Hotline 24/7
08983-08983

Phòng bệnh mùa lạnh: Đối phó với “máy dự báo thời tiết”

Nhiều người được ví là “cỗ máy dự báo thời tiết”, hoặc khi thời tiết giao mùa, đặc biệt khi trời chuyển lạnh, họ lại đau đầu. Vì sao lại xảy ra tình trạng này?


Cần trang bị đủ ấm khi ra đường trong thời tiết trở lạnh. Ảnh: Chí Cường
Cần trang bị đủ ấm khi ra đường trong thời tiết trở lạnh. Ảnh: Chí Cường

“Máy dự báo thời tiết” mỗi khi chuyển mùa

Chị Hoài Thương (30 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hoàng Mai, Hà Nội) được cả cơ quan và gia đình ví là “cỗ máy dự báo thời tiết”. Cứ mỗi khi trời đang nắng ấm, oi bức, chuyển sang mưa gió, lạnh giá, nhiệt độ giảm thấp là chị lại bị nhức đầu khủng khiếp. “Tôi nhạy cảm đến mức cứ mỗi lần “đau đầu nhức óc” là y như rằng sau đó trời mưa, thời tiết thay đổi như đã chuyển mùa. Đau đầu bất kỳ sáng, trưa hay tối. Cơn đau đầu ám ảnh khiến tôi không thể tập trung làm việc, sinh hoạt thường ngày”, chị Thương nói.

Chị kể, trong những ngày gần đây, dù hôm trước nhiệt độ Hà Nội 27oC, nhưng buổi chiều hôm sau, khi chị đang làm việc thì bỗng nhiên đau đầu âm ỉ. “Y như rằng, gần cuối giờ chiều trời mưa, nhiệt độ đột ngột giảm thấp chỉ khoảng 19-20oC, đi đường lạnh nổi da gà. Cơn đau đầu kéo dài tới ngày hôm sau”, chị Thương cho biết.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, mặc dù ở nước ta chưa có thống kê cụ thể nhưng cứ vào mỗi dịp thời tiết thay đổi, số lượng người đến khám chuyên khoa thần kinh vì đau đầu tăng lên rõ rệt. Trong đó, hai dạng đau đầu cơ bản là đau cả đầu hoặc đau nửa đầu với các triệu chứng âm ỉ, tê buốt đầu cách hồi, hoặc đau dồn dập, dữ dội, choáng váng… gây nhiều phiền toái trong công việc, cuộc sống.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, đau đầu do thời tiết thường xảy ra ở những người nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí... Các tác nhân này tác động đến sự co, giãn của các mạch máu trong sọ và hóa chất trung gian có khả năng gây viêm, làm khởi phát tình trạng đau đầu.

BS Dương Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (BVĐK Xanh Pôn) cho hay, những người hay bị stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc, thiếu ngủ còn có thể bị đau nửa đầu. Một số người còn được gọi là cái máy "dự báo thời tiết" như chị Thương trên đây. Bên cạnh đó, có khoảng 30 - 40% bệnh nhân tới khám vì đau vỏ đầu. Theo BS Kiên, đau đầu thời tiết hay đau vỏ đầu là do mạch máu dưới da co thắt.

Đau đầu trời lạnh không hẳn là cơn đau lành tính

BS Dương Trung Kiên phân tích, nguyên nhân đau đầu có hai loại: Đau đầu bệnh lý và đau đầu triệu chứng, nhưng rất khó để có thể phân biệt. Với chứng đau đầu triệu chứng, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do tác động của công việc, stress, thay đổi thời tiết… Đau đầu triệu chứng thường gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh nhưng không để lại hậu quả nghiêm trọng. “Nếu tình trạng đau vỏ đầu, đau đầu khi trời lạnh, thay đổi thời tiết tái diễn nhiều lần phải được thăm khám, điều trị giảm đau, giãn cơ, tăng cường sức bền thành mạch”, BS Kiên nói.

Còn theo khuyến cáo của GS.TS Nguyễn Văn Thông, tình trạng đau đầu do thời tiết không đơn thuần là cơn đau lành tính, chỉ xảy ra với người có cơ địa nhạy cảm, không thích nghi kịp với sự thay đổi môi trường mà còn là dấu hiệu “chỉ điểm” hệ thống mạch máu não đã gặp phải các tổn thương như viêm, xơ vữa động mạch.

GS.TS Nguyễn Văn Thông phân tích, lúc này, kết hợp với các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là sự thay đổi thời tiết đột ngột sẽ khiến động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn nặng, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não. Bên cạnh đó, quá trình tắc nghẽn máu kéo dài còn có thể gây chết tế bào não do thiếu oxy và dưỡng chất gây ra nhồi máu não. Theo nghiên cứu của Trường ĐH Y khoa Hoàng gia Luân Đôn (Anh), 40% trường hợp đột quỵ liên quan trực tiếp đến đau đầu.

“Do vậy, đau đầu do thời tiết là dấu hiệu cần lưu ý đến nguy cơ cơn đột quỵ gần, đặc biệt với những người bị đau đầu mãn tính”, GS.TS Nguyễn Văn Thông nói.

Hiện nay, nhiều người có thói quen, hễ đau đầu là đi mua thuốc giảm đau về uống, tuy nhiên không hiểu biết chính xác về việc sử dụng loại thuốc này. Nhiều chuyên gia cảnh báo, thuốc giảm đau như con dao hai lưỡi, dùng nhiều sẽ ảnh hưởng. Do đó, thuốc giảm đau không nên sử dụng quá 2 ngày trong tuần. Nhiều trường hợp vì lạm dụng thuốc nên dẫn đến một loại đau đầu mới khó điều trị hơn. Đó là đau đầu do dùng thuốc quá nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị hiệu ứng hồi ngược, sau một thời gian uống thuốc thì triệu chứng đau đầu tái phát và khó điều trị hơn, thành đau đầu mãn tính.

Theo các chuyên gia, nếu lạm dụng thuốc giảm đau có chứa paracetamol còn ảnh hưởng tới dạ dày, men gan, gây ra những phản ứng trên da. Đặc biệt, với người uống rượu, bia, đi trời lạnh về bị đau đầu thì không nên dùng thuốc giảm đau này, bởi nó sẽ làm hại gan gấp đôi. Đó là do rượu bia khi vào cơ thể được đào thải qua gan, thuốc giảm đau chứa paracetamol trị đau đầu cũng đi qua “bộ lọc” này.

Nếu bị đau đầu do thời tiết, các bác sĩ khuyên không nên uống thuốc vội, thay vào đó nên dùng các phương pháp dân gian, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, nghỉ ngơi để sớm chấm dứt cơn đau đầu. Ngay khi xuất hiện chứng đau đầu nên nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, tư thế chân cao hơn đầu để máu lưu thông lên não tốt hơn.

Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế đau đầu khi thay đổi thời tiết, đặc biệt khi trời chuyển lạnh, cần chú ý bảo vệ cơ thể với trang phục phù hợp, trời lạnh nên giữ ấm, không nên thay đổi quá nhanh từ môi trường nóng sang lạnh hoặc ngược lại; duy trì chế độ dinh dưỡng tốt cho não, đồng thời uống nhiều nước; ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.


Theo Quỳnh An - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X