Hotline 24/7
08983-08983

Rắc rối pháp lý quanh việc sử dụng tinh trùng của người đã mất

Con trai bà Huyền khi sống đã gửi tinh trùng tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi anh qua đời, người mẹ muốn nhận tinh trùng để thụ tinh cho con dâu.

Tháng 12/2018, sau khi con qua đời, người mẹ đến Bệnh viện Từ Dũ TP HCM xin nhận lại các mẫu tinh trùng con mình đã gửi giữ ở đây. Bà cho biết muốn dùng tinh trùng này giúp cô con dâu thụ tinh sinh em bé. Khi chào đời, em bé sẽ mang gene của con bà, là cháu nội của bà.

Bệnh viện không chấp thuận yêu cầu này, với lý do "cô con dâu" chưa đăng ký kết hôn với người gửi tinh trùng.

Lãnh đạo bệnh viện cho rằng vì người vợ không có hôn thú nên những vấn đề pháp lý liên quan đến thừa kế mẫu tinh trùng cần phải đợi phán quyết của tòa án.

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết bệnh viện đã gửi văn bản lên Sở Y tế, Bộ Y tế để xin ý kiến về trường hợp này và đang đợi phản hồi.

"Theo pháp luật hiện hành, người gửi tinh trùng từ lúc còn sống, đến khi qua đời nếu có giấy đăng ký kết hôn thì mới có thể giao trả mẫu tinh trùng cho người vợ", bác sĩ Nhi cho biết.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng Ban phổ biến giáo dục pháp luật Hội Luật gia TPHCM, cho biết khoản 1, khoản 2 điều 21 Nghị định 10/2015của Chính phủ có quy định về việc gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi.

Theo đó, việc gửi tinh trùng được phép thực hiện khi người chồng hoặc người vợ trong những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh; người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân; người tình nguyện hiến tinh trùng, hiến noãn, hiến phôi; cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân lưu giữ phôi còn dư sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Khi người gửi qua đời, đơn vị lưu giữ nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ gia đình người gửi, thì phải hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người đó. Trường hợp vợ hoặc chồng của người gửi có đơn đề nghị lưu giữ và duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản, thì tinh trùng vẫn được giữ lại.

"Trường hợp lúc còn sống người chồng gửi giữ tinh trùng thì khi anh qua đời, người vợ hợp pháp mới có quyền tiếp tục làm thủ tục gửi giữ tinh trùng", bà Hường phân tích.

Tinh trùng được hiến ở ngân hàng sẽ được mã hóa thành vô danh. Ảnh: AFP

Tại Việt Nam, việc lưu trữ, sử dụng tinh trùng từ người đã mất vẫn còn nhiều tranh cãi về pháp lý.

Mới đây một chàng trai 28 tuổi độc thân ở Hà Nội qua đời hôm 5/1 được bố mẹ nhờ bệnh viện đến lấy tinh trùng để lưu trữ. Bệnh viện đã thực hiện nguyện vọng này của gia đình mặc dù chàng trai khi còn sống không có đơn gửi tinh trùng. 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết người trên 18 tuổi đã trưởng thành nên "vấn đề cần xem xét là quyền nhân thân chứ tinh trùng không được tính như một loại tài sản thừa kế".

"Nếu trước khi chết chàng trai không có nguyện vọng được lưu trữ tinh trùng thì bố mẹ không được pháp luật cho phép thực hiện điều này", ông Quang chia sẻ.

Nếu chàng trai có nguyện vọng thì khi mất, bố mẹ lấy tinh trùng xong phải hiến vào ngân hàng tinh trùng. Trường hợp này chàng trai chưa có đăng ký kết hôn nên cũng không được phép lấy tinh trùng để thực hiện thụ tinh ống nghiệm.

Theo quy định, người dân có quyền hiến tinh trùng cho nghiên cứu khoa học, cho các cơ sở khám chữa bệnh. Ngân hàng tinh trùng sẽ mã hóa tinh trùng này thành vô danh, không được tiết lộ tên tuổi người hiến.

Trường hợp đã có đăng ký kết hôn, người vợ được phép yêu cầu sử dụng tinh trùng của người chồng đã qua đời để thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên đứa bé phải mang họ mẹ, không được công nhận bố vì lúc này quan hệ hôn nhân đã chấm dứt.

Theo luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, hiện nay luật chưa cho phép người thân lấy tinh trùng của người qua đời đem đi gửi, giữ rồi làm thủ tục sinh con tại một cơ sở y tế.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho biết về mặt kỹ thuật, việc lấy tinh trùng có thể thực hiện 24-36 giờ sau khi một người đàn ông tử vong. Kỹ thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn và đông lạnh tinh trùng cũng tương tự như các kỹ thuật sinh thiết tinh hoàn tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm thường làm.


Theo Lê Phương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X