Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa đột quỵ ở người cao huyết áp

Không dùng lại toa thuốc cũ. Khi đột quỵ không tự ý uống thuốc hạ áp, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên để đường thở thông thoáng và đưa đi cấp cứu.

Ông Hà, cán bộ về hưu sống quận 2, TP HCM, bị cao huyết áp nhưng vẫn thường xuyên hút thuốc lá. Một lần đi nhậu về, ông xuất hiện các triệu chứng nói không rõ tiếng, run tay nhưng người nhà cứ tưởng ông say rượu chứ không nghĩ đột quỵ.

Đến lúc ông Hà ngã, gia đình mới hoảng hốt đưa vào bệnh viện. Nhờ cấp cứu kịp thời, bệnh lại ở giai đoạn nhẹ nên không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ông Hà bị liệt nửa người, sau khi xuất viện vẫn phải tích cực điều trị tại nhà.

Theo BS Chung Bá Ngọc, Phó Khoa Nội Tim mạch, BV Nhân dân Gia Định, đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não, là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao với nhiều di chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân bị tai biến đang điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân bị tai biến đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Lê Phương

Đột quỵ có thể là tình trạng xuất huyết não hoặc thiếu máu não. Phần não được cấp máu bởi động mạch bị tổn thương sẽ rơi vào tình trạng thiếu ôxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch.

Khi tình trạng này kéo dài làm cho thành mạch bị dãn dần ra xơ vữa,vôi hóa… và xuất hiện những tổn thương. Khi những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ thiếu chất dinh dưỡng và ôxy, dẫn đến đột quỵ và tử vong.

Ở người bệnh tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ gấp nhiều lần so với người bình thường. Người bị đột quỵ do tăng huyết áp sẽ gặp phải rất nhiều di chứng như nói ngọng, méo mồm, mất trí nhớ hoặc nặng nề hơn như liệt nửa người, sống thực vật, tàn phế suốt đời, không còn khả năng lao động… Cùng với đó là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, điều trị.

Vì vậy, nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ vô cùng quan trọng.

Theo BS Ngọc, cần lưu ý khi có những biểu hiện như:

- Đau đầu dữ dội.

- Có sự thay đổi tri giác, run tay, run chân, cử động khó khăn.

- Rối loạn cảm giác thần kinh, mất ý thức, lơ mơ, lẫn lộn hoặc hôn mê đột ngột.

- Nói ngọng, yếu một bên cơ mặt, miệng méo, nuốt khó.

- Nhìn mờ...

Khi người bệnh có một trong các triệu chứng nêu trên cần nhanh chóng đến cơ sở y tế. Đối với người bị đột quỵ, 3 giờ đầu là thời gian vàng, vì vậy cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Trong quá trình vận chuyển, cần đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng đầu sang một bên, nếu bị nôn, chảy dãi thì cần nhẹ nhàng móc hết đờm dãi, dùng khăn lau sạch, để đường thở thông thoáng cho bệnh nhân dễ thở.

"Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc, đặc biệt là ngậm thuốc hạ huyết áp vì nếu huyết áp hạ, máu sẽ không được bơm lên não, dẫn đến tổn thương với não càng nặng nề, gây nguy hiểm hơn", bác sĩ Ngọc lưu ý.

Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu của đột quỵ với hiện tượng trúng gió nên xoa dầu nóng, cạo gió…, vừa làm mất thời gian cấp cứu vừa làm cho bệnh càng nguy hiểm hơn.

Đa phần người bệnh khi đã bị tai biến thì thời gian phục hồi rất chậm. Do đó, bệnh nhân cần phải kiên nhẫn điều trị, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với người cao huyết áp, để phòng ngừa tai biến, trước hết cần phải kiểm soát và điều trị tốt tăng huyết áp, cần giữ được huyết áp mục tiêu, đưa xuống mức ổn định 140/90 mmHg. Cần điều chỉnh lối sống hợp lý, tuân thủ 5 nguyên tắc:

- Thực hiện chế độ giảm cân nếu thừa cân.

- Giảm ăn mặn.

-Thực hiện chế độ ăn theo khuyến cáo, nên ăn nhiều cá, nhiều rau, củ, hạn chế tinh bột, đường, giảm sữa béo, mỡ, thịt đỏ…

- Tập thể dục trên 30 phút một ngày, tùy theo sức khỏe và khả năng, tình trạng bệnh của từng người mà lựa chọn hình thức thể dục phù hợp. Hình thức đơn giản nhất được khuyến khích là duy trì việc đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày.

- Hạn chế bia rượu, ngưng thuốc lá.

Ngoài ra, cần giữ cuộc sống tinh thần thoải mái. Chính cuộc sống căng thẳng sẽ ảnh hưởng hệ thần kinh làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ, những người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao đột quỵ là những người trên 55 tuổi, tiền sử gia đình có người đột quỵ, người béo phì, ít vận động, mắc một số bệnh như tăng mỡ máu, thận mãn, đái tháo đường…

Khi bị cao huyết áp, cần phải uống thuốc, tuân thủ đúng điều trị và lịch tái khám theo hẹn của bác sĩ. Theo BS Ngọc, rất nhiều người khi thấy khỏe mạnh, huyết áp bình thường thì tự động ngưng thuốc.

Trên thực tế, huyết áp tuy bình thường nhưng nếu bỏ điều trị thì có thể tăng vọt trở lại bất cứ lúc nào, nhất là trên cơ địa hút thuốc, đái tháo đường, bệnh nhân đã có tổn thương mạch máu thì rất dễ bị vỡ bất ngờ. Trong quá trình điều trị, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần nhanh chóng đi khám.

Cũng không ít trường hợp, khi người bệnh dùng thuốc thấy ổn định là tiếp tục sử dụng toa thuốc cũ trong vòng nhiều tháng liền mà không đi tái khám.

Điều này cũng rất nguy hiểm. Trên cơ sở của việc thăm khám thường xuyên, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc thay đổi thuốc tùy theo từng giai đoạn, sự tiến triển của bệnh để tránh những biến cố bất thường, BS Ngọc lưu ý.

AloBacso.vn
Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X