Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa tái phát sau phẫu thuật hạt xơ dây thanh

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh nhân bị hạt xơ dây thanh.

Tuy nhiên, giọng nói của người bệnh có thể bị ảnh hưởng ít nhiều sau ca mổ và bệnh có khả năng tái phát.

Do đó, để lấy lại giọng nói trong sáng, bệnh nhân cần có phác đồ điều trị và dự phòng hợp lý.

Những người thường xuyên phải nói nhiều, nói lớn, nói liên tục như giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng, cổ động viên,... rất dễ bị tổn thương dây thanh, khiến niêm mạc sung huyết, phù nề. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới viêm thanh quản mạn tính, gây khản tiếng, mất tiếng, khó khăn trong giao tiếp, hậu quả là các tổn thương thực thể, điển hình là hạt xơ dây thanh.

Hạt xơ dây thanh xảy ra do hậu quả từ viêm thanh quản mạn tính không được điều trị. Triệu chứng thường gặp của hạt xơ dây thanh là khản tiếng , mất tiếng do hai dây thanh khép không kín, rung không đều,...

Khản tiếng tăng nặng khi người bệnh bị cảm lạnh hay sau mỗi lần la hét, nói nhiều,... Hạt xơ dây thanh ảnh hưởng đến chất lượng rung của dây thanh, gây rè tiếng, tạo khe hở thanh môn, làm cho hơi bị thoát nhiều ra ngoài, nói rất chóng mệt.

Phòng ngừa tái phát sau phẫu thuật hạt xơ dây thanh

Phẫu thuật dây thanh là biện pháp hiệu quả trong điều trị hạt xơ dây thanh (Ảnh minh họa).

Khi hạt xơ dây thanh còn nhỏ, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc chống viêm, kháng sinh, súc họng bằng nước muối sinh lý, kết hợp tránh nói to, uống nước lạnh, khói thuốc, rượu và hóa chất, đề phòng khô họng,...

Tuy nhiên, phương pháp điều trị trên chỉ giúp giảm các triệu chứng mà không thể giải quyết tận gốc viêm thanh quản mạn tính cũng như hạt xơ, do đó, bệnh rất dễ tái phát. Trường hợp hạt xơ to, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật nội soi bóc tách, trả lại sự rung động mềm mại của dây thanh.

Phòng ngừa tái phát sau phẫu thuật hạt xơ dây thanh

Ảnh minh họa.

Sau phẫu thuật hạt xơ dây thanh, khản tiếng có thể tái phát nên bệnh nhân cần hạn chế nói trong một thời gian để thanh quản được phục hồi. Trường hợp phải thường xuyên nói nhiều, người bệnh nên sử dụng các thiết bị trợ âm nhằm khuếch đại tiếng.

Ngoài ra, luyện âm là phương pháp quan trọng sau phẫu thuật giúp dây thanh mềm mại, uyển chuyển trở lại và cải thiện chất lượng giọng nói. Việc tập luyện phát âm cần ý chí kiên trì của người bệnh và sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để tìm lại giọng nói trong sáng.

Bệnh nhân viêm thanh quản cần lưu ý:

- Nên phân bổ thời gian nói hợp lý, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nói (micro, loa), uống nhiều nước, đặc biệt nước trà ấm; bổ sung thêm các vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi; thường xuyên vệ sinh mũi họng, xông các loại lá thơm có kháng sinh thực vật bay hơi như lá cúc tần, lá chanh, lá bưởi, lá tre, lá sả; điều trị dứt điểm các bệnh đường hô hấp cũng như bệnh trào ngược dạ dày, thực quản; đeo khẩu trang để tránh bụi, sử dụng công cụ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường độc hại…

- Không nên la hét, nói to, nói nhiều, khạc nhổ gây ảnh hưởng đến thanh quản; không uống nước lạnh hay sử dụng các gia vị có tính kích thích như: ớt, hạt tiêu,…; không uống rượu, bia, hút thuốc lá.


Theo Ngọc Dũng - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X