Hotline 24/7
08983-08983

Quần thể tổ chim én trên tháp nước 100 năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Được người Pháp xây để cấp nước cho bộ máy cai trị, Nhà Tròn còn là nơi có quần thể tổ chim én độc đáo giữa lòng TP Bà Rịa.

Hàng ngày, người dân đi qua ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8 và 27/4 (TP Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu), thích thú cảnh đàn chim én túa ra từ di tích Nhà Tròn bay đi khắp nơi bắt mồi, tiếng kêu vang cả một góc trời. 

Nhà Tròn - tên người dân TP Bà Rịa thường gọi tháp nước (tiếng Pháp Chatoau deau). Đầu thế kỷ 20, cùng với việc xây dựng nhà thờ và lập đồn điền cao su, người Pháp xây dựng Nhà Tròn để phục vụ cho bộ máy cai trị và binh lính.

Di tích Nhà Tròn Bà Rịa hiện nay. Ảnh: Nguyễn Khoa.

Nhà Tròn cao 20 m, kiến trúc chính là bồn chứa nước hình tròn có mái che bằng tôn, đường kính hơn 7 m. Bồn chứa nước được đỡ bằng tám trụ đứng bằng ximăng cốt sắt, liên kết với nhau bởi các xà ngang, hai ống dẫn nước lên và một ống dẫn nước từ bồn xuống cùng một thang sắt để lên xuống.

Năm 1945, người Nhật lắp đặt một hệ thống còi hơi báo động gồm 6 cái dưới bồn nước hiện vẫn còn hoạt động được. Phía dưới chân Nhà Tròn có một nhà bát giác, cạnh dài 6 m, cao 4 m, bao quanh các trụ đỡ bồn nước. Dưới chế độ cũ, ngôi nhà này là trụ sở của Cục cảnh sát thị trấn Bà Rịa. 

Ông Đoàn Văn Hội (77 tuổi, cán bộ về hưu) cho biết, 60 năm trước, gia đình ông chuyển về sống ở TP Bà Rịa đã thấy chim én làm tổ ở di tích này. "Những người già sống ở đây kể, chim én về sống ở Nhà Tròn từ thời Pháp", ông nói.

Hàng trăm tổ chim én dưới đáy bồn chứa nước. Ảnh: Nguyễn Khoa.

Qua hàng chục năm, quần thể với hàng trăm tổ én tầng tầng lớp lớp hình thành ở phía dưới đáy bồn chứa nước. Vị trí chúng làm làm tổ cách mặt đất hơn 15 m. 

Ông Bùi Hữu Hòa (người dân TP Bà Rịa) nói rằng hơn 30 năm trước, chính quyền thành phố tiến hành đợt sửa chữa lớn, thời gian kéo dài nên đàn chim vắng bóng. "Chúng bay đi đâu đó một thời gian rồi trở về chứ chưa bao giờ bỏ tổ", ông nói.

Ông Hòa cho biết, đàn chim én tụ tập về đây đông đúc khi trời vào xuân và những tháng đầu mùa mưa. "Sở dĩ Nhà Tròn là nơi lý tưởng cho đàn chim an cư là do khu vực này khí hậu ôn hòa và ít chịu sự tác động tiêu cực của gió, bão", ông Hòa cho hay.

Theo ông Hòa, đã có nhiều người trèo lên gỡ tổ, bắt chim bị người dân phát hiện ngăn chặn. "Khu vực này còn tập trung nhiều cơ quan công quyền, vì vậy mà quần thể tổ chim én mới có thể tồn tại đến ngày nay", ông Hòa cho hay.

Đơn vị quản lý không tác động đến tổ chim én trong các đợt sơn sửa, trùng tu di tích. Ảnh: Nguyễn Khoa.

Ông Nguyễn Văn Vương, Quyền trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Bà Rịa, cho biết, Nhà Tròn được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1987 và hiện là nơi để người dân, du khách tham quan và tổ chức triển lãm. 

"Đây là nơi ghi dấu lịch sử của người dân Bà Rịa trong trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Ngoài kiến trúc, đàn chim én cũng là nét độc đáo riêng có của di tích và thành phố", ông Vương nói.

Theo Nguyễn Khoa - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X