Hotline 24/7
08983-08983

Quai bị “vào mùa”, nam giới cẩn thận vô sinh

“Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Độ tuổi nào cũng có khả năng nhiễm bệnh. Nam giới mắc bệnh có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn, nữ giới viêm buồng trứng..."

BS Cường đang khám cho một bệnh nhân quai bị. Ảnh: HD
BS Cường đang khám cho một bệnh nhân quai bị. Ảnh: HD

"... Viêm tinh hoàn do quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh, thiếu niên mới trưởng thành”, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho hay.

Nam giới có thể vô sinh

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh quai bị xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa Đông - Xuân. Từ sau Tết đến nay, Khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị quai bị vào viện khám và điều trị nội trú. Nhiều trường hợp mắc bệnh quai bị khi trước đó tiếp xúc với một người bạn mắc căn bệnh này.

Bệnh quai bị còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 18-21 ngày.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) hiện diễn biến về dịch bệnh đối với trẻ em nói chung không phức tạp. Các bệnh nhi đến khám hầu như không phải nhập viện, đều được về điều trị ngoại trú.

Lứa tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị nhưng ít gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Sau 2 tuổi, tần suất mắc bệnh tăng dần. Bệnh quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học… Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm và rất hiếm khi tái phát.

Khi mắc bệnh, trẻ chỉ hơi sốt, sau đó sưng một bên mang tai, một hai hôm sau sưng cả hai bên. Bệnh quai bị ở trẻ nhỏ thường rất lành tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách vẫn có khả năng gây biến chứng như viêm não - màng não, viêm tinh hoàn ở trẻ trai, hoặc viêm buồng trứng ở trẻ gái và có thể dẫn đến vô sinh ở tuổi trưởng thành, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, so với các dịch khác, dịch quai bị thường xảy ra dai dẳng. Bệnh có thể lây từ khi người bệnh mắc virus chưa phát bệnh hoặc sau điều trị cả tuần rồi xét nghiệm vẫn còn virus gây bệnh.

Người bệnh khi mắc bệnh thường có biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C - 40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau đớn… Nam giới mắc bệnh có thể bị viêm tinh hoàn, nữ giới thường viêm buồng trứng khi bị quai bị. Viêm tinh hoàn do quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh, thiếu niên mới trưởng thành. Biểu hiện tinh hoàn sưng to, đau, mật độ chắc, da bìu bị phù nề, căng, bóng, đỏ. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, viêm tụy, viêm não, màng não...

Ở nam giới, tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh. Song hậu quả vô sinh do bệnh quai bị gây ra nhìn chung là hiếm gặp. Để đánh giá bệnh nhân có bị biến chứng teo tinh hoàn hay không, cần được theo dõi chặt chẽ sau này. Sưng đau tinh hoàn xảy ra khi cơn sốt trở lại sau sốt sưng mang tai từ 5-7 ngày. 70% bệnh nhân sưng một bên, chỉ có 30% sưng đau hai bên tinh hoàn với kích thước to gấp 2-3 lần bình thường và trong vòng một tuần là hết sưng.

Nguy hiểm khi tự ý điều trị bệnh

Để điều trị bệnh quai bị, nhiều người dân hiện chủ quan nghĩ rằng sử dụng các biện pháp truyền miệng như dùng hàm trâu hơ nóng, hoặc hạt gấc hơ nóng áp vào vết sưng đau… Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, những việc làm này không có căn cứ khoa học, đôi khi còn gây hại cho người bệnh.

Người dân cũng cần tuyệt đối không tự dùng thuốc chống viêm vì nó không có tác dụng ngăn lại biến chứng. Bệnh quai bị do virus gây ra, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao, dùng thuốc giảm đau nếu đau nhiều. Đồng thời, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não, tăng cường dinh dưỡng...

Với trẻ bị quai bị, các chuyên gia Nhi khoa khuyến cáo, cần đưa đến khám bác sĩ ngay để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc, hạn chế tối đa những ảnh hưởng có thể xảy ra. Vì quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn tiến từ từ sau đợt viêm cấp tính.

Trẻ nhỏ đã mắc bệnh quai bị cần vệ sinh sạch sẽ, cách ly với trẻ khác, người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn để hạn chế đến mức tối đa sự lây lan của virus. Cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, không cho trẻ vận động nhiều. Đặc biệt, trong trường hợp trẻ bị sưng tinh hoàn cần nghỉ ngơi tuyệt đối. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không kiêng cữ và nên chọn những thức ăn mềm, dễ nuốt vì khi bị quai bị ăn uống sẽ khó khăn.

Người dân cần tránh tự ý bôi hoặc đắp những loại thuốc dân gian ở tuyến mang tai đề phòng nhiễm độc. Không ít trường hợp sử dụng mẹo đã không khỏi còn làm mất thời gian “vàng” điều trị, gây biến chứng bệnh nặng hơn. Sau khi điều trị khỏi ít nhất 2 tháng cũng nên tránh vận động mạnh, không uống đồ có ga để phòng tránh biến chứng nguy hiểm.

Để chủ động phòng chống bệnh quai bị:

- Mọi người cần thường xuyên rửa tay với xà phòng. Bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.

- Khi có người bị bệnh, phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác. Nhất là những bé chưa bị quai bị lần nào thì càng không nên tiếp xúc với người bị quai bị.

- Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh quai bị là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch. Hiện nay có vaccine 3 trong 1 là sởi - quai bị - rubella mọi người nên tiêm, nhất là phụ nữ và nam giới trong độ tuổi trưởng thành, sinh đẻ.

Theo Phương Thuận - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X