Hotline 24/7
08983-08983

Phòng chống dịch tay chân miệng đang có vấn đề?

Dịch bệnh không mới, virus không biến đổi nhưng số mắc và tử vong vẫn tăng rất cao.

Tất cả những điều trên đặt ra câu hỏi về công tác tuyên truyền, phòng chống dịch tay chân miệng liệu có phải là có vấn đề?

Thay đổi cách tuyên truyền

Virus biến đổi với độc lực cao, gây bệnh nặng, tử vong nhiều là nỗi lo lớn khi có bệnh truyền nhiễm xảy ra. Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Năm nay, virus gây bệnh tay chân miệng không biến đổi. Vì thế, nguy cơ này không có.

Dịch tay chân miệng cũng đã xuất hiện ở Việt Nam được 7 năm. Công tác phòng chống đáng ra phải nói là thuần thục. Nhưng thực tế lại khác.


Các bệnh viện phía Nam quá tải bệnh nhi mắc tay chân miệng

Ông Dương cho biết: Có những nơi cán bộ phòng dịch đến phát thuốc diệt khuẩn nhưng người dân không dùng, cứ vứt một xó. Điều này một phần còn do ý thức của người dân nhưng một phần cũng do cách tuyên truyền chung chung, nặng tính khẩu hiệu của ngành y tế khiến họ lờ đi.

“Truyền thông phải đi trước một bước. Truyền thông phải cụ thể, tỉ mỉ, ngắn gọn, dễ hiểu và mang tính cầm tay chỉ việc. Nhưng thực tế là ở nhiều địa phương các tỉnh không đầu từ gì cho công tác truyền thông về dịch, hoặc nếu có thì không đến nơi đến chốn”, ông Dương nói.

Tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng tổ chức ngày 15/8 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh “công tác truyền thông về dịch bệnh này chưa phủ sóng hết đối tượng đích thực và thông điệp truyền thông chưa thật chuẩn”.

Trước thực tế này, dù dịch đã xảy ra rồi, Bộ Y tế đã quyết định thay đổi nội dung truyền thông. Trên báo Sức khỏe đời sống ngày 18/8, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ Y tế) cho biết công tác truyền thông về dịch tay chân miệng sẽ được thay đổi để sát hơn với tình hình thực tế.

Cụ thể là làm các thông điệp, tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng gần hơn với người dân thay vì cách truyền thông chung chung, hô hào như trước đây.

Tại các bản tin, tờ rơi sẽ hướng dẫn cụ thể cũng như tư vấn cho người dân về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng bệnh.

Bộ trưởng Tiến cũng chỉ đạo cần tuyên truyền về cách giữ gìn bàn tay sạch như trường xuyên rửa tay cho trẻ, người chăm sóc trẻ để người dân hiểu để tự giác và tích cực hưởng ứng, thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Việc tuyên truyền phải đến được từng tổ dân phố, hộ gia đình trong cộng đồng.

“Chỉ đạo của Bộ trưởng và Thứ trưởng không 'đá' nhau”

Dư luận những ngày vừa qua rơi vào nhiễu loạn khi một số báo đưa tin: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị công bố dịch tay chân miệng nhưng Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn lại cho biết Bộ Y tế phải chờ đợi các địa phương chủ động công bố, vì thẩm quyền công bố dịch bệnh này thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Trước diễn biến này, nhiều người cho rằng công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Y tế đối với dịch tay chân miệng là không nhất quán!?

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Người phát ngôn của Bộ Y tế - khẳng định: “Trong chuyện chỉ đạo ứng phó với dịch tay chân miệng, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế không đá nhau”.

Theo đó, tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng tổ chức ngày 15/8 tại TPHCM, Bộ trưởng Tiến nhắc nhở các địa phương cần triển khai tuyên truyền trúng đích về dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng chống và cân nhắc công bố dịch nếu đã đủ điều kiện để nhân dân không chủ quan lơ là, còn ngành y tế cũng chủ động hơn vì tuyến dưới sẽ được quyền duyệt thuốc men, trang thiết bị, tránh phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên gây quá tải, tốn kém.

Trong khi đó, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn trả lời đúng theo quy định của pháp luật khi được các nhà báo hỏi, đó là thẩm quyền công bố dịch tay chân miệng thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và có 2 điều kiện để công bố dịch.

Điều kiện 1 là số bệnh nhân mắc bệnh cao hơn số dự tính bình thường.


Công tác tuyên truyền phòng bệnh đang có vấn đề?


Điều kiện 2 là khi xuất hiện 1 trong 4 yếu tố sau:

a/ dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế địa phương;

b/ tác nhân gây bệnh đã được xác nhận là có biến đổi gây tình trạng bệnh cảnh nặng, tử vong cao;

c/ Chưa rõ tác nhân gây bệnh nhưng tỷ lệ tử vong cao và các biện pháp phòng chống chưa hiệu quả;

d/ Dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong thời điểm thảm họa.

“Như vậy thì đâu có gì đá nhau?”, ông Bình nói. Ông cũng khẳng định thẩm quyền công bố dịch bệnh này thuộc về địa phương.

Trong trường hợp vì một lý do nào đó mà địa phương không công bố dịch (khi đã đủ điều kiện) hoặc chưa đủ điều kiện đã công bố dịch (gây hoang mang, thiệt hại) thì đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đúng lúc và kịp thời?

Dịch tay chân miệng xuất hiện rải rác từ đầu năm 2011, bắt đầu nóng từ tháng 4, tháng 5 và sau đó tăng mạnh trong tháng 7 và đến thời điểm hiện tại vẫn đang rất nóng.

Trong khi đó, những biện pháp ứng phó mà Bộ Y tế đưa ra được đánh giá là bị động và chậm. Cụ thể: Đến ngày 19/7, Bộ Y tế mới ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng (bổ sung).

Đến ngày 18/8, báo Sức khỏe đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế - đưa tin: Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ Y tế) cho biết công tác truyền thông về dịch tay chân miệng sẽ được thay đổi để sát hơn với tình hình thực tế.

Cũng trong ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, huy động toàn ngành y tế tham gia công tác phòng chống dịch. Đáng ra những việc này phải đi hàng đầu, khi dịch chưa xuất hiện.

Trả lời câu hỏi: “Liệu những động thái này có chậm không, khi mà dịch đã xảy ra, hoành hành mạnh rồi?”, ông Bình nhận định: “Nói nhanh hay chậm còn tùy tình hình thực tế ở địa phương. Nếu ban hành sớm hơn thì có thể là sẽ sớm quá, còn muộn hơn thì lại chậm. Có thể nói ban hành ở thời điểm này là hợp lý!”.

Theo Cẩm Quyên - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X