Hotline 24/7
08983-08983

Probiotics: Xu hướng điều trị mới trong hội chứng ruột kích thích

Khi sử dụng chủng Probiotics LP229V trên người bệnh hội chứng ruột kích thích, nó có khả năng giúp làm giảm triệu chứng, đặc biệt là đau bụng và đầy hơi, ít tác dụng ngoại ý.

Sáng 12/5/2019, Hội khoa học Tiêu hóa TPHCM đã tổ chức chương trình hội thảo với chủ đề “Probiotics - Xu hướng điều trị mới trong hội chứng ruột kích thích” với sự tham dự của gần 300 khách mời là y bác sĩ đến từ miền Trung, ĐBSCL, Miền Đông Nam Bộ và TPHCM.

3 bài báo cáo của các chuyên gia cùng chủ đề thu hút sự chú ý cũng như đặt câu hỏi phản biện của khách mời tham dự. Đó là: Tổng quan về hội chứng ruột kích thích; Hiểu biết về hệ vi sinh ruột ở người khỏe mạnh và trong bệnh lý; Vai trò của LP 299V trong điều trị hội chứng ruột kích thích.

Các diễn giả tham gia chương trình: BS Trần Kiều Miên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM, PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Tổng Thư ký hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM, TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội vi sinh lâm sàng TPHCM, GS.BS Francisco Guarner - Chủ tịch Hội Probiotics và Preboitics Tây Ban Nha

BS Trần Kiều Miên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM chia sẻ trước thềm hội thảo: “Trong lĩnh vực khoa học, tiêu chảy, đau quặn đại tràng vô cùng quan trọng, gây cảm giác khó chịu lâu dài cho người bệnh.

Trên những triệu chứng này có những loại có tổn thương thật sự, cần can thiệp bằng thuốc, phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn tối thiểu. Nhưng có những loại lại không phát hiện ra như viêm túi thừa, rối loạn tiêu hóa do nhiễm ký sinh trùng - siêu vi… gây ra hiện tượng loạn khuẩn ở tiêu hóa.

Nếu trước kia, chúng ta chỉ biết đến Prebiotic thì hiện tại lại có cơ hội biết thêm về Probiotics . Buổi hội thảo hôm nay sẽ mang đến câu trả lời cho câu hỏi đặt ra: Giữa Probiotics và Prebiotics sẽ khác nhau thế nào, ứng dụng ra sao?”.

Đừng nhầm lẫn hội chứng ruột kích thích và ung thư đại trực tràng

Bài báo cáo đầu tiên của PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Tổng Thư ký hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đưa ra cái nhìn tổng quan về căn bệnh này.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là bệnh lý phổ biến trên toàn cầu. Tỷ lệ người châu Á mắc căn bệnh này không nhiều bằng châu Mỹ, nhưng cao hơn châu Phi, Ả Rập. Cứ 10 trường hợp người bình thường sẽ có 1 người gặp tình trạng IBS.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đưa ra cái nhìn tổng quan về hội chứng ruột kích thích

Gần đây, đã có đồng thuận cập nhật các tiêu chuẩn ROME để cung cấp một tiêu chuẩn chẩn đoán IBS giúp cho việc nghiên cứu và thực hành lâm sàng. Các tiêu chuẩn ROME IV để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích yêu cầu bệnh nhân phải có đau bụng thường xuyên hay khó chịu ít nhất 4 ngày/tháng trong 3 tháng trước đó (ROME 3 là 3 ngày/ tháng) và kết hợp với 2 hoặc nhiều hơn các điểm sau đây: đau bụng cải thiện khi đi tiêu (trước đó đi tiêu xong giảm đau), đau bụng kèm đi tiêu, khung phân.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn này khi ứng dụng thực hành lâm sàng còn nhiều điểm khó. Do đó, hội nghị năm 2017 đã đồng thuận đưa ra cách tiếp cận đơn giản hóa, đó là khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó chịu, đau bụng - triệu chứng tiên quyết cần phải có, thay đổi chức năng đi tiêu ít nhất là 3 lần thì cần xem xét có bị IBS hay không.

Trong trường hợp có gợi ý về triệu chứng thực thể thì cần làm thêm xét nghiệm. Tuy nhiên, theo BS Đức không cần làm quá nhiều xét nghiệm khiến bệnh nhân hoang mang nhưng cần đảm bảo tối thiểu: xét nghiệm công thức máu, đánh giá tình trạng viêm, đối với trường hợp tiêu chảy kéo dài quan tâm đến bệnh lý tùy theo khu vực. Với người có tiền sử ung thư đại trực tràng gia đình, trên 50 tuổi thì cần loại trừ bệnh lý ác tính của đường tiêu hóa dưới.

Bởi theo BS Đức, IBS làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng gấp 5 lần, ung thư đại trực tràng 8 lần so với người bình thường. Điều quan trọng là triệu chứng ung thư đại trực tràng thường bị che lấp và tương đối giống với IBS.

Đây là căn bệnh khởi phát sớm, không có triệu chứng báo động lên đến 22,3%, biểu hiện triệu chứng tiêu hóa dưới ngắt quãng chiếm 42,9%. Trong đó, yếu tố tiền sử gia đình rất quan trọng nhưng thường bị bỏ quên. Nếu trong gia đình có người thân (cha mẹ, anh chị) mắc ung thư đại trực tràng thì nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn rõ ràng so với người khác.

Do đó, BS Đức khuyến cáo rằng, độ tuổi tầm soát ung thư đại trực tràng ở Việt Nam cần thấp hơn (dưới 50) và các bác sĩ có thể dùng thang điểm APCS hữu dụng giúp phân tầng nguy cơ để thăm dò nội soi.

IBS một tình trạng mạn tính, hay tái phát. Do đó, mục tiêu điều trị IBS là điều trị triệu chứng và cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Để làm tốt điều này không phải do thuốc mà quan trọng nhất vẫn là mối liên hệ giữa người thầy thuốc và người bệnh. Thầy thuốc cần giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân vì kiến thức y khoa có thể giúp họ bớt nỗi sợ hãi quá mức khi bệnh cứ tái đi tái lại.

Phương pháp điều trị IBS khởi đầu bao gồm các kiểu kết hợp khác nhau của các thuốc chống co thắt, nhuận tràng, trợ vận động, chống tiêu chảy và các loại men vi sinh. Đặc biệt, khi điều trị IBS cần cụ thể hóa trên từng trường hợp và không nên đánh giá phân nhóm IBS dựa trên tần suất đi tiêu đơn thuần mà nên đánh giá cả dạng khuôn phân theo thang Britol và triệu chứng khi đi tiêu như phải rặn nhiều, cảm giác đi tiêu gấp, đi tiêu không trọn.

“Vũ khí” mới điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích

GS.BS Francisco Guarner - Chủ tịch Hội Probiotics và Preboitics Tây Ban Nha ví von cơ thể con người là một hành tinh, chứa đến 100.000 tỷ tế bào nhưng chỉ có 10% thực sự là tế bào của cơ thể. Phần còn lại thuộc tế bào ngoại lai: vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác. Trong đó, vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng. Chúng thậm chí còn tham gia chi phối sự hoạt động của các gen, một gen nào đó hoạt động hay không phụ thuộc vào các vi khuẩn nào đó có mặt hay không. Hệ vi sinh ruột giúp thúc đẩy hệ miễn dịch, thúc đẩy tính tăng nhạy cảm.

Ông khẳng định, chúng ta không thể sống “yên thân” nếu hệ vi sinh ruột bị xáo trộn. Hệ thống vi khuẩn đường ruột và vật chủ là con người có mối quan hệ chặt chẽ, tương tác lẫn nhau.

Khi xảy ra rối loạn, mất cân bằng 2 hệ thống này thì sẽ xảy ra nhiều bệnh lý “thời đại” do viêm nhưng không phải truyền nhiễm như: Hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng đường ruột, bệnh caeliac, ung thư đại trực tràng, một số bệnh dị ứng, một số bệnh tâm - thần kinh như rối loạn tự kỷ... Trong tất cả bệnh lý này, người ta luôn tìm thấy tính đa dạng của hệ vi sinh đường ruột của bệnh nhân thấp hơn rất nhiều so với người bình thường.

GS.BS Francisco Guarne chia sẻ về chủ đề Hiểu biết về hệ vi sinh đường ruột bình thường và bệnh lý

Qua những công trình nghiên cứu, GS đưa ra trong bài báo cáo giúp người tham dự thấy được vai trò của việc sử dụng Probiotics trong điều trị hội chứng ruột kích thích, bởi những khiếm khuyết liên quan có thể được giải quyết, chủng vi khuẩn có tác động kháng viêm có thể làm giảm đau (tính nhạy cảm tạng, tính thấm), những sản phẩm như Lactate và butyrate có thể hình thành hàng rào bảo vệ giúp bảo vệ và lưu thông ruột. Đặc biệt những sản phẩm lên men từ axit chuỗi ngắn có thể làm giảm sản xuất hơi trong lòng ruột già.

Theo GS, việc hướng dẫn và sử dụng sản xuất Probiotics rất cụ thể, nghĩa là chủng loài sử dụng phải thật rõ ràng cả về chủng, loài, giống, mô tả cụ thể trong tập vi sinh ở quốc tế. Để sử dụng những loại Probiotics này ứng dụng trong thực hành lâm sàng thì cần trải qua nhiều công trình nghiên cứu để đánh giá an toàn, khắt khe như với thuốc.

Việc điều trị bằng Probiotics giúp đưa bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích trở về bình thường, cả về chức năng lẫn triệu chứng, thông qua các nghiên cứu đã chứng minh làm giảm hơi lòng ruột, giảm sự tăng nhạy cảm của thần kinh tạng, từ đó giúp cho việc tiêu hóa được tốt hơn.

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội vi sinh lâm sàng TPHCM đặt ra vấn đề trong phần báo cáo “Vai trò của LP299V trong điều trị hội chứng ruột kích thích IBS”, Probiorics có rất nhiều loài khác nhau, rất khó phân biệt rõ ràng, điều quan trọng là cần chọn đúng trong cả khu rừng, và phải tìm ra được vi sinh vật để tồn tại, hoạt động được ở đại tràng.

Trải qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra Lactobacillus và chọn lọc trong hơn 300 loài của nó lại phát hiện Lactobacillus plantarum 299v (LP299V) là dòng định vị, hoạt động tốt nhất ở đại tràng.

LP299V có cơ chế đối kháng với sinh bệnh học IBS, nó làm gia tăng sự đa dạng, phong phú cho hệ vi sinh ruột, giúp làm bền vững hàng rào niêm mạc ruột, tăng sản xuất chất nhầy, phục phồi tính thấm, giảm mầm bệnh lạc chỗ, giúp hệ miễn miễn dịch phục hồi để giảm viêm, hoạt động chống lại vi khuẩn.

Trong phần báo cáo, BS Vân đưa ra nhiều nghiên cứu khẳng định dữ liệu an toàn của LP299V. Nó nó lịch sử lâu dài có trong thiên nhiên và sử dụng an toàn trong nhiều loại thực phẩm như bắp cải muối và oliu chế biến, ngay cả khi vượt qua hàng rào ruột, không gây ra nhiễm khuẩn và khảo sát trong quá trình lưu hành, không có trường hợp nào có du khuẩn huyết.

Khi sử dụng LP229V trên người bệnh IBS ghi nhận tính độc đáo, nó có khả năng sống trong đường tiêu hóa, giúp làm giảm triệu chứng, đặc biệt là đau bụng và đầy hơi, ít tác dụng ngoại ý như chóng mặt thoáng qua. Kể cả đối với trẻ em, LP229V cũng không ghi nhận bất kỳ vấn đề về an toàn nào trong các nghiên cứu.

BS Vân đánh giá đây có thể trở thành “vũ khí” mới để điều trị thêm cho bệnh nhân IBS sau khi đã cân nhắc lợi ích, nguy cơ.

Theo Hoàng Thúy - Ảnh: Viết Hưởng - Ongbachau

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X