Hotline 24/7
08983-08983

Phụ huynh ép cô giáo quỳ xin lỗi có phạm tội hành hạ người khác?

Theo luật sư, việc cô giáo quỳ xuống là biện pháp phòng vệ, để mọi chuyện trôi qua. Hai bên bình tĩnh nhìn nhận cái sai để khắc phục, không cần đến sự can thiệp từ pháp luật.

Câu chuyện giáo viên dọa học sinh sợ, không dám đến trường rồi bị phụ huynh ép quỳ xin lỗi đang gây bức xúc dư luận. Không ít người cho rằng việc bắt người khác quỳ là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, cần bị pháp luật xử lý.

Chiều 5/3, trao đổi với Zing.vn, luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An - nhận định việc cô giáo phạt học sinh quỳ là vi phạm pháp luật, cũng như các quy định của ngành.

Phu huynh ep co giao quy xin loi co pham toi hanh ha nguoi khac? hinh anh 1
Luật sư Vũ Tiến Vinh. Ảnh: NVCC.

Pháp luật nghiêm cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, đặc biệt là người đang lệ thuộc mình.

Ông nói thêm học sinh chưa nhận thức hết việc quỳ là như thế nào nhưng đến khi lớn các em sẽ nhìn nhận lại, có thể “hận” thầy cô, cũng như định kiến xấu về nền giáo dục. Hậu quả trước mắt thấy rõ và những hệ lụy của nó có thể nhiều chục năm mới đến. Điều đó cũng không dễ dàng được xóa trong tâm hồn trẻ.

Theo ông Vinh, mọi biện pháp giáo dục làm học sinh sợ học đều không tốt. Nghiêm khắc trong giáo dục là cần thiết, thậm chí hình phạt cũng cần thiết, nhưng phải có giới hạn.

Về phần phụ huynh, con em rơi vào hoàn cảnh đó khiến họ bức xúc là điều dễ thông cảm. Tuy nhiên, cách làm đối với thầy cô như vậy cũng không nên.

"Con em bị xúc phạm không có nghĩa phụ huynh được xúc phạm lại thầy cô. Ai cũng có lúc mắc sai lầm, làm thế nào để họ sửa sai và không lặp lại mới đáng quý. Xúc phạm thầy cô, con em mình cũng đâu có 'khôi phục' danh dự đã bị tổn thương", luật sư Vinh nêu quan điểm.

Phu huynh ep co giao quy xin loi co pham toi hanh ha nguoi khac? hinh anh 2
Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra việc giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh. Ảnh: Người Lao Động.

Cha mẹ có nhiều cách giải quyết để sự việc không lặp lại chứ không chỉ biết gây áp lực với giáo viên. Một nguyên tắc trong cuộc sống là không thể dùng cái sai này để sửa cái sai khác. Học sinh lớn lên cũng cảm thấy những hành vi của bố mẹ quá giới hạn, thấy xấu hổ về điều đó.

Trên phương diện luật pháp, cô giáo và phụ huynh đều sai. Song hai bên đã bình tĩnh nhìn nhận lại, biết cái sai của mình để sửa chữa, khắc phục nên có lẽ pháp luật không cần can thiệp.

"Tuy nhiên, đây vẫn là bài học quý cho nhà trường, thầy cô và cha mẹ. Chúng ta hãy là những tấm gương tốt để thế hệ sau học tập, noi theo. Đó mới chính là mục đích của giáo dục", ông Vinh nói thêm.

Trong khi đó, luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn luật sư TPHCM - cho rằng khi biết con bị cô giáo bắt quỳ, phụ huynh nên trao đổi với nhà trường để tìm biện pháp giải quyết. Nếu cho rằng hành vi của giáo viên xúc phạm con, họ nên thu thập chứng cứ để khởi kiện hoặc tố giác, tùy theo vụ việc là dân sự hay hình sự. 

Nếu xác định tội hành hạ người khác, cha mẹ có thể làm đơn gửi cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án. Còn giáo viên đe dọa học sinh ở mức độ nhẹ, phụ huynh có thể yêu cầu phạt hành chính, kỷ luật họ.

Nếu cha mẹ buộc giáo viên quỳ xuống, cách làm này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng sự phát triển của chính con họ. Lẽ ra, người lớn nên gìn giữ hình ảnh của thầy cô, tránh con nghĩ rằng đây là mối quan hệ thị trường, mua bán. Bắt cô quỳ xuống chỉ là hành động cho bõ tức, không giải quyết được gì.

"Nếu 4 phụ huynh bàn bạc, ép cô giáo quỳ bằng được trong khi cô nhất quyết không quỳ thì mới cấu thành tội làm nhục người khác", luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhận định.

Theo Nguyễn Sương - Minh Nhật - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X