Hotline 24/7
08983-08983

Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt

Sắt là thành phần quan trọng của huyết cầu tố, thu nhận ôxy để máu đưa đến nuôi dưỡng tế bào, đảm bảo sự sống cho cơ thể.

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi lượng huyết cầu tố trong máu thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình tạo máu.

Ở các nước đang phát triển, thiếu máu dinh dưỡng chủ yếu do thiếu sắt. Bệnh hay gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ và giảm năng lực trí tuệ ở trẻ.

Ảnh hưởng của thiếu máu dinh dưỡng đến sức khỏe

- Ảnh hưởng tới khả năng lao động: Thiếu máu do bất kỳ nguyên nhân nào cũng gây tình trạng thiếu ôxy cao. Tình trạng thiếu máu làm năng suất lao động của người bệnh giảm, khi có tình trạng thiếu sắt nhưng chưa có bộc lộ thiếu máu cũng đã làm giảm khả năng lao động.

- Ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ: Người thiếu máu thường có biểu hiện mệt mỏi, kém tập trung tư tưởng, mất ngủ, tình trạng dễ bị kích thích. Ở trẻ em, thiếu máu làm giảm năng lực trí tuệ, kết quả học tập giảm sút.

- Ảnh hưởng đến thai sản: Thiếu máu là tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc các bệnh và tử vong, người mẹ dễ bị chảy máu thời kỳ hậu sản. Do vậy, thiếu máu dinh dưỡng được coi là một đe dọa sản khoa.

 Chế độ ăn nhiều rau quả làm tăng khả năng hấp thu sắt.          
Ảnh: TL
Vai trò của sắt trong cơ thể:

Sắt là thành phần quan trọng của huyết cầu tố, thu nhận ôxy để máu đưa đến nuôi dưỡng tế bào, đảm bảo sự sống cho cơ thể.

Trong thức ăn, sắt ở dưới 2 dạng:

+ Dạng trong thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, gan, trứng... khả năng hấp thu vào cơ thể cao (20-30%).

+ Dạng trong thức ăn có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ, rau lá có màu sẫm (rau muống, rau đay, rau ngót, rau dền) trong một số hoa quả như dưa hấu, đu đủ chín... khả năng hấp thụ vào cơ thể khoảng 5-10%.

Nhu cầu sắt: Sắt trong cơ thể rất ít, khoảng 2,5g ở nữ, 4g ở nam, nhưng có vai trò sinh học to lớn. Chuyển hóa sắt trong cơ thể gần như khép kín, cơ thể rất tiết kiệm sắt, nhưng hằng ngày vẫn bị hao hụt theo các đường khác nhau.

Ở người trưởng thành, lượng sắt mất đi mỗi ngày khoảng 0,9% ở nam 65kg và 0,8mg ở nữ 55kg.

Ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, lượng sắt mất theo chu kỳ kinh nguyệt trung bình mỗi ngày 1,25mg và có khoảng 5% phụ nữ cao hơn 24mg.

Ở phụ nữ có thai, tuy không mất sắt theo kinh nguyệt nhưng cần để bổ sung cho thai nhi, rau thai, để tăng khối lượng máu của người mẹ, cần khoảng 1.000mg sắt.

Nhu cầu đó không rải đều mà tập trung vào những tháng cuối, tới 6,3mg/ngày. Nhu cầu này không thỏa mãn nếu chỉ dựa vào chế độ ăn, trừ khi cơ thể có dự trữ sắt lớn. Do đó, rất cần thiết phải bổ sung viên sắt cho phụ nữ có thai nhất là vào các tháng cuối thai thời kỳ có thai.

Các biện pháp phòng chống thiếu máu dinh dưỡng

- Đa dạng hóa bữa ăn: Khuyến khích đa dạng hóa bữa ăn. Chế độ ăn phải cung cấp đủ năng lượng, dùng các thức ăn giàu sắt trong thành phần thức ăn động vật, đậu, đỗ. Tăng khả năng hấp thụ sắt bằng các thức ăn giàu vitamin C như rau quả. Khuyến khích ăn các thức ăn lên men như giá đỗ, dưa chua, các thực phẩm nẩy mầm có nhiều vitamin C và giảm được lượng tanin, acid phitic trong thực phẩm.

- Bổ sung bằng viên sắt: Bổ sung viên sắt cho phụ nữ có 15-30 tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi đều đặn, đủ liều.

Theo BS. Sa Chí Tình - Sức khỏe & đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X