Hotline 24/7
08983-08983

Phụ nữ lớn tuổi chỉ cần đi 4.400 bước/ngày

Trước nay nhiều người vẫn được khuyên nên đi bộ 10.000 bước/ngày để có sức khoẻ và sống lâu, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy chỉ cần đi 4.400 bước/ngày, phụ nữ lớn tuổi vẫn giảm được 41% nguy cơ tử vong so với người đi 2.700 bước.

Theo nghiên cứu mới, chỉ cần đi bộ hơn 4.000 bước/ngày cũng có thể giúp người già cải thiện sức khỏe

Nghiên cứu do TS I-Min Lee, giáo sư dịch tễ học trường Y tế công cộng Harvard (Hoa Kỳ), thực hiện khi theo dõi 17.000 phụ nữ trung bình 72 tuổi.

Lee thừa nhận các nhà khoa học không biết được lợi ích tương tự có xảy ra ở nam giới và người trẻ hay không, nhưng theo bà, rõ ràng hoạt động thể  lực có lợi cho sức khoẻ con người.

Bà nói: “Thông điệp của chúng tôi không có gì mới: hoạt động thể lực có lợi cho sức khoẻ của bạn. Nhưng cái mới và đáng chú ý ở đây là làm thế nào lượng vận động ít cũng tạo ra sự khác biệt”.

Lee thừa nhận các nhà nghiên cứu không biết được lời khuyên đi bộ 10.000 bước/ngày xuất phát từ đâu. Bà giả thiết nó đến từ chiếc máy đếm bước chân do một công ty Nhật Bản làm ra vào những năm 1960, có tên Manpo-kei, dịch sang tiếng Anh nghĩa là máy… đếm 10.000 bước chân.

Để có được kết quả mới nhất, Lee xem xét lại một nghiên cứu trên phụ nữ lớn tuổi, tất cả họ đeo thiết bị đo hoạt động trong bảy ngày trong thời gian đi bộ. Thiết bị đếm bước chân và đo tốc độ của mỗi hoạt động.

Do tiêu chuẩn số bước chân không rõ ràng, nên các nhà nghiên cứu chia phụ nữ thành bốn nhóm, dựa trên số bước chân đi hàng ngày: 2.700, 4.400, 5.900 và 8.500. Nghiên cứu theo dõi trong hơn bốn năm, trong thời gian này 500 phụ nữ qua đời.

Kết quả ghi nhận: ở phụ nữ đi 5.900 bước nguy cơ tử vong giảm 46% so với nhóm ít hoạt động nhất, nhóm đi nhiều nhất (8.500 bước/ngày) giảm nguy cơ tử vong nhiều nhất - 58%,  nhưng lợi ích này dường như “đụng trần” ở mức 7.500 bước, nghĩa là đi nhiều hơn cũng không có lợi gì.

Cũng nói thêm, nghiên cứu nhận thấy cường độ hoạt động không mang lại sự khác biệt có ý nghĩa gì. Lee nói: “Dù bạn đi nhanh hay đi chậm thì lợi ích cũng như thế”. Nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine ngày 29/5.

Theo Châu Giang - Thế giới hội nhập/ UPI

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X