Hotline 24/7
08983-08983

Phòng chống bệnh lao: Không để một ai bị bỏ lại phía sau

Mặc dù bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới nhưng không khó để chữa khỏi nếu phát hiện sớm và chữa đúng phương pháp, đủ thời gian.

Mặc dù bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới nhưng không khó để chữa khỏi nếu phát hiện sớm và chữa đúng phương pháp, đủ thời gian. Bên cạnh đó, tiêm phòng cho trẻ sơ sinh, ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh, tránh xa các chất gây nghiện… là các giải pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh này.

Không để một ai bị bỏ lại phía sau

Ngày Thế giới phòng chống Lao (World Tuberculosis Day) được tổ chức vào 24-3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng bệnh lao (Tuberculosis), đồng thời kêu gọi sự nỗ lực của toàn cầu trong việc phòng chống, chăm sóc, điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả những người mắc bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người bệnh lao vào năm 2035.

Năm 2017 là năm thứ hai của chiến dịch kéo dài 2 năm với chủ đề “ Cùng hành động để kết thúc bệnh lao” (Unite to End TB). Nhân ngày thế giới phòng chống lao năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tập trung đặc biệt về các nỗ lực đoàn kết nhằm “Không để một ai bị bỏ lại phía sau” (Leave No-one Behind), bao gồm các hành động để giải quyết tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, cách ly xã hội và vượt qua những rào cản để tiếp cận chăm sóc người bệnh.

Theo WHO, bệnh lao là một trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Năm 2015, trên toàn thế giới có đến 10,4 triệu người bị bệnh lao và có 1,8 triệu người chết do lao. Các kết quả điều tra cũng cho thấy, bệnh lao là nguyên nhân chủ yếu gây nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với phát triển kinh tế, và ngược lại, đói nghèo cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến người dân mắc bệnh lao. Trong 1,8 triệu người chết do lao năm 2015, có đến 95% đến từ các nước có thu nhập trung bình/thấp.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng chống lao

Trong cuộc chiến chống lại bệnh lao, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hàng năm cả nước phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc Lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới; từ năm 2000 đến nay, dịch tễ bệnh Lao giảm trung bình hàng năm là 4,6 %; hầu hết các kỹ thuật mới đều đã được áp dụng có hiệu quả cao, đến nay đã có gần 6.000 người mắc lao kháng thuốc được thu nhận điều trị.

WHO đánh giá cao công tác phòng chống Lao của Việt Nam, đặc biệt là việc lồng ghép các chương trình đào tạo. Các nội dung đào tạo chính được cán bộ phòng chống lao quan tâm ở các tuyến từ trung ương, tuyến huyện, tuyến cơ sở gồm: quản lý chương trình; dịch tễ học bệnh lao; quản lý bệnh lao; phối hợp y tế công tư; lao đa kháng thuốc…

Trong mục tiêu hoạt động của Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020, Việt Nam đang cố gắng giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 người dân; giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân vào năm 2020; 100% bệnh nhân lao được điều trị với công thức điều trị chuẩn của chương trình và được cung cấp các loại thuốc chống lao đầy đủ, chất lượng. Chương trình cũng đã xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi bao gồm các đơn vị, cá nhân trong nước và quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành lao tại các tuyến y tế trên cả nước.

Bên cạnh những thành tựu, công tác phòng chống lao ở Việt Nam vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức. Cụ thể, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây bệnh lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế vì đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng; xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao, dẫn đến việc giấu bệnh… Đặc biệt, do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng kháng lao ngày càng tăng.

Chính vì vậy, các nhà chuyên môn nhận định, hoạt động phòng chống và điều trị bệnh lao tại cơ sở - nơi gần người dân nhất là rất quan trọng. Theo đó, cần thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động trong việc phát hiện và phòng, chống bệnh lây ra cộng đồng. Đây vừa là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao và cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, nhằm tạo ra một sức mạnh tổng hợp nhằm khống chế, đẩy lùi và tiến tới thanh toán bệnh lao.

Bệnh lao và cách phòng chống

Bệnh lao là bệnh nhiễm một loại vi khuẩn (có tên là Mycobacterium Tuberculosis - MTB) tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Tùy theo vị trí bị bệnh mà người ta chia bệnh lao thành 2 thể chính là: lao phổi chiếm khoảng 80-90% và lao ngoài phổi (lao xương, lao gan…) chiếm khoảng 10-20%.

Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh lao bao gồm: người dương tính với HIV hoặc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch; người đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao; người chăm sóc bệnh nhân bị lao (bác sĩ, y tá, người thân); người sống và làm việc ở nơi có người bị lao (trại tị nạn, trạm xá); người sống ở nơi có điều kiện y tế thấp kém; người lạm dụng rượu hoặc ma túy…

Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể vài tuần cho tới vài năm mới bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Một số triệu trứng cơ bản thường thấy ở bệnh nhân lao bao gồm: Ho, ho ra máu (ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhưng có thể gặp ở 60% những người lao phổi); khạc đờm; gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng; sốt, ra mồ hôi; chán ăn, mệt mỏi… Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi để khám và xét nghiệm.

Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất. Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ… mà vô tình người tiếp xúc gần đó hít vào. Do đó, để phòng bệnh, cần có những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Biện pháp hữu hiệu nhất là cho trẻ sơ sinh là đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng chống lao (hiện nay Việt Nam đang thực hiện tiêm phòng lao ngay tháng đầu sau sinh trong chương trình TCMR được triển khai ở tất cả các xã). Đồng thời, thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma tuý, rượu bia, thuốc lá... Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khoẻ định kỳ cũng là điều cần thiết để phòng bệnh lao.

Đối với người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh như: nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị (thông thường cần vài tuần điều trị lao để không lây cho người khác); đeo khẩu trang khi ra ngoài; lấy miếng vải che miệng bất cứ khi nào cười, nói, ho, hắt hơi sau đó để miếng vải trong túi, buộc kín và vứt vào thùng rác. Đặc biệt, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm quá trình trị liệu. Đây là bước quan trọng trong quá trình điều trị lao nhằm bảo vệ người bệnh và những người xung quanh khỏi lao.

Theo Tùng Lâm - TTXVN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X