Hotline 24/7
08983-08983

Phương pháp tập khí công cho người bị chứng nhức đầu

Khí công là một phương pháp rèn luyện sức khỏe lâu đời. Thông qua luyện tập: điều tức, điều tâm, điều thân, dẫn đến kiểm soát và thúc đẩy tiềm năng sinh lý của cơ thể, tăng cường sức khỏe để ngăn ngừa bệnh tật.

Đau đầu. Ảnh minh họa: Internet
Đau đầu. Ảnh minh họa: Internet

Đau đầu là triệu chứng hay gặp trong nhiều bệnh. Nhưng với 1 số người nó xảy ra thường xuyên và lâu dài làm đe dọa đến thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và làm việc hằng ngày. Nhức đầu thường thấy như nhức đầu căng cơ (tension headache) và đau nửa đầu (migraine), phần nhiều không tìm ra được nguyên nhân, tuy nhiên chúng ta biết nó được gây ra bởi nhiều yếu tố và liên quan đến thể chất mỗi người.

Tập thể dục thường xuyên là 1 cách hiệu quả để tăng cường thể lực, lại thúc đẩy cơ thể tiết ra thuốc giảm đau tự nhiên (edophine), giúp giảm stress, giảm đau và đem lại cảm giác thoải mái. Bệnh nhân đau đầu được khuyến khích tập các bài tập vừa phải, nhẹ nhàng như thái cực quyền, ngũ cầm hí, đi bộ, chạy bền…tuy nhiên cần sắp xếp thời gian tập luyện đều đặn và làm ấm lên mỗi lần tập, không tập quá nhiều sẽ làm bệnh nặng thêm.

Khí công là một phương pháp rèn luyện sức khỏe lâu đời. Thông qua luyện tập: điều tức( luyện hơi thở), điều tâm (ý niệm), điều thân (luyện tư thế), dẫn đến kiểm soát và thúc đẩy tiềm năng sinh lý của cơ thể, tăng cường sức khỏe để ngăn ngừa bệnh tật. So với các hoạt động thể thao khác thì khí công nhấn mạnh điều hòa ảnh hưởng trạng thái tâm lý con người đối với sức khỏe, yêu cầu thông qua hoạt động tinh thần ý thức và quá trình tâm lý đặc thù để tự điều chỉnh hoạt động sinh lý của cơ thể. Ví dụ như thay đổi sự lưu thông máu, trương lực cơ, hô hấp…do đó, khí công là phương pháp rèn luyện cả thể chất, lẫn tinh thần. Đối với các bệnh về ức chế tâm lý, chức năng các cơ quan không điều hòa, việc kiên trì tập luyện khí công, sẽ đem lại kết quả tốt.

Khí công phòng trị chứng đau đầu

Dưới đây xin giới thiệu phương pháp tập khí công cho người bị chứng nhức đầu:

Bài tập thư giãn

Đây là bài tập cho những người mới học khí công. Thông qua việc thư giãn cơ bắp có trình tự, nhịp điệu kết hợp với ám thị bằng từ, để điều chỉnh cơ thể vào trạng thái thư giãn, nhẹ nhàng, tự nhiên. Bản chất của bài tập này có tác dụng thúc đẩy khí huyết, điều hòa tạng phủ, sơ thông kinh lạc, tăng cường thể chất con người. Đối với những người mất ngủ, suy nhược thần kinh, chiều tối luyện tập thư giãn có thể loại bỏ sự căng thẳng (stress), ngủ tốt hơn.

1. Chuẩn bị: nằm ngửa, ngồi hoặc đứng thoải mái, lưỡi đặt lên hàm răng trên, hai mắt nhắm hờ, hô hấp nhẹ đều, tập trung theo dõi vùng đan điền (dưới rốn).

2. Động tác: dùng ý niệm kiểm soát toàn cơ thể, rồi cảm nhận sức nặng của từng bộ phận, sau đó thư giãn hết mức. Thực hiện theo ba nhóm dưới đây:

- Nhóm 1: Từ đầu > vai > cánh tay > khuỷu > cẳng tay > cổ tay > bàn tay > ngón tay.

- Nhóm 2: Từ mặt > cổ > ngực > bụng > đùi > gối > cẳng chân > bàn chân > ngón chân.

- Nhóm 3: Từ sau đầu > cổ gáy > lưng > eo > sau đùi > khoeo chân > bắp chân > bàn chân > lòng bàn chân.

Ám thị/ nói thầm từ “thả lỏng” khi đi qua mỗi vùng, hết nhóm này tới nhóm khác, làm như thế 3-5 lần. Nếu như vị trí đó đang căng cứng hoặc đau thì nơi đó ám thị từ “ thả lỏng” 20-30 lần. Cuối cùng, thư giãn toàn cơ thể, từ đầu cho đến chân 1 lần, ám thị từ “ thả lỏng”.

Khí công vùng đầu mặt

Khí công vùng đầu mặt là thông qua hoạt động xoa bóp và hô hấp, nhằm loại bỏ sự khó chịu ở vùng đầu mặt. Cụ thể điều tiết kinh lạc vùng mặt, có tác dụng thúc đẩy khí huyết lưu thông, làm đẹp khỏe mạnh hơn. Thích hợp cho các chứng bệnh đau đầu, choáng váng, cảm cúm, cao huyết áp.

1. Chuẩn bị: ngồi thẳng hoặc đứng 1 chỗ, toàn thân thư giãn, loại bỏ suy nghĩ trong đầu, lưỡi đặt hàm trên, hai mắt nhắm hờ.

2. Thao tác

Đẩy vùng trán: các ngón trỏ, giữa, nhẫn của 2 bàn tay khép lại, dùng mu ngón tay đẩy từ điểm giữa lông mày hướng lên chân tóc từ 24-50 lần; từ điểm giữa chân tóc đẩy hướng ra 2 bên 24-50 lần. Hô hấp nhẹ đều dài, lúc hít vào dùng lực đẩy, khi thở ra thì nhẹ lại, tập trung sự chú ý vào dưới ngón tay.

Xoa vùng thái dương: dùng 2 ngón trỏ và giữa ấn vào chỗ lõm cuối đuôi lông mày, hướng ra sau tai xoa vòng tròn nhẹ nhàng từ 24-50 lần. Tập trung chú ý và hô hấp giống động tác trên.

Xát mặt: dùng 2 lòng bàn tay áp lên vùng trán, xát ra 2 bên, lại hướng xuống dưới, sau đó từ 2 bên cánh mũi lại hướng lên trên từ 24-50 lần, lại làm ngược lại từ 24-50 lần. Hô hấp tự nhiên, tập trung sự chú ý vào dưới lòng bàn tay.

Chải đầu: dùng 5 ngón tay của 2 bàn tay co cong lại tự nhiên, chải tóc hướng từ trước ra sau đầu từ 24-50 lần. Tập trung sự chú ý dưới ngón tay, hô hấp tự nhiên.

Vuốt đởm kinh: 4 ngón tay của 2 tay khép nhẹ lại, dùng đầu ngón tay ở đầu trên tai bờ ngoài mặt, từ góc trán vùng đởm kinh vuốt hướng ra sau não. Tập trung sự chú ý vào dưới lòng bàn tay, hô hấp đều dài, thời gian hít vuốt hướng ra sau não từ 5-10 lần, lúc thở ra tạm thời dừng lại, tổng cộng từ 7-10 hơi thở.

Xát sau gáy: 2 tay đan chéo vào nhau, lòng bàn tay ôm vùng dưới xương chẩm, xát từ trên xuống dưới.

Tập trung theo dõi vùng dưới lòng bàn tay, lúc hít vào xát từ 5-10 lần,lúc thở ra dừng lại, tổng cộng 5-7 hơi thở.

Có nhiều cách tập khí công, mỗi loại có đặc điểm và tác dụng riêng, cần căn cứ vào mỗi người mà chọn cách tập cho phù hợp. Việc luyện tập khí công có tính cá nhân, 1 số người tập luyện có thể hiệu quả với 1 số bài tập, nhưng người khác lại không thấy có hiệu quả. Do đó việc luyện tập khí công không được mù quáng, người mới bắt đầu tốt nhất phải có người có kinh nghiệm chỉ dạy. Trong lúc tập luyện nên có thầy hướng dẫn để tránh sai sót.

Theo BS. Mai Ngọc Dược
Bệnh viện Y học cổ truyền Tỉnh Quảng Ngãi
Yhoccongdong

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X