Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa suy giảm thính lực

Sử dụng thiết bị nghe nhạc với âm lượng quá mức khiến thính lực bị suy giảm.

Các thiết bị nghe nhạc là công cụ giải trí không thể thiếu trong đời sống con người. Tuy nhiên, việc sử dụng với âm lượng quá mức và những thói quen xấu khi nghe nhạc khiến thính lực bị suy giảm mà người bệnh không hay biết.


Trong vòng 20 năm trở lại đây, những người bị suy giảm thính lực hoặc thậm chí là điếc tăng lên khoảng 30%. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng này gia tăng không ngừng ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhiều chuyên gia cho rằng, suy giảm thính lực ở lứa tuổi này là do lạm dụng các thiết bị nghe nhạc.

Một tổ chức nghiên cứu y học và chăm sóc y tế ở Mỹ cho biết, những âm thanh với cường độ trên 90dB (decibel) tác động liên tục trong một thời gian dài là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm thính lực.

Nhưng, hiện nay, hầu hết thiết bị nghe nhạc, tai nghe đều được sản xuất với khả năng phát âm thanh lớn hơn 120dB - một giá trị khá gần với ngưỡng gây đau tai (130dB) và làm mất thính lực vĩnh viễn nếu phải nghe liên tục.

Đặc biệt, loại tai nghe nhét sâu vào ống tai được xem là sản phẩm gây nguy hiểm nhất đến thính lực. Nếu nghe nhiều, màng nhĩ sẽ bị xơ hóa từ từ, đục dần và cứng, khiến cho nó không thể rung động được, từ đó, thính lực bị giảm dần.

Các vấn đề suy giảm thính lực không có dấu hiệu rõ ràng trong vài năm, nhưng một khi xuất hiện sẽ không thể phục hồi được. Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 30 triệu người gặp những vấn đề về mất thính lực, trong đó, khoảng một phần ba bị lãng tai.

Nguyên nhân gây suy giảm thính lực khi dùng những thiết bị này là thói quen sử dụng không đúng cách của người nghe nhạc, chẳng hạn mở âm lượng quá to, dùng tai nghe nhét sâu hoặc nghe liên tục trong vài giờ đồng hồ khiến cơ quan thính giác bị tổn thương.

Do vậy, để phòng ngừa suy giảm thính lực, mỗi người không nên nghe nhạc liên lục với âm lượng lớn hơn 90dB và không sử dụng tai nghe quá 2 giờ một ngày. Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với những nơi ồn ào, âm thanh lớn, bạn nên dùng miếng đệm tai hoặc tạo cho mình một quãng thời gian thư giãn yên tĩnh sau đó.

Một số điều cần biết cho bệnh nhân suy giảm thính lực:

Nguyên nhân: do tuổi cao, viêm nhiễm ở tai, tiếng ồn, sau sử dụng một số thuốc độc với thính giác (salicylat, quinine, kháng sinh nhóm aminosid), di truyền, sau chấn thương vật lý, dị vật, dị tật…

Hậu quả: khó khăn trong giao tiếp vì không nghe được; rối loạn về tâm lý, trầm cảm, cảm giác bị cô lập, tính khí thất thường. Với trẻ em, hậu quả còn nặng nề hơn, ảnh hưởng tới học tập và tương lai của trẻ.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, dùng thuốc: ăn uống đủ dưỡng chất, ưu tiên các nhóm thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin D, hạn chế rượu bia, thuốc lá; tránh chấn thương ở vùng đầu, tai. Ngoài ra, bạn không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai hoặc đưa vật lạ vào tai; tránh stress, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; tránh nơi có tiếng ồn lớn; tránh dùng những thuốc có nguy cơ độc với thính giác…

AloBacsi.vn
Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X