Hotline 24/7
08983-08983

Phụ huynh phản ánh Bộ tổ chức game online cho học sinh

Lục lịch sử truy cập web, anh Trần Trọng An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện con thường xuyên chơi game “Chinh phục Vũ Môn” có những mục yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.

Có con đang học lớp 5 một trường Tiểu học ở Hà Nội, anh An chia sẻ bản thân rất lo lắng khi các nhà trường đang tổ chức cho học sinh chơi trò chơi trực tuyến có những mục yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.

“Con tôi đang là học sinh lớp 5, do thường xuyên kiểm soát việc dùng máy tính của cháu nên tôi phát hiện cháu chơi game "Chinh phục Vũ Môn" trên máy tính với lịch sử khá dày trên trình duyệt web.

Qua tìm hiểu, tôi được biết tháng 10/2015, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2. Tuy nhiên, hiện game lại đang len lỏi vào các trường tiểu học.

Từ đó đến nay, game Chinh Phục Vũ Môn của Egame tổ chức rầm rộ và theo công bố của họ thì hiện nay đã có 800 ngàn người chơi.

Mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000 VNĐ đến 300.000 VNĐ tương ứng với số lần chơi hoặc "mua đồ trong game" nhất định”, anh An chia sẻ.

Anh An cho rằng, học sinh tiểu học, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị “cài đặt” game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài.

“Là cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT không nên có văn bản khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi chơi game online. Tôi cũng mong Bộ kiểm tra hoạt động tổ chức chơi game online của các Sở và các trường, kịp thời chấn chỉnh để tôi có thể yên tâm khi gửi con đến trường”, anh An nói.

Qua tìm hiểu của VietNamNet, Chinh Phục Vũ Môn là cuộc thi trực tuyến do Bộ GD-ĐT phối hợp với TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội TƯ và Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egame (Egroup) tổ chức.

Trên thực tế, cuộc thi này không phải vừa mới xuất hiện mà đã bước sang mùa thứ 3 và thu hút gần 1 triệu thí sinh tham gia. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên mà cuộc thi này mở rộng thêm đối tượng thí sinh, cho phép các em ở bậc tiểu học lớp 3-5 tham gia.

Chinh Phục Vũ Môn là game giáo dục do Công ty Cổ phần Tập Đoàn giáo dục Egame phát hành, ra đời vào tháng 9/2015. Đây là trò chơi giáo dục lấy bối cảnh Việt Nam, cùng với nhiều tính năng, sự kiện được lấy nguyên mẫu từ các lễ hội trong văn hóa Việt.

Cuộc thi được công bố và được xây dựng là cuộc thi kiến thức bổ ích và hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh Tiểu học và THCS trên toàn quốc.

Phụ huynh phản ánh Bộ tổ chức game online cho học sinhThông tin về cuộc thi với trò chơi giáo dục trực tuyến này được đăng tải trên website nhiều trường.


Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập Đoàn giáo dục Egame khẳng định: “Đến với cuộc thi, các em học sinh, cũng như phụ huynh không phải chi trả bất kì một khoản chi phí nào mà vẫn có thể tham gia chơi và thi. Đây là game giáo dục đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép”.

Theo đó, mỗi tuần học sinh có thể thi thật 2 lần và thi xong ban tổ chức sẽ cập nhật thành tích tốt nhất để xét chọn các em vào vòng thi cấp tỉnh/thành phố. Còn nếu, học sinh muốn thi thử để tích lũy điểm kinh nghiệm thì mua vé thi thử bằng hình thức nạp thẻ.

Tuy nhiên, theo ông Thập, trường hợp như phụ huynh phản ánh có thể học sinh tham gia ở một số phần ngoài thi, như phần bổ trợ, nâng cao với các bài học hay hoạt động giải trí trang trí phòng học online. Đây cũng là những mục không hề bắt buộc.

“Ngoài việc là một sân chơi trí tuệ, Chinh Phục Vũ Môn còn được xây dựng như một trường học trực tuyến với rất nhiều những môn học và bài giảng lý thú. Tuy nhiên, để tham gia các lớp học này, các bạn học sinh và phụ huynh phải đóng một khoản phí rất nhỏ.

Tất cả các khoản phí để tham gia lớp học hay nâng cấp trang bị trong trò chơi đều rất nhỏ và hoàn toàn không có chuyện bắt buộc”, ông Thập nói.

Về điều này, bà Nguyễn Thanh Hương, Chuyên viên Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết, cuộc thi đã được triển khai trên toàn quốc năm thứ 3 và đặc biệt năm nay triển khai thêm cho học sinh bậc tiểu học từ lớp 3-5.

“Nếu học sinh tham gia thi thì không hề mất bất kỳ một khoản phí nào. Nhưng khi tham gia vào các mục học thêm luyện tập bổ trợ, nâng cao thì mới mất phí và nếu vào thì phải nạp thẻ. Tôi cũng cho con của mình vào thi và hoàn toàn không mất phí”.

Theo bà Hương, hệ thống câu hỏi của cuộc thi này do một ban cố vấn kiểm duyệt nội dung. “Quyết định thành lập hội đồng ra đề do Hội đồng Đội TƯ ra quyết định và mời giáo viên của các trường. Bộ GD-ĐT tham gia hội đồng xét duyệt nội dung các câu hỏi của cuộc thi”, bà Hương nói.

Theo Thanh Hùng - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X