Hotline 24/7
08983-08983

Phút nghẹt thở của bác sĩ phẫu thuật tim cho em bé nhẹ cân nhất lịch sử Bệnh viện Nhi đồng 1

Khi “đụng dao kéo” đến trái tim bé nhỏ như vậy, điều lo lắng của phẫu thuật viên là cơ tim của bệnh nhi rất mỏng có thể bị xé rách khi nhịp đập trở lại, hoặc chẳng may đụng trúng dây thần kinh tim.

Chiều 1/7, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật tim thành công cho bé sơ sinh có cân nặng 1,6 kg, con của sản phụ L.T.A.T. (ở Tiền Giang). Đây là ca phẫu thuật cho cháu bé nhẹ cân nhất trong lịch sử Bệnh viện Nhi đồng 1.
 
Họp báo chiều 1/7 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với sự tham gia của bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim, bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu - Phó khoa Hồi sức ngoại, bác sĩ Nguyễn Quý Hợp khoa Hồi sức ngoại (từ phải qua)
 
Chị T. sinh hai bé gái tại Bệnh viện Từ Dũ, khi song thai chỉ mới 30 tuần tuổi. Bé chị có sức khỏe tương đối ổn định. Tuy nhiên, bé em chỉ nặng 1kg. Siêu âm tim xác định bé tồn tại ống động mạch lớn 6mm (PDA) và lỗ thông liên thất lớn 7mm (VSD), phải đối mặt với nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp, suy tim.
 
Ngày 21/5, khi bé được 32 ngày tuổi, Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng 1, đề nghị phẫu thuật cột ống động mạch để giải quyết những vấn đề cấp bách. Bé được chuyển sang bệnh viện nhi cùng ngày và được phẫu thuật 1 tuần sau đó, khi cân nặng được 1.3kg.
 
Đến ngày 24/6, bé được phẫu thuật lần 2 (phẫu thuật tim hở đóng lại lỗ thông liên thất), lúc này nặng 1.6kg. Nếu đúng tuổi thai, bé chỉ mới sắp ra đời. Nhưng so với thai nhi còn ở trong bụng mẹ thì sức khỏe của bé sinh non thua kém rất nhiều vì tất cả các cơ quan đều chưa đủ trưởng thành.
 
BS.CK2 Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết trước khi phẫu thuật, bé gái được chăm sóc tích cực, dùng thuốc chống suy tim với hi vọng bé cứng cáp hơn, đủ sức chịu đựng khi lên bàn mổ. Tuy nhiên, lo ngại việc bé về nhà có thể xảy ra bất trắc vì nguy cơ ngộ độc thuốc rất cao nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật mà không đợi bé tăng cân thêm nữa, mặc dù họ biết rõ khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
 

Lồng ngực của bé chỉ bằng bàn tay người lớn


Và trái tim chỉ to hơn ngón tay cái của phẫu thuật viên
 

Nếu mổ tim kín để sửa chữa các dị tật ngoài tim thì đơn giản hơn, nhưng đây là ca phẫu thuật tim hở để giải quyết những tổn thương sâu trong tim, tim phải được ngừng đập, sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (thay thế cho tim) trong suốt thời gian diễn ra ca mổ. Việc chọn lựa các dụng cụ cũng gặp khó khăn vì cái gì cũng phải “siêu nhỏ”, chỉ khâu cũng mảnh bằng sợi tóc.

 

Hệ thống tuần hoàn đồ sộ làm việc thay trái tim bé xíu trong thời gian thực hiện phẫu thuật

Khi “đụng dao kéo” đến trái tim bé nhỏ như vậy, điều lo lắng của phẫu thuật viên là cơ tim của bệnh nhi rất mỏng, ngay cả sợi chỉ khâu nhỏ xíu cũng có thể làm rách mô tim, hoặc cơ tim bị xé tại vết mổ khi nhịp đập trở lại.
 
Bên cạnh đó, BS.CK2 Nguyễn Đức Tuấn còn có thêm một nỗi lo là “block tim”, tức là nếu đụng trúng hay làm tổn thương dây thần kinh tim thì khi máu đổ về trở lại, tim cũng không đập được, phải dùng máy tạo nhịp thì ca mổ coi như thất bại, hoặc bệnh nhân sẽ tử vong. Do đó, BS Tuấn vận dụng hết kinh nghiệm của mình khi thực hiện những ca mổ trước đó cho các bé 1.8kg, 2kg… để chọn lựa khâu ở những vị trí ít có khả năng tổn thương nhất.
 
Công đoạn hồi sức cho bé cũng gặp không ít vất vả. Bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu - Phó khoa Hồi sức ngoại cho biết, do đường thở của bé rất nhỏ và ngắn nên việc đặt ống thở cũng phải thật tỉ mẩn. Đặt sâu một chút thôi có thể tổn thương phế quản, nông quá thì ống tuột ra ngoài, phải làm sao vừa khéo để khí tỏa đều hai bên phổi. Đó chỉ là đơn cử. Rất may là mọi việc diễn ra tốt đẹp, 30 giờ sau phẫu thuật bé đã cai hoàn toàn máy thở, có thể tự thở bình thường.
 

Sau ca phẫu thuật, bé tăng cân tốt. Đến ngày 1/7, bé cân nặng 1700g, bú 40ml sữa/lần như các bé sơ sinh khỏe mạnh khác và dự kiến xuất viện sau 1 tuần nữa.
 

Đây là ca phẫu thuật tim hở nhẹ ký nhất từ trước đến nay được thực hiện trên bé sơ sinh non tháng. Thành công này đánh dấu sự phát triển vượt bật của chuyên ngành phẫu thuật tim và thông tim can thiệp tại BV Nhi đồng 1 sau 15 năm triển khai với hơn 11.000 trẻ được cứu sống.


Hồng Nhung
Ảnh: Hoàng Long và BVCC
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X