Hotline 24/7
08983-08983

Rác thải ra biển từ Việt Nam nhiều thứ 4 trên trái đất

Hàng tỷ tấn rác thải nhựa đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với 112 cửa biển, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới

Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới - đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố thông tin này tại hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương sáng 10/12. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Đến năm 2050, nhựa sẽ vượt cá về khối lượng
Chuyên gia David Attenborough cảnh báo trên chương trình phim tài liệu tự nhiên Blue Planet rằng các đại dương đang bị đe dọa chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Lượng nhựa dưới biển ước tính khoảng 150 triệu tấn, xấp xỉ 1/5 khối lượng cá. Với tốc độ sản xuất và tiêu dùng nhựa như hiện tại, khối lượng nhựa sẽ vượt cá năm 2050


Hình rác thải ở bờ biển VN - ảnh BTC cung cấp
Hình rác thải ở bờ biển VN - ảnh BTC cung cấp

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường thừa nhận vấn đề rác thải, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang trở nên cấp bách.

"Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực", ông Hà nói.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Gia Chính
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Gia Chính - VNE

Theo ông Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng nghiên cứu biển, hải đảo Việt Nam, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và rất nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ nên bị chết, dẫn đến sinh cảnh bị phá huỷ.

Bà Jacinthe Seguin, chuyên gia Canada nói nhựa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng việc sử dụng nhựa đã bộc lộ nhiều nhược điểm. "Việc hạn chế rác thải biển không chỉ một quốc gia muốn là có thể thực hiện được. Tính liên thông giữa các đại dương buộc chúng ta phải phối hợp để đưa ra những phương án đồng bộ", bà nói.

Nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hạn chế rác thải, ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho hay: "Ở Hàn Quốc, Chính phủ sản xuất một loại túi đựng rác cho các hộ gia đình và buộc họ phải sử dụng. Nhà nào thải ra nhiều rác sẽ phải mua nhiều túi qua đó đóng góp kinh phí vào việc xử lý rác sau này".

Ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc. Ảnh: Gia Chính
Ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc. Ảnh: Gia Chính

Ngoài ra, việc xả thải rác sai phép ở Hàn Quốc sẽ bị chế tài rất nặng. "Đối với các nhà sản xuất, chúng tôi áp đặt trách nhiệm tái chế rác thải trực tiếp. Các đơn vị này vừa sản xuất vừa phải tái chế một lượng rác nhất định, nếu không thực hiện có thể bị phạt lên tới 30% giá trị", ông Kim In Hwan nói.

Bà Katelijn, chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam cần xem xét, chỉ ra lĩnh vực nào phát thải rác lớn nhất để có chính sách cụ thể. "Việt Nam cần cải thiện công tác thu gom rác ở các thành thị, việc quản lý các bãi rác phải chặt chẽ hơn; đặc biệt chú ý việc xử lý rác ngay từ ban đầu chứ không để rác trôi ra biển vì kinh phí xử lý rác trên biển rất đắt đỏ", chuyên gia WB nói.

Về công nghệ xử lý rác, ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Kế hoạch đầu tư cho biết: "Hơn 90% lượng rác ở Việt Nam được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Phương pháp này vô cùng độc hại và nguy hiểm. Rác chôn lấp khiến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất. Rác đốt thì sinh ra chất dioxin (chất da cam) gây biến đổi gen".

Rác thải ở ven biển Việt Nam. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp.
Rác thải ở ven biển Việt Nam. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp.

Trong khi đó, theo ông Đông, các nhà máy rác ở Việt Nam gần như không có phương án nào khác để xử lý rác. "Việc phân loại rác ban đầu gần như không có nên các công nghệ xử lý rác hiện nay không thể đáp ứng được. Nhà máy rác rất hiện đại ở Sóc Sơn (Hà Nội) hoạt động được một tháng phải tạm ngừng vì lý do này", ông Đông nêu.

Theo ông, nhiều đơn vị xây dựng nhà máy rác với công nghệ tiên tiến nhưng thực chất là "công nghệ ảo", không áp dụng được vào thực tế. Vậy nên, Nhà nước cần phải thị trường hóa việc đấu thầu xây dựng bãi rác. Các công ty sẽ tham gia đấu thầu công khai bằng giá và công nghệ. "Bộ Tài nguyên chọn ra phương án nào thích hợp nhất thì đưa vào áp dụng trên diện rộng. Khi có nhà thầu chứng minh được công nghệ của mình hiện đại hơn thì phải tạo điều kiện cho họ áp dụng", ông Đông nói.

Cuối hội thảo, đại diện Bộ Tài nguyên cho hay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng rác thải nhựa, Việt Nam đang sửa đổi Luật biển đảo để tạo khung pháp lý tốt hơn trong vấn đề này.
Khối lượng nhựa sẽ lớn hơn khối lượng cá năm 2050. Ảnh: Telegraph.
Khối lượng nhựa sẽ lớn hơn khối lượng cá năm 2050. Ảnh: Telegraph.

Tã lót có thể tồn tại đến 450 năm

Một trong những lý do nhựa được dùng phổ biến là chúng rất bền. Điều này nghĩa là phần lớn lượng nhựa sản xuất ra ngày nay vẫn tồn tại dưới dạng nào đó, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Một chiếc tã lót có thể tồn tại khoảng 450 năm, gấp hơn 5 lần tuổi thọ trung bình của người Anh. Dây câu cá thậm chí còn bền hơn với thời gian phân hủy lên đến 600 năm.

Có hơn 200 sản phẩm nhựa trên mỗi 100 m bờ biển Anh

Hồi tháng 9, gần 7.000 người tham gia một chiến dịch dọn sạch 255.209 mảnh rác trên 339 bãi biển tại Anh. Kết quả cho thấy, trung bình có 718 mảnh rác trên mỗi 100 m bờ biển mà những người tham gia dọn dẹp, tăng 10% so với năm ngoái.

Các mảnh nhựa nhỏ là thứ xuất hiện phổ biến nhất, cứ 100 m lại có 225 mảnh. Trong số đó, rác thải từ thức ăn và đồ uống, những vật thường chỉ dùng một lần rồi bỏ đi, chiếm ít nhất 20%.

Có 20.000 chai nhựa được bán ra mỗi giây 

Chai nước là một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Năm 2016, có khoảng 480 tỷ chai nhựa được bán ra trên toàn thế giới. Chính phủ Anh đang cân nhắc những biện pháp để kiểm soát lượng tiêu thụ này, trong đó có việc tạo điểm cung cấp nước uống miễn phí và áp dụng chính sách trả chai sau khi sử dụng. 

Theo VNExpress.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X