Hotline 24/7
08983-08983

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm là các đồ ăn thức uống không thể thiếu được. Tuy nhiên, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm đòi hỏi rất nhiều yếu tố, không chỉ riêng bản thân bạn, mà cả những người liên quan trong chuỗi thực phẩm. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu các biện pháp người tiêu dùng có thể áp dụng được.

Bạn có thể làm gì để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ?

Như chúng tôi đề cập trong phần “các  thông tin hữu ích về ngộ độc thực phẩm”, để việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm có kết quả cần có sự tham gia của toàn xã hội, từ nơi sản xuất đến bàn ăn. Sau đây chúng tôi chỉ xin cung cấp thông tin giúp bạn (ở vị trí là người tiêu dùng) có thể tham khảo để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho bản thân và gia đình.

Tốt nhất bạn nên mua các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kể cả về người bán và người sản xuất. Trên thực phẩm cần có nhãn mác, thông tin mô tả cụ thể, có đăng ký cơ cơ quan quản lý. Yêu cầu này không chỉ đặc biệt cần thiết với các thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến mà cũng cần thiết với các thực phẩm tươi sống. Việc mua bán cũng nên có bằng chứng cụ thể bằng hóa đơn và mã sản phẩm. Bạn có thể thấy các yêu cầu này xa vời và không thực tế ở Việt Nam nhưng trong trường hợp thực phẩm có vấn đề sẽ rất có ích để giúp bạn và cách cơ quan chức năng quay trở lại quy trách nhiệm với người sản xuất và người bán.

Sau đây, chúng tôi xin nêu các khuyến cáo của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ dành cho người tiêu dùng giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

1. Khi mua thực phẩm:

-  Chọn các thức ăn được đóng gói trong các bao bì, hộp, hoặc lon trước.

-  Không chọn các hộp, lon thức ăn có vỏ bị phồng, lõm hoặc chai, lọ bị nứt, nắp lỏng hoặc phồng.

-  Không mua các loại trai, sò (trai, sò, ngao, hến,...) để ăn sống. Nếu cơ thể bạn bị suy giảm miễn dịch (ví dụ đang dùng các thuốc giảm miễn dịch để chữa bệnh khớp, ung thư, dị ứng, nhiễm HIV,…) và bạn muốn dùng sữa, nước quả tươi thì phải dùng loại đã được khử trùng theo phương pháp đặc biệt.

-  Mua trứng được bảo quản lạnh, trước khi mua kiểm tra xem vỏ trứng có nguyên vẹn và sạch không.

-  Mua các thực phẩm đông lạnh và các thực phẩm dễ ôi thiu sau cùng (như thịt, cá). Luôn để các thực phẩm này trong các túi nylon riêng biệt để tránh nước thịt, cá lẫn sang các thực phẩm khác.

-  Không mua các hải sản đông lạnh nếu bao gói bị mở, rách hoặc mép bị nát. Nếu có thể nhìn được qua vỏ bao gói thì xem bên trong có tuyết hoặc băng không, đây là dấu hiệu cho thấy thực phẩm đã được bảo quản trong thời gian kéo dài hoặc đã bị phá đông sau đó được làm đông lại.

-  Kiểm tra vệ sinh của quầy bán thực phẩm, đặc biệt là quầy bán thịt, cá.

-  Khi mua các loại trai sò, chỉ mua loại có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy. Nếu bạn muốn đánh bắt các loại trai sò thì cần chú ý về độ an toàn vệ sinh của nước khu vực đánh bắt (ví dụ không đánh bắt hải sản khi nước vùng biển đó có hiện tượng thuỷ chiều đỏ vì các hải sản đó có thể chứa các loại tảo độc).

-  Vẫn tiếp tục giữ thực phẩm đông lạnh hoặc loại dễ ôi thiu được đông lạnh từ khi mua đến khi bạn về nhà nếu thời gian này kéo dài hơn 1 giờ.

2. Bảo quản thực phẩm an toàn:

- Bảo quản lạnh hoặc đông lạnh các thực phẩm loại dễ ôi thiu ngay khi bạn mang về nhà. Nhiệt độ bảo quản lạnh là 5 độ C (chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh) và đông lạnh là - 18 độ C (âm 18 độ C, có thể làm ngừng sự phát triển của vi khuẩn nhưng vi khuẩn đó nếu có vẫn không bị chết). Kiểm tra các nhiệt độ này định kỳ bằng loại nhiệt kế đặc biệt dùng cho tủ lạnh.

- Tất cả các loại thực phẩm cho trẻ em không nên bảo quản.

- Thịt cần được bảo quản lạnh giống như khi mua và đựng trong các bao nylon kín trong 1-2 ngày, không để nước thịt chảy ra ngoài.

- Gói thật kín các thực phẩm chuẩn bị bảo quản đông lạnh, cần để các phần còn thừa trong các dụng cụ chứa đựng kín.

- Để trứng trong các khay riêng và đặt trong tủ lạnh. Không đặt trứng trên cánh cửa tủ lạnh.

- Luôn bảo quản lạnh hoặc đông lạnh hải sản cho tới khi chế biến.

- Không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ lạnh kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh. Kiểm tra các dụng cụ chứa đựng thực phẩm để tránh dò rỉ. Nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu thì cần bỏ đi.

- Một dấu hiệu chắc chắn cho thấy bao gói thực phẩm bị dò rỉ là có mốc, mốc có thể phát triển ngay cả khi thực phẩm được bảo quản lạnh. Bên cạnh nguy cơ gây ngộ độc, mốc còn làm cho thực phẩm mất ngon. Hầu hết các thực phẩm bị mốc đều cần bỏ đi. Có một số thực phẩm bị mốc có thể giữ lại một phần nếu bạn cắt bỏ rộng rãi quanh vùng bị mốc, ví dụ các thực phẩm dạng cứng như pho mát cứng, một số rau quả.

- Luôn kiểm tra nhãn mác thực phẩm để xem cách bảo quản thực phẩm.

- Nhiều loại thực phẩm không phải là thịt, cá, rau hoặc các sản phẩm từ sữa vẫn cần được bảo quản lạnh, nếu không có thể bị hỏng.

- Với một số thực phẩm sẽ có hướng dẫn bảo quản ở nhiệt độ phòng để giữ được lâu. Cà chua và hành khi được để trong bồn nước có thể bị hỏng do các chất bị dò rỉ từ đường ống dẫn nước. Bạn cũng không nên bảo quản cà chua trong tủ lạnh mà để trong môi trường khô và mát. Không để thực phẩm gần các chất tẩy rửa hoặc các hoá chất khác trong gia đình.

- Kiểm tra vỏ các thực phẩm là đồ hộp, nếu vỏ bị dính hoặc ướt thì có thể đồ hộp đó bị dò rỉ, nếu là loại thực phẩm mới mua thì bạn cần trả lại nơi bán và báo cho cơ quan chức năng.

3.  Giữ mọi thứ sạch:

Các nguyên tắc sau áp dụng với các khu vực chế biến thực phẩm, đặc biệt là khu vực đun nấu:

- Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong thời gian ít nhất 20 phút trước khi chế biến thức ăn và sau khi tiếp xúc thịt, cá tươi. Nếu trong khi đang chế biến bạn phải tạm ngừng để làm việc khác thì trước khi quay trở lại công việc chế biến cũng phải rửa tay lại.

- Nếu tóc bạn dài thì cần đeo mũ chùm đầu. Băng kín tất cả các vết thương trên bàn tay. Nếu bàn tay có mụn hoặc có các vết thương bị nhiễm trùng thì bạn không nên vào bếp.

- Giữ khu vực chế biến thức ăn gọn và sạch sẽ. Rửa bàn chế biến thức ăn bằng dung dịch chloramine hoặc các dung dịch tẩy rửa bếp khác.

- Thường xuyên rửa sạch khăn rửa bát bằng máy giặt với nước nóng và xà phòng. Loại khăn này thường trong trạng thái ẩm ướt là môi trường tốt để vi trùng ẩn náu và phát triển.

-  Vệ sinh bồn rửa định kỳ bằng cách rót một lượng dung dịch chloramine hoặc loại dung dịch tẩy rửa bếp vào bồn rửa vì đây cũng là môi trường tốt để vi trùng phát triển.

- Chỉ sử dụng thớt bề mặt nhẵn làm bằng gỗ cứng hoặc chất liệu cứng, không xốp, không có các lỗ nhỏ hoặc vết rạn, nứt. Rửa thớt bằng nước nóng và xà phòng bằng bàn chải sau đó cọ rửa bằng dung dịch chloramine. Luôn vệ sinh thớt sau khi chế biến thịt, cá, hải sản tươi và trước khi chuẩn bị các thực phẩm có thể ăn ngay. Nên dùng một thớt để chế biến thực phẩm tươi và thớt khác cho các thực phẩm có thể ăn ngay.

-  Luôn làm sạch các dụng cụ chế biến như dao, thìa,...sau khi dùng từng loại thực phẩm.

-  Vệ sinh nắp, mép hộp trước khi mở các thực phẩm là đồ hộp. Để các dụng cụ ép, nghiền, xay thực phẩm riêng rẽ và vệ sinh ngay sau khi sử dụng.

- Không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống hoặc ôi thiu. Không để thịt cá đã nấu chín lên các bát đĩa chưa được rửa hoặc đã chứa đựng thịt, cá tươi.

- Không để các động vật (như ruồi, nhặng, chuột, chó, mèo hoặc các động vật khác) tiếp xúc với thực phẩm. Động vật thường chứa các vi trùng gây bệnh qua thực phẩm. Tốt nhất bạn nên bảo quản thực phẩm trong các vật chứa được đóng kín.

- Sử dụng nước sạch. Nước sạch là yếu tố quan trọng với việc chế biến thực phẩm và để uống. Nếu không có nguồn nước sạch, bạn có thể đun sôi nước để làm nguồn nước cho việc chế biến thực phẩm hoặc làm nước đá cho các đồ uống. Cẩn thận với bất kỳ loại nguồn nước nào dùng để chế biến thức ăn cho trẻ em.

- Rửa rau quả tươi kỹ, rửa kỹ dưới vòi nước chảy. Không dùng xà phòng hoặc các chất tẩy để rửa rau quả. Có thể dùng bàn chải nhỏ đề cọ rửa các chất bẩn trên bề mặt rau quả.

4. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp:

Giữ cho thực phẩm nóng được nóng và thực phẩm lạnh được lạnh.

- Sử dụng nhiệt kế dùng riêng cho thực phẩm để đánh giá xem thực phẩm được nấu chín kỹ hay không bằng cách đặt nhiệt kế vào phần giữa của thực phẩm và đợi ít nhất 30 giây mới đọc kết quả.

- Với trứng cần nấu cho tới khi lòng trắng và lòng đỏ trở nên chắc. Không ăn các thực phẩm có trứng tươi được chế biến tại gia đình hoặc tự chế biến vì rất dễ có các vi khuẩn gây bệnh. Các thực phẩm có trứng tươi được sản xuất công nghiệp được tiệt trùng theo phương pháp đặc biệt nên sạch.

- Các thực phẩm là thịt, cá, hải sản, trứng hoặc sữa cần được lưu ý nấu chín kỹ.

- Nếu bạn không có nhiệt kế loại dùng cho thực phẩm thì dựa vào các dấu hiệu gián tiếp sau để xem thực phẩm đã đủ chín chưa, ví dụ:

Cá được nấu chín khi phần thịt dày nhất trở nên mờ đục và khi bạn dùng dĩa sẽ thấy thịt dễ bị mủn.

Tôm luộc sôi trong ít nhất 5 phút hoặc cho tới khi vỏ chuyển sang màu đỏ.

Các loại trai, sò (hến, trai, sò, ngao,...) cần được luộc sôi hoặc hấp sôi cho tới khi vỏ mở ra (thường mất ít nhất 5-10 phút), sau đó đun thêm 3-5 phút nữa.

Một số loại trai sò cần được nấu cho tới khi phần thân nở tròn.

- Sau khi nấu xong thức ăn, cần ăn ngay, không để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau:

Không nên để các thực phẩm đã được nấu chín ở bên ngoài quá 2 giờ. Các vi khuẩn gây bệnh phát triển ở nhiệt độ từ 5 đến 60 độ C. Nếu quá thời gian này không nên ăn thực phẩm đó vì các vi khuẩn có thể phát triển trên thực phẩm và gây bệnh.

Nếu các thực phẩm cần được ăn nóng thì ăn càng sớm càng tốt sau khi nấu, nếu phải nấu lại thì cần nấu kỹ. Các thực phẩm lạnh cần được bảo quản lạnh (trong tủ lạnh hoặc trong nước đá) cho tới khi ăn. Vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm khi thời tiết nóng.

Các thực phẩm còn thừa sau ăn cần được bảo quản ngay trong tủ lạnh. Các miếng thịt to cần được cắt thành các miếng mỏng và đựng trong các vật dụng chứa đựng nông. Các thực phẩm có kích cỡ lớn nếu có thể thì tách ra thành các phần nhỏ hơn và bảo quản riêng rẽ trong tủ lạnh. Các thức ăn thừa được bảo quản chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày.

-  Sau đây là một số mẹo nhỏ để bảo quản các thức ăn ưa thích của bạn được an toàn:

Không phá đông các thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng. Thay vào đó, bạn có thể chuyển thực phẩm từ ngăn đông lạnh sang ngăn làm lạnh và để đó 1-2 ngày, hoặc phá đông bằng cách ngâm trong nước lạnh, hoặc phá đông bằng lò vi sóng hoặc trong quá trình đun nấu. Nếu phá đông bằng lò vi sóng hoặc ngâm nước lạnh thì ngay sau đó bạn cần nấu ngay thực phẩm.

Không nếm thử các thực phẩm nếu nghi là ôi thiu, hoặc là loại đồ hộp đã bị hở, dò rỉ, phồng hoặc rạn nứt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X