Hotline 24/7
08983-08983

Quảng Trị xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

9 con lợn của hộ dân ở xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả.

Ngày 28/3, UBND huyện Hải Lăng, Quảng Trị công bố dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại xã Hải Chánh - giáp ranh với huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), nơi xuất hiện dịch tả từ 19/3.

Nhà chức trách cho hay, 5 ngày trước 9 con lợn của một hộ dân ở Hải Chánh do nhiễm bệnh đã bị tiêu huỷ, phun hoá chất tiêu độc khử trùng.

Cán bộ thú y soi đèn, kiểm soát xe vận chuyển lợn qua địa bàn Quảng Trị đêm 17/3. Ảnh: Hoàng Táo.

Trước đó, để ngăn dịch xâm nhập, tỉnh Quảng Trị lập hai chốt kiểm dịch động vật ở quốc lộ 1A đoạn qua xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh và đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh. Sau khi Huế công bố dịch, Quảng Trị tiếp tục lập thêm một chốt ở quốc lộ 1A đoạn qua xã Hải Chánh và năm chốt ở các đường giao giữa các xã với huyện Phong Điền.

Việc Quảng Trị công bố dịch đã nâng tổng số địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi lên 23 tỉnh, thành.

Chiều 27/3, tại buổi làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, một số doanh nghiệp đã đề nghị cân nhắc việc công bố dịch dựa trên quy mô đàn lợn có bệnh. Dẫn chứng ổ dịch tại tỉnh Bắc Kạn chỉ có duy nhất một con bị bệnh nhưng cũng công bố dịch, đại diện doanh nghiệp cho rằng việc công bố đó có thể khiến người tiêu dùng hoang mang, "quay lưng" với thịt lợn.

Cũng tại buổi làm việc, Trưởng phòng dịch tễ (Cục thú y) Nguyễn Văn Long cho biết, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam đã phân lập được virus Dịch tả lợn Châu Phi tại ổ dịch ở Hưng Yên và Thái Bình vào hôm 8/3. Ông Long cho hay, việc phân lập được virus là bước tiến quan trọng để phục vụ việc nghiên cứu vắcxin của Việt Nam.

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2016 đến nay, bệnh xuất hiện tại trên 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước còn lại là Trung Quốc, Mông Cổ).

Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên. Giai đoạn đầu, dịch chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Nhưng từ ngày 20/3, bệnh có chiều hướng lây lan nhanh ở phạm vi rộng và xuất hiện ổ dịch quy mô lớn. Cụ thể, tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên dịch xuất hiện ở hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 con (gồm 500 nái và 4.000 lợn thịt).

23 tỉnh, thành của Việt Nam đã xảy ra dịch gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.

Theo Hoàng Táo - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X