Hotline 24/7
08983-08983

Phòng tránh tai nạn bỏng trẻ em: Các quy tắc an toàn tại gia đình

Hãy thực hành các nguyên tắc an toàn sau đây để bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn bỏng tại gia đình.

Các quy tắc an toàn trong bếp

Phần lớn tai nạn bỏng xảy ra tại căn bếp gia đình. Hãy bảo vệ trẻ bằng cách tuân thủ các nguyên tắc an toàn chung sau đây:

  • Giữ trẻ tránh xa khu vực làm bếp khi bạn đang nấu ăn hay chuẩn bị đồ uống nóng.
  • Sử dụng bộ phận lò đốt hoặc bếp ở bên phía bên trong của kệ bếp.
  • Khi nấu ăn, quai và tay cầm của nồi, chảo nên quay vào trong để tránh gạt phải khi đi lại trong bếp.
  • Các thiết bị điện nên sử dụng loại dây điện ngắn để tránh vướng, đồng thời không để dây điện treo lơ lửng.
  • Không nên sử dụng khăn trải bàn hay khăn lót bàn ăn cho trẻ để tránh trẻ kéo làm đổ thức ăn.
  • Không nên để đồ ăn, đồ uống nóng ở cạnh cửa, bàn, bệ bếp. Nên sử dụng loại cốc có nắp đậy để tránh tai nạn bỏng khi làm đổ.
  • Không bao giờ để trẻ nhỏ rót nước nóng.

Quy tắc an toàn khi sử dụng lò vi sóng

Đồ ăn, đồ uống sau khi được hâm nóng bằng lò vi sóng có thể dễ gây bỏng cho trẻ. Hãy tuân thủ các quy tắc an toàn sau:

  • Không nên cho trẻ tự ý sử dụng lò vi sóng.
  • Đồ uống sau khi làm nóng bằng lò vi sóng nên để nguội vài phút trước khi cho trẻ uống.
  • Đồ nhựa đựng thức ăn sau khi làm nóng trong lò vi sóng nên được mở nắp thật cẩn thận, mở nắp từ góc xa nhất để tránh hơi nước nóng bốc lên mặt.
  • Đồ ăn sau khi hâm nóng bằng lò vi sóng nên để nguội vài phút để tránh làm bỏng miệng trẻ.
  • Không nên hâm nóng sữa trong bình cho trẻ trong lò vi sóng. Nhiệt có thể không được phân bố đều và phần sữa quá nóng dễ gây bỏng miệng, lưỡi của trẻ. Nên hâm nóng bình sữa bằng bếp bình thường.
  • Luôn luôn kiểm tra độ nóng của sữa bột bằng cách áp vào cổ tay trước khi cho trẻ uống.
  • Bình bị hâm nóng quá mức có thể gây nổ. Hãy nới lỏng nắp bình khi hâm nóng, sau đó vặn chặt nó trước khi đưa cho trẻ..

Qui tắc an toàn với chất tẩy rửa gia dụng

Một số chất tẩy rửa gia dụng như chất tẩy rửa chứa ammoniac hay thuốc tẩy trắng có thể gây bỏng hóa chất khi tiếp xúc với da hay bị nuốt vào bụng.

Do vậy, nguyên tắc hàng đầu là phải giữ các hóa chất này xa tầm tay trẻ em. Cất giữ chúng trong những tủ cao có khóa và không nên trộn lẫn nhiều loại chất tẩy rửa với nhau do có thể giải phóng khí gây độc.

Quy tắc an toàn trong phòng tắm

Tai nạn bỏng cũng có thể xảy ra trong phòng tắm. Bỏng khi tiếp xúc với chất lỏng gọi là bỏng nước. Nước ở nhiệt độ 60oC có thể gây tổn thương cho da chỉ trong vài giây. Bỏng do nước nóng cũng gây nguy hiểm tương tự như bỏng do lửa.

Hãy bảo vệ con bạn không bị bỏng nước bằng cách thực hiện các quy tắc sau:

  • Điều chỉnh mức để nhiệt độ nước trong vòi không quá nóng khi chảy ra ngoài. Nhiệt độ nước tắm lý tưởng nên thấp hơn 49oC.
  • Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi cho trẻ tắm.
  • Khi trẻ tắm phải luôn có người giám sát để đề phòng tai nạn.
  • Không nên để trẻ một mình trong bếp hoặc trong phòng tắm dù chỉ trong vài giây để nghe điện thoại, ra mở cửa hay tìm kiếm vật nào đó.
Các biện pháp khác phòng tránh tai nạn bỏng
  • Dạy trẻ phải làm gì nếu quần áo bị bắt lửa: hãy dùng nước dội lên người hoặc nằm lăn qua lăn lại dưới đất để dập tắt lửa.
  • Khi nhà bị cháy, dạy trẻ tuyệt đối không nên tìm chỗ ẩn nấp trong nhà mà nên tìm cách chạy thoát khỏi căn nhà.
  • Không nên dùng đồ uống nóng khi trẻ đang chơi ở xung quanh. Tai nạn bỏng nước phổ biến nhất thường là do trà nóng hay cà phê nóng. Không nên hút thuốc gần trẻ.
  • Bảo quản diêm và bật lửa trong khu vực an toàn xa tầm tay trẻ em. Không cho trẻ chơi với diêm và bật lửa. Cất kỹ các thiết bị như bàn là ở khu vực an toàn, nhất là khi bàn là còn nóng.
  • Cất giữ máy tạo hơi nước ngoài tầm tay trẻ em, hoặc sử dụng một máy phun sương thay thế.
  • Hướng dẫn người trông trẻ, bảo mẫu về các quy tắc an toàn trong nhà. Họ cũng nên được tập huấn để xử trí cấp cứu ban đầu khi bị bỏng.
  • Sử dụng tấm chắn bảo vệ trên các thiết bị tản nhiệt, bố trí đồ đạc trong nhà hợp lý để hạn chế tối đa tai nạn bỏng có thể xảy ra.
  • Luôn luôn giám sát kỹ trẻ, không cho trẻ chơi một minh xung quanh đống lửa, khu vực bắn pháo hoa, bếp lò hay các thiết bị sinh nhiệt.

Trong trường hợp bị bỏng do hóa chất, cần phải:
  • Loại bỏ toàn bộ quần áo trên người, bao gồm cả quần áo lót, găng tay, tất…
  • Nếu hóa chất ở dạng bột, dùng một mảnh vải mềm lau sạch hóa chất trên người trẻ.
  • Làm sạch khu vực xảy ra tai nạn bằng cách dội thật nhiều nước.
  • Đưa trẻ tới phòng cấp cứu gần nhất.

Các quy tắc an toàn khi sử dụng điện

  • Không cho trẻ chơi với dây điện.
  • Bố trí để mối nối của các dây điện nằm ngoài tầm nhìn và đảm bảo xa tầm tay trẻ em.
  • Sử dụng những mũ an toàn cho những ổ cắm điện không sử dụng ở trên tường hay những ổ cắm rời.

Phòng tránh tai nạn bỏng do ánh nắng mặt trời

  • Vào mùa hè, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ. Làn da nhạy cảm của trẻ có thể bị bỏng dễ dàng. Không nên cho trẻ ra ngoài trong khoảng từ 11 giờ sáng tới 15 giờ chiều khi các tia của mặt trời có cường độ mạnh nhất.
  • Bôi kem chống nắng có chỉ số SPF cao hơn 30 cho trẻ.
  • Cho trẻ mặc quần áo che phủ kín chân và tay và đội mũ rộng vành khi ra ánh nắng mặt trời.

Khi nào nên đưa trẻ tới bác sỹ

Có thể đưa trẻ tới bác sỹ để kiểm tra nếu cần thiết khi:

  • Vết bỏng của trẻ giới hạn ở lớp dabên ngoài (vết bỏng nông).
  • Vết bỏng của trẻ giới hạn trong một diện tích hẹp.
  • Vết bỏng có thể dễ dàng xử trí và cơn đau do bỏng có thể giải quyết được bằng thuốc giảm đau.

Hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu:

  • Vết bỏng sâu, lan rộng trên một diện tích da lớn, hay vết bỏng trên mặt, tay, chân hoặc ở háng.
  • Trẻ bị đau dữ dội sau khi bị bỏng.
  • Bạn không biết cách xử trí như thế nào.
Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X