Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa đột quỵ cho người trẻ tuổi?

Câu hỏi

Xin chào AloBacsi, Tôi muốn nhờ AloBacsi chuyển câu hỏi cho TS Cường ạ, Gần đây tôi đọc nhiều bài báo thấy người trẻ khoảng 20-30 cũng bị đột quỵ, vì sao lại bị đột quỵ ở lứa tuổi này vậy TS? Điều này làm tôi rất hoang mang vì không biết độ tuổi nào dễ bị đột quỵ, có phải trẻ em cũng bị hay không? Cách nào phòng chống đột quỵ khi tuổi còn quá trẻ? Ngoài bệnh tim mạch thì còn những loại bệnh nào dẫn đến đột quỵ? Chân thành cảm ơn TS đã giải đáp. (Bạn đọc Trần Hà Vân - vangia…@gmail.com)

Trả lời

TS.BS Trần Chí Cường

TS.BS Trần Chí Cường

Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ SIS

Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Chào Hà Vân,

Đột quỵ vẫn có thể xảy ra ở người trẻ, đôi khi là ở trẻ em. BS đã từng điều trị cho những trường hợp đột quỵ trẻ em dưới 10 tuổi. Nhóm bệnh nhân này thường có bệnh sẵn: dị dạng mạch máu não bẩm sinh, các thông nối động tĩnh mạch trong bào thai…

Nói chung, đột quỵ ở người trẻ thường có nguyên nhân do bệnh lý mạch máu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây với các yếu tố tác động xấu từ môi trường ô nhiễm, thức ăn, lối sống sinh hoạt uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá nhiều, ít vận động, căng thẳng quá mức... làm cho bệnh đột quỵ ở người trẻ dưới 40 tuổi tăng cao hơn trước.

Biện pháp phòng tránh nói chung đã được biết đến rất nhiều, tuy vậy việc thực hiện chưa được rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ ít tiếp cận các kênh truyền thông sức khỏe và tự tin vào sức khỏe của mình.

Việc phòng tránh cơ bản phải lâu dài và kiên trì thực hiện mặc dù rất đơn giản:

- Không hút thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá thụ động

- Giữ môi trường sống tốt, tránh tiếp xúc các hóa chất độc hại, đặc biệt là xăng, dầu, các chất chứa chì

- Không uống rượu bia thường xuyên

- Tập thể dục mỗi ngày tối thiểu 30 phút

- Kiểm soát cân nặng tránh thừa cân, béo phì

- Chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc

- Không sử dụng thuốc kích thích, không sử dụng thuốc ngừa thai bừa bãi

- Đo huyết áp tối thiểu 1 tháng/lần hoặc nhiều hơn nếu trong gia đình có bố mẹ bị tăng huyết áp lúc trẻ tuổi hoặc từng có người đột quỵ lúc trẻ.

Ngoài ra, nên đi khám BS chuyên khoa Thần kinh - Đột quỵ khi huyết áp cao hơn 140 mmHg hay có những triệu chứng đau đầu dữ dội kéo dài, tê yếu tay chân thoáng qua, ngất xỉu, mất ý thức từng cơn, động kinh, co giật tay chân… Vì có rất nhiều trường hợp bệnh nhân động kinh là do dị dạng mạch máu não khi dị dạng này căng quá mức có thể vỡ ra làm bệnh nhân động kinh đột quỵ. Tuy nhiên, tỷ lệ dị dạng mạch máu não trên người bình thường chưa quá 1% dân số. Do đó, ý nghĩa trong cộng đồng nếu không có các triệu chứng bất thường như kể trên thì chúng ta không cần phải quá mức lo lắng.


Thân mến!

Trích trong: TS Trần Chí Cường giao lưu “1001 thắc mắc về đột quỵ mùa Tết”

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn

› Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X