Hotline 24/7
08983-08983

Ra máu trong thai kỳ, khi nào là dấu hiệu của sẩy thai hay dọa sẩy thai?

Khi mang thai, mẹ bị ra máu nhiều, có thể chảy máu đỏ tươi hoặc máu thành khối, màu sậm - đem, hoặc chảy dịch hồng nhớt lượng nhiều, chảy dịch trong nhiều như nước tiểu... thì cần đặc biệt lưu ý vì đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo sẩy thai.


Sẩy thai là nỗi lo lớn nhất của các mẹ trong thai kỳ đặc biệt trong những tháng đầu mang thai. Ước tính cứ 5 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị sảy. Sảy thai được tính từ khi thai bắt đầu hình thành cho đến trước 20 tuần.

Hiện chưa có phương pháp ngăn được việc sảy thai sớm nên cả sản phụ lẫn người nhà cần đặc biệt lưu ý để có sự trợ giúp và cấp cứu kịp thời.

1. Sẩy thai là gì?


Sẩy thai là hiện tượng thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung trước khi thai có thể sống độc lập bên ngoài tử cung. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sẩy thai khi thai bị tống xuất khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 22 của thai kỳ, trọng lượng thai thường nhỏ hơn 500 gram.

Sẩy thai tự nhiên diễn ra qua hai giai đoạn: dọa sẩy thai và sẩy thai. Thai phụ cần nắm rõ các dấu hiệu để có thái độ xử trí phù hợp với mỗi giai đoạn.

2. Dấu hiệu của dọa sẩy thai


- Thai phụ có thai dưới 22 tuần, có dấu hiệu ra máu âm đạo (có thể máu đỏ tươi hoặc ít nhầy hồng, có khi ra máu đỏ sậm hay đen, máu ra ít một, liên tiếp.

- Đau bụng: thường không đau bụng nhiều, chỉ có cảm giác tức nặng bụng dưới hay đau âm ỉ vùng hạ vị.

- Bác sĩ khám thấy cổ tử cung còn dài kín.

- Siêu âm: có thai trong buồng tử cung, có tim thai (đối với thai >7 tuần), có hoặc không dấu hiệu bóc tách của nhau thai.

Đối với trường hợp thai phụ có những dấu hiệu như vậy, cần sắp xếp đến khám tại phòng khám chuyên khoa Sản để được thăm khám và xử trí kịp thời.

3. Dấu hiệu của sẩy thai


Sẽ rất đáng buồn khi một người phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ sẩy thai. Dù không mong muốn điều đó xảy ra, người mang thai cũng nên nhận biết những dấu hiệu sau để kịp thời cấp cứu:

- Người mang thai ra máu nhiều. Có thể chảy máu đỏ tươi, hoặc máu thành khối, màu sậm hoặc đen, hoặc hảy dịch hồng nhớt lượng nhiều. Có khi chảy dịch trong nhiều như nước tiểu. Dịch chảy ra có mô nghi là phôi thai.

- Đau vùng bụng dưới và đau lưng. Vùng bụng dưới bị co thắt mạnh, từng cơn, cảm giác mót rặn.

- Sốt hoặc ớn lạnh, cảm giác mệt, vã mồ hôi.

- Mất dấu hiệu mang thai như đau ngực, buồn nôn (mặc dù thực tế là những dấu hiệu này cũng sẽ mất đi khi thai được 10 đến 14 tuần tuổi).

- Bác sĩ khám âm đạo thấy cổ tử cung đã xóa, mở có thể thấy khối thai, nhau thai trong âm đạo. Cổ tử cung hình con quay vì lỗ trong và phần trên cổ tử cung đã giãn, phình to do thai xuống thấp.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp người mang thai không có triệu chứng gì trước khi sẩy thai, nhất là với những thai còn rất nhỏ, thai phụ chỉ thấy ra máu âm đạo rất ít. Một số trường hợp ghi nhận thai phụ có tâm trạng buồn bã, khó chịu hoặc có vị lạ trong miệng trước khi có những triệu chứng sẩy thai rõ ràng hơn.

Vùng bụng dưới bị co thắt mạnh, từng cơn, cảm giác mót rặn là một trong những dấu hiệu của sẩy thai

4. Cần làm gì khi sản phụ có dấu hiệu của sẩy thai?


Việc đầu tiên là người nhà cần trấn an thai phụ, giữ bình tĩnh. Thai phụ ngồi tư thế nửa nằm, giữ đầu cao. Dùng băng vệ sinh hoặc khăn lông sạch rịt kín âm hộ. Ngoài ra cần giữ ấm thân nhiệt thai phụ trước khi đến bệnh viện.

Người nhà cần nhanh chóng đưa thai phụ đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra y tế, bao gồm xét nghiệm và khám lâm sàng để xác định tình trạng thai phụ.

Bác sĩ sẽ thực hiện thao tác kiểm tra âm đạo bằng dụng cụ hoặc bằng tay, nhằm xác định đổ mở cổ tử cung, tình trạng thai, tình trạng chảy máu. Ngoài ra bác sĩ sẽ xác định tim thai qua máy nghe Doppler hoặc máy siêu âm kiểm tra máu để đo nồng độ hormone.

Một lưu ý là khi bị xuất huyết và dịch chảy ra mang theo mô nghi là phôi thai, người nhà nên đặt mô vào đồ chứa sạch, kín. Bác sĩ sẽ xét nghiệm để biết mô có phải là phôi thai không và có phương án điều trị nhanh chóng.

5. Sau khi sẩy thai, thai phụ cần làm gì?


Nếu thai phụ đang sẩy thai mà rau và thai đã thập thò ở cổ tử cung thì bác sĩ sẽ tiến hành gắp thai ra khỏi tử cung hoàn toàn. Sau đó bác sĩ sẽ dùng thuốc và các biện pháp phù hợp để đề phòng chảy máu, kiểm soát buồng tử cung sạch sẽ.

Nếu thai phụ sảy thai hoàn toàn bác sĩ sẽ kiểm tra buồng tử cung đã sạch hay chưa. Nếu buồng tử cung vẫn còn sót rau phải tiến hành nạo hút buồng tử cung và tái khám để kiểm tra.

Cũng có trường hợp được chỉ định đợi các mô tự đẩy ra khỏi cơ thể. Thời gian kéo dài khoảng một tháng.

Quan trọng hơn hết là thai phụ cần cho mình thời gian hồi phục sức khỏe và tinh thần sau khi bị sẩy thai. Để bảo đảm an toàn, bạn cần có biện pháp tránh thai (phương pháp tốt nhất là dùng bao cao su hoặc thuốc tránh thai hàng ngày) trước khi thể trạng trở lại bình thường. Không quan hệ tình dục và giữ vệ sinh sạch sẽ vùng âm hộ, tầng sinh môn khoảng hai tuần để các mô âm đạo hồi phục.

Về mặt tinh thần, phụ nữ bị sẩy thai sẽ có tâm trạng vô cùng đau buồn, mất mát. Gia đình, bạn bè cần an ủi, động viên họ. Sẩy thai không có nghĩa là bạn sẽ không thể có con. Hãy tìm đến cộng đồng, những nhóm hỗ trợ tâm lý để cân bằng cảm xúc và lấy lại nhịp sống bình thường.

Mặt khác, phụ nữ sau khi sẩy thai nên lưu ý giảm thiểu tối đa nguy cơ sẩy thai trong tương lai bằng lối sống lành mạnh, tích cực:

- Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, rượu bia.

- Giữ cân nặng ổn định, không để thừa cân hoặc thiếu cân.

- Tránh tiếp xúc các chất độc hại từ môi trường.

- Những người mắc bệnh tiểu đường, có các vấn đề liên quan đến dạ con, cổ tử cung hoặc ngoài 35 tuổi, thai phụ sẩy thai liên tiếp (hơn 2 lần) vẫn có nguy cơ sẩy thai tương đối cao trong tương lai, vì vậy cần đến khám thai sớm ngay khi có dấu diệu có thai (chậm kinh, nghén).

Theo ThS.BS Nguyễn Thu Như Trúc
Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Vinmec Nha Trang

Làm gì để mẹ và bé cùng khỏe?

Để phòng ngừa sẩy thai, các chị em cần lưu ý:

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, uống bổ sung viên sắt và axit folic để tránh thiếu máu và thiếu axit folic, bởi đây là một trong nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và gây sẩy thai.

- Những thai phụ trong thời kì đầu của thai kỳ hay cuối thai kì đầu phải thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe thai nhi và nhận biết các dấu hiệu bất thường của cơ thể.

- Không nên bỏ qua những dấu hiệu mà thai nhi cố gắng "cảnh báo" cho mẹ. Trường hợp có thai mà đau bụng lâm râm hoặc ra huyết dù là chút ít cũng cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay.

- Nên giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp vì tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sẩy thai.

- Tránh lao động nặng, không ngâm mình dưới nước ao tù.

- Tránh mang giày cao gót vì có thể té ngã, nguy hiểm.

- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại như rượu, bia, thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm.

- Không tự ý dùng thuốc, cho dù là thuốc cảm thông thường hoặc thuốc bổ. Khi dùng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cảm cúm, hoặc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

- Tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền.

Cuối cùng, nếu người mang thai gặp tình trạng sẩy thai, hãy cố gắng lấy lại tinh thần và lạc quan để cơ thể sớm hồi phục, tránh tình trạng suy nhược và trầm cảm.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X