lập gia đình riêng nhưng chưa ai có con. Khoảng 2 năm trước, các con cô chuyển vào TPHCM để làm cho một công ty du lịch, đó là một công việc tốt hơn ở Đà Nẵng. Cô có một cửa hàng kinh doanh.

Vài tháng sau khi các con chuyển vào TPHCM, cô H ít đến cửa hàng hơn mà để 2 nhân viên nữ trông coi, cuối cùng cô chỉ đến cửa hàng 1 hoặc 2 lần/tuần. Cô cũng không đi thăm bạn bè hàng xóm. Cô H nhận thấy rằng, thỉnh thoảng cô khóc khi ăn tối và thậm chí là không nấu ăn.

Cô nói với chồng là mình quá mệt mỏi để nấu nướng. Lúc đầu, chồng cô nghĩ cô chỉ mệt mỏi và không nói gì, nhưng việc đó kéo dài suốt mấy tháng, chồng cô bắt đầu cảm thấy khó chịu và quát mắng rằng cô nên lo toan cơm nước chu đáo, nhưng cô chỉ khóc nhiều hơn.

Tình trạng trên kéo dài một thời gian không cải thiện, người chồng đã đưa cô đến cơ sở y tế kiểm tra. Cô H được đánh giá bằng một bộ câu hỏi và bác sĩ kết luận, cô bị trầm cảm.

Sau khi xác định được bệnh, cô H được điều trị trầm cảm và tham gia vào chương trình "Kết hợp đa hợp phần trong chăm sóc trầm cảm" (MCCD).

Cô được dùng thuốc và trị liệu tâm lí. Cô gặp gỡ y tá 1 lần/tuần, trong 6 tuần để giúp cô hiểu trầm cảm là một bệnh y khoa chứ không phải do tính cách của cô. Cô và y tá thảo luận cách tham gia tích cực vào công việc, gặp gỡ bạn bè sẽ giúp giảm các triệu chứng trầm cảm, giúp cô ít cảm thấy buồn hơn.

Lúc đầu, cô H không tin vào những điều y tá nói, cô không hiểu làm thế nào mà tích cực hoạt động sẽ giúp cô không cảm thấy buồn, bởi vì cô quá mệt mỏi. Nhưng sau đó, cô tin lời y tá và bắt đầu quay trở lại bán hàng quần áo trẻ em và thăm thú bạn bè 1 lần/tuần.

Cô H rất ngạc nhiên khi thấy rằng, sau vài tuần, cô cảm thấy tốt hơn và có nhiều năng lượng hơn. Cô bắt đầu nấu ăn thường xuyên hơn và điều đó làm cho chồng cô cũng thấy vui vẻ. Đến tuần thứ 6, cô vẫn còn thấy mệt mỏi chút ít, nhưng đã có thể đi làm và chăm sóc gia đình cũng như tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

ThS Nguyễn Thanh Tâm - chuyên gia của Basic Needs - một tổ chức phi chính phủ của Anh - cho biết: "Trong suy nghĩ của nhiều người, không ai đi khám vì buồn, chán đời mà chỉ đi khám bệnh thực thể. Bệnh nhân đến khám cũng không tin trầm cảm là bệnh.

Một số người hiểu nhầm trầm cảm chỉ là việc ai đó cảm thấy buồn hoặc không có động lực hoặc lười biếng. Tuy nhiên, thực tế trầm cảm là một bệnh phức tạp và nghiêm trọng gây ra bởi sự mất cân bằng các chất sinh hóa ở trong não và có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài.

Mặc dù một số người hiểu nhầm và tin rằng trầm cảm chỉ là việc ai đó cảm thấy buồn hoặc không có động lực hoặc lười biếng, nhưng trong thực tế, trầm cảm là một bệnh phức tạp và nghiêm trọng, gây ra bởi sự mất cân bằng các chất sinh hóa ở trong não và có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài".

Trầm cảm bị hiểu lầm là sang chảnh

Cũng theo ThS Nguyễn Thanh Tâm, những người không biết về trầm cảm đôi khi tin rằng, điều trị trầm cảm là sang chảnh và rằng trầm cảm không cần thiết phải điều trị vì tự nó sẽ qua đi. Tuy nhiên, điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm là rất quan trọng.

Nếu không được điều trị thành công thì khả năng tái phát trong tương lai là rất cao. Hơn nữa, hậu quả của trầm cảm có thể rất nặng nề. Người bị trầm cảm có thể có khó khăn đáng kể trong khi làm việc (khoảng 75% bệnh nhân trầm cảm) hoặc giúp đỡ chăm sóc gia đình (khoảng 65% bệnh nhân trầm cảm).

Khả năng người bị trầm cảm tự tử khá cao (khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời và khoảng 4% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát).

Trầm cảm đang là bệnh khá phổ biến hiện nay, nhiều người mắc bệnh nhưng không hề hay biết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ 4 sau các bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường.

Rối loạn trầm cảm là một vấn đề lớn trong lĩnh vực tâm thần học, là bệnh khá phổ biến, chiếm tỉ lệ cao tại nhiều nước trên thế giới, như Mỹ gần 10%.

Mặc dù phương pháp điều trị bằng thuốc cho trầm cảm đã được kiểm nghiệm ở Việt Nam và các nước khác, tâm lí trị liệu đã được kiểm chứng ở các nước đã phát triển như Mỹ và các quốc gia ở Châu Âu nhưng hiệu quả của tâm lý trị liệu ở Việt Nam còn chưa rõ ràng về, đặc biệt là khi trị liệu tâm lí được cung cấp bởi y tá hoặc bác sĩ đa khoa chứ không phải là các nhà tâm lí trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần.

Trong một dự án được thực hiện mới đây ở Đà Nẵng và Khánh Hòa, với khoảng 450 bệnh nhân ở các trạm y tế, các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam và Mỹ đã thấy rằng chương trình "Kết hợp đa hợp phần trong chăm sóc trầm cảm" (MCCD) có kết quả cao.

Điều trị trầm cảm bằng thuốc và bằng liệu pháp tâm lí. Điều trị bằng thuốc thường hiệu quả, khoảng 65% bệnh nhân điều trị thành công bằng thuốc và khá dễ dàng cho y bác sĩ. Bệnh nhân thường thích điều trị bằng thuốc vì đơn giản, không đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Tuy nhiên, khoảng 1/3 bệnh nhân có tác dụng phụ do thuốc như buồn nôn, cảm thấy bồn chồn, lo lắng, hoa mắt, cảm thấy mệt mỏi… Các tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian, có thể bác sĩ phải đổi thuốc nếu các tác dụng phụ nhiều và gây khó chịu cho bệnh nhân. Một hạn chế quan trọng nữa là khi dừng uống thuốc, các triệu chứng có thể quay trở lại.

Phương pháp điều trị thứ hai là tâm lí trị liệu. Bệnh nhân nói chuyện với y tá, nhà tâm lí, cán bộ công tác xã hội, bác sĩ… để học những cách mới, hiệu quả hơn khi suy nghĩ và các hành động mới. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân gặp gỡ với nhà trị liệu trong khoảng 45 phút/lần/tuần, trong vòng khoảng 2 tháng.

Điểm yếu của phương pháp này là đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ cả bệnh nhân lẫn nhà trị liệu so với điều trị bằng thuốc. Nếu thực hiện chính xác, khoảng 75% bệnh nhân có thể thành công với tâm lí trị liệu và hầu như không có khả năng tái phát.

"Biện pháp tâm lí thực chất là những câu nói trong từng tình huống, giúp hỗ trợ tư duy tích cực, hợp lí hơn để người bệnh không có những suy nghĩ tiêu cực.

Đơn giản như việc bỏ thuốc, ai cũng biết là cần phải bỏ nhưng không phải ai cũng bỏ được. Có thể nói đó là thuốc giảm đau tinh thần, người bệnh cần được hướng dẫn, tự tập luyện", thạc sĩ Tâm chia sẻ.

Theo Lệ Hà - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X